Giải quyết chồng lấn địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum: Cần tôn trọng ý nguyện người dân

ALĂNG NGƯỚC - DIỄM LỆ 22/06/2022 07:09

Chưa thể an cư sau những vướng mắc về địa giới hành chính kéo dài, hàng trăm hộ đồng bào Ca Dong ở thôn 3 (xã Trà Vinh, Nam Trà My) đề xuất nguyện vọng giữ nguyên vùng đất sinh sống, không di chuyển nơi ở và hộ khẩu về tỉnh Kon Tum nhằm đảm bảo việc an cư tại nơi “chôn nhau, cắt rốn”.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao đổi, động viên người dân thôn 3, xã Trà Vinh  về quan điểm của tỉnh và các phương án giải quyết vụ việc. Ảnh: NGƯỚC - LỆ
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao đổi, động viên người dân thôn 3, xã Trà Vinh về quan điểm của tỉnh và các phương án giải quyết vụ việc. Ảnh: NGƯỚC - LỆ

Chính quyền huyện Nam Trà My cho biết, nguồn cơn câu chuyện xuất phát từ bản đồ địa giới hành chính 364 (theo Chỉ thị 364, ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ) được vẽ không trùng khớp với đường địa giới truyền thống mà người dân 2 xã Trà Vinh và Đắk Nên (Kon Plông, Kon Tum) đã sinh sống, quản lý và canh tác sản xuất từ lâu đời.

Vì thế, sau khi bản đồ xác lập đã vô tình “đẩy” hơn 6.500ha đất, cùng hàng nghìn người dân thôn 3 sang đất Kon Tum. Trong khi đó, người dân trưng cơ sở gốc gác xa xưa của họ thuộc về Quảng Nam, như bây giờ.

Người dân không muốn đi

Hơn 60 năm sinh sống ở làng, ông Nguyễn Xuân Bốn và hàng nghìn đồng bào Ca Dong tại thôn 3 (xã Trà Vinh) không muốn rời bỏ vùng đất gắn liền với cuộc sống cộng đồng.

Bởi không chỉ có đất sản xuất và các nóc nhà truyền thống, nơi này còn là một phần ký ức không thể quên trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhiều thế hệ người dân địa phương đã được Đảng, Nhà nước ghi công. Và hơn cả, đây là lãnh địa nơi cộng đồng Ca Dong chôn cất mồ mả ông bà, thờ cúng các thần sông, thần suối… trong đời sống tâm linh.

Ông Bốn nói, những điều đó là minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của người dân địa phương ở vùng đất. Vì thế, người dân không muốn đi khỏi nơi mà họ đã lâu đời gắn bó, bảo vệ.

“Ông bà chúng tôi từ xa xưa đã ở đây, sổ hộ khẩu và nhiều giấy tờ quan trọng, các huân - huy chương và bằng Tổ quốc ghi công trong kháng chiến cũng ghi rõ theo địa chỉ thường trú là ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũ.

Vì vậy, người dân chúng tôi tha thiết đề nghị Trung ương, tỉnh và các ngành liên quan cần giải quyết dứt điểm việc chồng lấn địa giới hành chính này để bà con được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sớm ổn định cuộc sống. Tất cả người dân ở thôn 3 chúng tôi đều mong ở lại làng, không muốn đi đâu nữa” - ông Bốn chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh - Nguyễn Công Tạ cho hay, liên quan đến việc chồng lấn địa giới hành chính này, từ năm 2008 đến nay, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra mốc giới, địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh và Đắk Nên để có cơ sở giải quyết dứt điểm vụ việc.

Qua các cuộc trưng cầu ý kiến về các phương án giải quyết, kết quả cho thấy người dân có nguyện vọng ở lại và không muốn đi; thống nhất đề nghị Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh đường địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 trùng khớp với đường địa giới truyền thống mà người dân 2 xã Trà Vinh và Đắk Nên đã sinh sống, quản lý và canh tác sản xuất từ lâu đời.

Một góc khu dân cư thôn 3 (xã Trà Vinh). Ảnh: NGƯỚC - LỆ
Một góc khu dân cư thôn 3 (xã Trà Vinh). Ảnh: NGƯỚC - LỆ

Ông Tạ cho biết, thôn 3 hiện có 232 hộ với 1.047 nhân khẩu đều là đồng bào Ca Dong. Trước năm 1991 (lúc Chỉ thị 364 chưa ban hành), đường địa giới truyền thống đã được hình thành trên cơ sở thống nhất giữa nhân dân 2 xã, đảm bảo không xảy ra tranh chấp.

“Chính quyền 2 xã Trà Vinh và Đăk Nên cũng căn cứ vào đường địa giới truyền thống đó để quản lý địa bàn, khu dân cư, đất đai và tài nguyên khoáng sản. Nhiều diện tích đất được trồng cây lâu năm, chủ yếu là quế Trà My với gốc to đến vài người ôm, chứng tỏ người dân thôn 3 đã sống từ rất lâu đời. Ngoài ra, khoảng cách từ thôn 3 về Đắk Nên xa gấp 2 lần so với Trà Vinh, vì thế người dân không muốn chuyển hộ khẩu về bên đó sinh sống” - ông Tạ nói.

Tìm tiếng nói chung

Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, khi sự việc chồng lấn xảy ra, liên tục trong nhiều năm, chính quyền địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Kon Plông tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tiếng nói chung, bởi quan điểm giữa hai địa phương chưa thống nhất.

