Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng: Dấu ấn báo chí Quảng Nam đương đại
Lần đầu tiên Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức là vào mùa giải năm 2006 - 2007. Suốt hành trình hơn 15 năm ấy, giải được duy trì liên tục và uy tín ngày càng tăng, không chỉ tôn vinh các tác giả có tác phẩm đoạt giải mà còn lưu giữ câu chuyện kể về những bước phát triển của tỉnh và góp thêm tư liệu cho những ai muốn nghiên cứu báo chí Quảng Nam đương đại.
“SÂN CHƠI” NGÀY CÀNG MỞ RỘNG
Bắt đầu từ năm 2006, Hội Nhà báo Quảng Nam (những người có công đầu khởi xướng là các nhà báo Lê Hoàng Linh, Đinh Văn Mãnh) đã làm hồ sơ đề xuất và được UBND tỉnh chuẩn y cho việc ra đời Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Tiêu chí về đề tài tác phẩm dự giải tất nhiên là ưu tiên viết về đất và người Quảng Nam, tuy nhiên không khu biệt tác giả ở địa phương nào, đăng trên tờ báo nào trong nước.
Sức hút với nhà báo
Chính vì “sân chơi” không cục bộ vậy nên ngay từ mùa đầu, xét chọn các tác phẩm đăng tải trong 2 năm 2006 - 2007, đã có nhiều tác phẩm và tác giả dự giải.
Nhân lên niềm vui của giải là sự lan tỏa ngày càng rộng rãi, với sự góp mặt đông đảo nhà báo chuyên và không chuyên, với các tác phẩm đăng tải trên các tờ báo có phạm vi phát hành trong cả nước, như Báo Tiền phong, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, Thanh niên...
Suốt hành trình của giải, cơ quan chủ lực về báo in của tỉnh là Báo Quảng Nam luôn có tác phẩm tham gia và nhiều lần đoạt giải cao. Trong đó, ở mùa giải thứ 3 (2008 - 2009) có loạt bài “Quảng Nam - Đêm trước khoán 10” (Nguyễn Hữu Đổng - Phan Văn Phờ - Nguyễn Tam Mỹ - Huỳnh Phước Lê) đoạt giải Đặc biệt, sau đó tiếp tục đoạt Giải C, Giải báo chí quốc gia, là giải cao nhất của Báo Quảng Nam có được kể từ khi tái lập tỉnh đến thời điểm đó.
Hành trình 16 năm của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng có thể phân chia nhiều giai đoạn với các bước ngoặt tăng cấp về quy mô, số lượng, chất lượng và giá trị giải thưởng.
Từ những mùa giải đầu tiên với chưa đầy 100 tác phẩm tham dự qua mỗi lần tổ chức; số lượng tác phẩm, tác giả và cơ quan báo chí hưởng ứng Giải thưởng hằng năm liên tục tăng.
Nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, nhiều năm tham gia Ban tổ chức và Ban giám khảo cho biết: “Những năm gần đây, mỗi mùa giải có hơn 200 tác phẩm và hơn 30 cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh góp mặt; riêng mùa giải lần thứ 16 (2021 - 2022), có 224 tác phẩm của 157 tác giả, từ gần 40 cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh gửi tham dự ở cả 5 loại hình: báo in, báo hình, báo nói, báo ảnh và báo điện tử”.
Năm 2015 được xem là bản lề ghi dấu chuyển động lớn của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Bởi ở 9 mùa trước đó, mỗi kỳ chỉ có 21 - 27 tác phẩm được trao giải. Từ lần thứ 10 (2015 - 2016) trở về sau, mỗi mùa có 41 - 44 tác phẩm được trao thưởng.
Không chỉ số lượng trao thưởng tăng lên nhiều mà “giá trị hiện kim” kèm theo ở mùa giải thứ 10 cũng khá hơn, với mỗi giải Nhất tăng từ 4 triệu đồng lên 10 triệu đồng. Quan trọng là thay đổi cơ cấu giải với sự mở rộng, có thêm báo điện tử và chuyên biệt hóa các thể loại báo chí.
Chẳng hạn, loại hình báo viết/báo in được tách bạch chuyên sâu thể loại với giải ký báo chí khác với giải bài phản ánh, tường thuật, bình luận, chuyên luận; còn báo hình có giải phim tài liệu, phóng sự truyền hình khác với giải dành cho thể loại tin, phóng sự ngắn, tọa đàm trực tuyến.
Chính nhờ tách bạch chuyên biệt thể loại mà việc đánh giá chất lượng tác phẩm sát thực hơn về mức độ đầu tư công phu của tác giả, cũng như xem xét sự lan tỏa khác nhau.
