Sản phẩm thật trên không gian ảo

VĨNH LỘC 22/06/2022 07:02

Dựa trên những tiện ích về hạ tầng internet và các ứng dụng công nghệ số, những năm gần đây thương mại điện tử đang dần chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhiều cơ sở, doanh nghiệp Quảng Nam, nhất là với các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…

Ngày 20.1.2022, Quảng Nam khai trương trang thông tin sản phẩm tại địa chỉ tại địa chỉ “sanpham.quangnam.gov.vn”. Ảnh: V.S - L.V
Ngày 20.1.2022, Quảng Nam khai trương trang thông tin sản phẩm tại địa chỉ tại địa chỉ “sanpham.quangnam.gov.vn”. Ảnh: V.S - L.V

Xu hướng chủ đạo

Sự kiện kênh youtube giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (sản phẩm OCOP 4 sao) đạt nút vàng khi chạm mốc 1 triệu lượt người đăng ký theo dõi mới đây đã trở thành thời khắc đáng nhớ không chỉ của Âu Lạc mà còn khẳng định tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam.

Thông qua những clip ngắn quay lại quá trình chế tác và hoàn thiện sản phẩm, các nghệ nhân Âu Lạc đã mang đến người xem cảm giác thích thú khi trực tiếp chứng kiến sự ra đời của một sản phẩm gỗ mỹ nghệ từ thô sơ đến tinh xảo, giúp yên tâm mua hàng.

Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, Khóa XXII về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Đến năm 2030 phấn đấu 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến;thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%.

Ông Trần Thu - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Điện Phong, Điện Bàn) cho biết, đạt được kết quả trên là quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, bởi bên cạnh tay nghề giỏi (để trình diễn) thì tiếng Anh cũng rất quan trọng vì 90% người theo dõi, bình luận trên kênh YouTube của Âu Lạc là người nước ngoài.

Tuy vậy, mẫu mã sản phẩm mới được xem là yếu tố then chốt giúp thu hút lượng lớn người theo dõi và đặt mua hàng, nhất là khách hàng trẻ tuổi.

Với sự giúp sức của con trai (từng học đại học mỹ thuật) ông Thu đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm được chế tác theo hình mẫu các nhân vật hoạt hình mà giới trẻ toàn cầu đang yêu thích.

Đến nay, thị trường sản phẩm Âu Lạc đã mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc, Đài Loan… đối tượng khách hàng chủ yếu là giới trẻ.

Những năm gần đây, sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia dựa trên những hỗ trợ của hạ tầng internet và các ứng dụng công nghệ đã đưa thương mại điện tử thành phương thức kinh doanh không thể thiếu trong phát triển kinh tế số.

Thói quen của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang hình thức online. Dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động thương mại điện tử càng được đẩy mạnh.

Thông qua các hình thức bán hàng trực tuyến và giao dịch trên sàn thương mại điện tử, một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề không chỉ sống được, thậm chí còn tăng trưởng tốt.

Tại Công ty TNHH Lụa Mã Châu (Nam Phước, Duy Xuyên), doanh thu từ thương mại điện tử chiếm hơn 55% tổng doanh thu của đơn vị. Ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu cho biết, trước đây sản phẩm Mã Châu chủ yếu bán sỉ và trực tiếp cho khách du lịch nhưng từ khi mở thêm hoạt động thương mại điện tử thị trường và khách hàng tiêu dùng đa dạng hơn khá nhiều. Lụa Mã Châu vừa là sản phẩm OCOP 4 sao vừa là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia nên sức tiêu thụ càng mạnh.

Đột phá từ sàn thương mại điện tử

Ngày 20.7.2021, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành khi Nghị quyết 13 về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Đây là định hướng quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử Quảng Nam những năm tới.

Trang thông tin sản phẩm tại địa chỉ tại địa chỉ “sanpham.quangnam.gov.vn”.
Trang thông tin sản phẩm tại địa chỉ tại địa chỉ “sanpham.quangnam.gov.vn”.

Trên cơ sở những văn bản của tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin sản phẩm hoạt động tại tên miền “http://sanpham.quangnam.gov.vn” và được tích hợp trên ứng dụng di động Smart Quang Nam, trở thành trang thông tin chính thức về các sản phẩm của tỉnh.

Trước đó, Bưu điện Quảng Nam cũng đã đưa gần 120 nhà cung cấp sản phẩm OCOP sản phẩm vùng miền với khoảng 245 sản phẩm, cập nhật thông tin của gần 50 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử “Postmart.vn” và hệ thống điểm bán hàng của bưu điện.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nói, sàn thương mại điện tử “sanpham.quangnam.gov.vn” ra đời nhằm hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp và người tiêu dùng thuận lợi trong công tác tìm kiếm, kết nối mua bán sản phẩm, hàng hóa online.

Vì vậy, mọi người dân, doanh nghiệp đều có thể đưa sản phẩm lên giới thiệu, giao dịch mà không phải đóng phí. Đặc biệt, do được tích hợp nhiều tính năng liên kết trực tiếp đến đơn vị cung ứng cũng như tích hợp chỉ dẫn địa lý trên hệ thống bản đồ GIS nên rất thuận lợi cho việc tìm kiếm, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Hiện tại, khoảng 500 sản phẩm đã được kết nối vào trang sản phẩm Quảng Nam theo nhiều nhóm ngành hàng khác nhau như sản phẩm OCOP, nông sản, thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng, thảo dược làm đẹp, sức khỏe…, qua đó không chỉ đưa những sản phẩm chủ lực của tỉnh lên sàn mà còn giúp giới thiệu đến các sàn thương mại khác như Postmart, Sendo… thông qua chức năng liên kết.

“Phát triển thương mại hiện đại, thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ Sở Công Thương quyết tâm làm trong thời gian đến vì nó là xu thế tất yếu” - ông Dự cho hay.

Mặc dù quản lý thương mại vẫn còn những vấn đề cần hoàn thiện nhưng không phủ nhận, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử  đang và sẽ là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp. Qua đó, giúp thay đổi cách thức tiếp cận đối tác, mở rộng hoạt động thương mại, tiết kiệm chi phí mặt bằng, nhân viên nhất là được hưởng chính sách phi thuế suất...

VĨNH LỘC