Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam: Ưu tiên 6 nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam
Các Khu kinh tế và Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích tự nhiên trên 60.000ha, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bao gồm: Khu phi thuế quan gắn với sân bay Chu Lai; khu phi thuế quan gắn với khu bến cảng; các khu cảng và logistics; các KCN, khu đô thị, khu du lịch và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Đến nay, toàn tỉnh có 14 KCN có tổng diện tích gần 3.677ha, trong đó có 10 KCN đã đi vào hoạt động và 4 KCN đang triển khai. Qua đó, thu hút được 225 dự án đầu tư, trong đó có 154 dự án đầu tư trong nước và 74 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 75.000 tỷ đồng.
Năm 2021, các KCN Quảng Nam đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép: đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.056 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 1,8 tỷ USD.
Qua đó, đóng góp trên 70% ngân sách nhà nước, trong đó riêng Tập đoàn Trường Hải - “Con chim đầu đàn của công nghiệp Quảng Nam” đã đóng góp ngân sách 15.000 tỷ đồng; đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho 55.000 lao động của địa phương.
Ông Lê Vũ Thương, Trưởng ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN tỉnh Quảng Nam chia sẻ, trong năm 2022, Ban Quản lý xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư vào các Khu kinh tế và KCN tỉnh Quảng Nam theo ngành, lĩnh vực, thị trường và đối tác đầu tư đã được xác định cho cả thời kỳ 2021 - 2025, trong đó tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. Đồng thời hướng đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu.
Với những cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, các Khu kinh tế và KCN tỉnh Quảng Nam đang tập trung thu hút đầu tư vào 6 nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam theo Nghị quyết số 7/NQ-TU ngày 4.5.2021 của Tỉnh ủy về định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể: Nhóm các dự án đô thị du lịch ven biển, ven sông; Nhóm dự án ô tô và cơ khí đa dụng; Nhóm dự án các KCN và KCN công nghệ cao; Nhóm dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không; Nhóm dự án cảng biển và logistics Chu Lai; Nhóm dự án nông nghiệp hàng hóa an toàn ứng dụng công nghệ.
Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu như các ngành công nghiệp cơ khí, máy móc, thiết bị, ô tô, thiết bị điện tử, dệt may, da giày; các sản phẩm nông- lâm- thủy sản, đồ gỗ… Đồng thời chú trọng đến một số thị trường dịch vụ như logistics, viễn thông, thương mại điện tử.