Ngày càng mở rộng
Từ lần thứ 16 (2020 - 2021), giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng có bước “nhảy vọt” đáng kể về cơ cấu giải thưởng, với tổng cộng 60 tác phẩm được trao thưởng, “giá trị hiện kim” cũng tăng lên (Nhất - 15 triệu đồng, Nhì - 10 triệu đồng, Ba - 8 triệu đồng). Báo in/báo viết luôn chiếm số lượng áp đảo mỗi mùa giải, có năm hơn một nửa tổng số tác phẩm tham gia.
Bên cạnh Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng, qua các năm còn có các giải chuyên đề được trao cho các tác phẩm viết về Bảo hiểm xã hội, Tam nông, Khởi nghiệp sáng tạo, Sâm Ngọc Linh và dược liệu, Chuyển đổi số và cải cách hành chính, Bảo vệ rừng và thích ứng biến đổi khí hậu…
Để khách quan trong đánh giá về tầm vóc Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng, xin được dẫn ý kiến của nhà báo Hồ Tấn Vũ (Báo Tuổi Trẻ) - người nhiều năm tham gia “sân chơi” này: “Một giải thưởng báo chí cấp tỉnh mà thu hút số lượng các báo ở khu vực, thậm chí là báo chí cả nước có đại diện ở miền Trung tham dự, với số lượng lớn, đủ thấy quy mô của giải.
Một giải thưởng mà các nhà báo đều háo hức tham dự và vinh dự khi đứng lên nhận giải thưởng, cũng đủ cảm nhận được tầm vóc của giải. Phải nói rằng ít giải báo chí nào trong khu vực, thậm chí giải thưởng của các ngành, đơn vị... thu hút đông đảo các nhà báo tham gia như vậy.
Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng là sân chơi để các nhà báo thể hiện sự dấn thân, yêu nghề, công tác nghiệp vụ thể hiện qua từng tác phẩm, từng bài viết được Ban tổ chức, Ban giám khảo đánh giá một cách minh bạch, công bằng.
Điều ấn tượng và thu hút đông đảo phóng viên tham gia nữa là sân chơi này không phân biệt giữa các báo. Không có sự ưu ái giữa “báo nhà” và “báo bạn”, báo trong tỉnh và báo ở các địa phương khác tham gia, yếu tố này tạo sự cạnh tranh khốc liệt và vì vậy chất lượng của giải sẽ rất cao”.
Nhà báo Lê Hoàng Linh, nguyên Chủ tịch hội Nhà báo Quảng Nam:
Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng ra đời năm 2007, có nội dung trải rộng trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội Quảng Nam...
Nếu trước đây chỉ các phóng viên trong tỉnh thì những năm sau này đã xuất hiện các nhà báo ở ngoài tỉnh tham gia; thể loại tác phẩm không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực báo viết mà đã mở rộng ra báo nói, báo hình, báo ảnh, báo chí đa phương tiện.
Ngoài hình thức phong phú, các bài báo được chọn trao giải cũng có chất lượng cao hơn, đó là điều rất đáng mừng để cho Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng ngày càng phát triển.
Nhà báo Lê Văn Nhi, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh:
Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng qua nhiều năm tập hợp khá nhiều gương mặt báo chí chuyên và không chuyên, quy tụ những tác phẩm chất lượng nhất, vẽ nên sự phong phú, đa dạng trong hoạt động nghề nghiệp; thể hiện rõ nét tâm huyết, năng lực, ý thức nghề nghiệp, tâm tư tình cảm và kết quả lao động của đội ngũ nhà báo trong và ngoài tỉnh.
Số lượng tác phẩm không ngừng tăng và chất lượng tác phẩm cũng được nâng cao, đáp ứng sự chuyển động phong phú của các loại hình báo chí, dần dần tiến tới chuyên nghiệp và hiện đại.
Nhà báo Trương Công Định - nguyên Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng:
Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng được phóng viên nhiều cơ quan báo chí tham gia, cho thấy sức hút rất lớn của giải đối với các nhà báo...
Sự phong phú về thể loại, đề tài và chất lượng sản phẩm dự thi đã phản ánh nhiều mặt sống động về đời sống xã hội, khắc họa một bức tranh đa màu sắc của vùng đất Quảng Nam.
SỰ KHẲNG ĐỊNH CỦA BÁO NÓI VÀ BÁO HÌNH
Những tác phẩm báo hình và báo nói đoạt giải trong 16 năm qua, một mặt cho thấy sự phát triển của ngành phát thanh và truyền hình Quảng Nam trong thời gian qua, mặt khác cũng khẳng định giá trị và sức hấp dẫn, tính lan tỏa và uy tín ngày càng tăng của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng.