Ông Hưng nói, năm 2008, được sự cho phép của Sở Nội vụ, chính quyền Nam Trà My và Kon Plông đã có cuộc khảo sát, trưng cầu ý nguyện người dân về việc chọn nơi “để trở về” một cách công khai, minh bạch. Bởi quan điểm chung là ở đâu cũng được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ như nhau.

Kết quả cuộc khảo sát, người dân thôn 3 mong muốn được ở lại Quảng Nam như lâu nay và không đi đâu nữa. “Không chỉ xa về địa giới hành chính, giữa người dân thôn 3, xã Trà Vinh với người dân ở xã Đắk Nên đều có sự khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống, canh tác, sản xuất. Điều quan trọng nhất lúc này chính là sự quan tâm đến cuộc sống của người dân được ổn định và phát triển” - ông Hưng nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Thị Kim Hoa cho hay, để giải quyết dứt điểm việc chồng lấn địa giới hành chính này, ngoài tổ chức các đoàn khảo sát, trưng cầu ý nguyện của người dân, hai địa phương nhiều lần “ngồi lại” tìm phương án chung nhất, thậm chí phía Quảng Nam cũng đã tính toán đến việc xây dựng khu tái định cư để bố trí người dân thôn 3 về ở tập trung.

Tuy nhiên, quan điểm người dân đều mong muốn được sinh sống tại vùng đất cũ, nơi họ đã gắn bó từ nhiều đời. Quảng Nam cũng đã có nhiều văn bản báo cáo và kiến nghị các nội dung liên quan lên Bộ Nội vụ, đề xuất Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ tổ chức chủ trì cuộc làm việc chung để nghe ý kiến của người dân và các địa phương nhằm tìm hướng giải quyết phù hợp, dứt điểm. Những kiến nghị của Quảng Nam nhằm đi đến sự đồng thuận, nhất quán trên cơ sở tôn trọng ý nguyện của người dân về nơi ở, đất sinh sống đúng theo thực tế lịch sử lâu nay.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Đưa ra nhiều phương án giải quyết thấu tình, đạt lý

“Tại các đợt tiếp xúc cử tri ở huyện Nam Trà My, nhiều cử tri kiến nghị Trung ương sớm giải quyết vụ việc chồng lấn địa giới hành chính giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Nguyện vọng của người dân tại khu vực chồng lấn là không chuyển hộ khẩu về phía tỉnh Kon Tum, không di dời nơi ở.

Những năm qua, Quảng Nam và Kon Tum đã xây dựng các phương án giải quyết vướng mắc về địa giới hành chính để tiếp tục trao đổi, tìm tiếng nói chung. Tuy nhiên, việc giải quyết địa giới hành chính hết sức phức tạp, liên quan đến lịch sử, truyền thống, văn hóa và con người miền núi.

Vì thế, chúng tôi sẽ nghiên cứu từ thực tiễn bản đồ, địa giới hành chính và đưa ra nhiều phương án để giải quyết cho thấu tình đạt lý. Mấu chốt nhất là phải lấy ý kiến người dân để làm sao cho cả hai bên đều yên ổn, không để xảy ra vấn đề phức tạp”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca: Nguyện vọng người dân là yếu tố quyết định

“Quan điểm lãnh đạo của Đảng là lấy dân làm gốc, vì thế, việc giải quyết cũng cần phải dựa theo ý kiến từ phía người dân, đó là yếu tố quyết định. Bởi suy cho cùng, ranh giới được đặt ra là để làm công tác quản lý nhà nước, người dân sinh sống ở đâu là do có truyền thống lâu đời gắn bó.

Riêng bản đồ 364, theo tôi cũng có thể sai sót, nhưng không vì điều đó mà để người dân thiệt thòi, mất quyền lợi thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Do vậy, việc giải quyết cho dù bằng phương án nào cũng đều hướng đến sự ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thông qua các mô hình sinh kế từ rừng. Việc giải quyết phải căn cứ theo nguyện vọng người dân trên cơ sở phối hợp giữa hai tỉnh để trưng cầu dân ý và có thể kiến nghị Bộ Nội vụ xem đây là cách làm điểm để giải quyết các vấn đề khác tại nhiều địa phương trên cả nước”.

Ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh: Nên tôn trọng ý kiến người dân“

Liên quan đến vấn đề này, theo tôi nên tôn trọng ý kiến của người dân. Phải dựa vào nguyện vọng của người dân để giải quyết dứt điểm theo hướng giữ nguyên hiện trạng ranh giới truyền thống trước đây.

Bởi với người dân miền núi, đất ở gắn liền với lịch sử sinh tồn, nuôi dưỡng cộng đồng qua nhiều thế hệ; ranh giới được đánh dấu, phân định bằng con sông, quả núi, cánh rừng, vì thế không dễ dàng bỏ đi.

Hơn nữa, ở vùng đất Trà My, mối quan hệ họ hàng của người dân được thiết lập từ lâu đời với nhiều tộc họ gắn bó bền chặt; mồ mả ông bà, tổ tiên nằm lại cũng ở vùng đất này; giấy tờ tùy thân, hồ sơ kháng chiến đều ghi rõ nơi ở tại Quảng Nam… Do vậy, để tạo niềm tin cho người dân, tôi đề nghị cần điều chỉnh bản đồ 364 phù hợp theo ranh giới truyền thống trước đây”.

ALĂNG NGƯỚC - DIỄM LỆ