Nâng chất lượng qua từng mùa giải
Năm đầu tiên tổ chức (2006 - 2007), báo hình không có giải Nhất, báo nói không có giải Nhất và giải Nhì. Ngoài Đài PT-TH Quảng Nam (QRT) là đơn vị tham gia nhiều tác phẩm, thì chỉ có vài ba tác phẩm tham gia của các đài cấp huyện trong tỉnh.
Số lượng cơ quan báo chí và người làm báo gửi tác phẩm dự giải thưởng tập trung ở địa bàn Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Tại Quảng Nam, cũng chủ yếu tập trung ở QRT và một số ít đài huyện, còn lại hầu như không tham gia.
Sang năm thứ 2 của giải, báo hình đã có giải Nhất. Đáng chú ý là tác phẩm báo nói “Thủy chung nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam” (tác phẩm thuộc thể loại cầu phát thanh trực tiếp của nhóm tác giả Hồ Trọng - Thanh Phương - QRT) đoạt giải đặc biệt; tác phẩm “Vùng nguyên liệu tập trung ở Quảng Nam - Khi quan hệ nhà máy - nông dân bị phá vỡ (Thanh Hằng - VOV) đoạt giải Nhất.
Điều đó phần nào cho thấy giải đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm của các cơ quan báo chí ngoài tỉnh. Chất lượng các tác phẩm báo hình và báo nói gửi tham dự giải được chú ý hơn.
Liên tiếp các lần tổ chức giải vào những năm sau lần lượt xuất hiện những tác phẩm báo hình, báo nói với chất lượng cao. Trong đó, phải kể đến những tác phẩm như “Người giữ thành Hà Nội” (tác giả Huỳnh Hùng, Đài PT-TH Đà Nẵng) với giải Đặc biệt, tác phẩm “Như có Bác giữa núi rừng Trà My” (tác giả Quang Nguyễn - Đình Phương) đoạt giải Nhất mảng báo hình trong năm 2009 - 2010.
Cũng trong lần này, tác phẩm “Văn hóa Cơ Tu thời hội nhập” (Thanh Hằng, VOV tại Đà Nẵng) đoạt giải Nhất ở loại hình báo nói. Ở mùa giải 2010 - 2011, tác phẩm phim tài liệu “Một đời đạo pháp và dân tộc” (Nguyễn Khắc Phục, Vinh Quang, Đặng Văn Năm, Đình Phương, Ngô Hòa, Quang Phi, Duy Hiển - QRT) đoạt giải Đặc biệt với báo hình.
Giải 2011 - 2012, phim tài liệu “Phan Thanh - nhà trí thức cách mạng” (Vinh Quang, Khắc Phục - QRT) đoạt giải Nhất báo hình… Điểm lại một số tác phẩm báo hình và báo nói đoạt giải cao để thấy một điều rằng, đã có nhiều tác giả tâm huyết tham dự giải liên tục nhiều năm liền và tác phẩm nào cũng có sự đầu tư công sức của những người cầm máy, cầm bút.
Đổi mới và sáng tạo
Cũng qua mỗi mùa giải, đều xuất hiện những tác phẩm trội hơn năm trước, cả về hình thức, cách thể hiện vấn đề và nội dung chủ đề. Nhiều tác giả tùy theo từng loại hình báo chí đã có những sáng tạo trong hình thức thể hiện, phản ánh sinh động các mặt của đời sống xã hội, góp phần điểm tô thêm về mảnh đất, con người và quê hương xứ Quảng, đúng như yêu cầu đặt ra của đề án tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng.
Nhiều anh chị em làm truyền hình thể hiện tay nghề ngày càng vững vàng. Chất lượng các tác phẩm ở các thể loại báo hình phần lớn đều tốt, thể hiện sinh động các mặt của đời sống xã hội.
Các tác phẩm ở thể loại phim tài liệu, phim phóng sự dài truyền hình đoạt giải đều là những tác phẩm có sự đầu tư công phu; nội dung và hình thức thể hiện đạt đến tính chuyên nghiệp rất cao trong chuyển tải thông điệp của cuộc sống đến với người xem truyền hình.
Đó luôn là những tác phẩm có sự trau chuốt, cần mẫn trong bố cục khuôn hình, hình ảnh, cách giải quyết nội dung tư tưởng, chủ đề phim khéo léo, khâu xử lý hậu kỳ tỉ mỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm với tác phẩm, với công chúng của người làm truyền hình.
Đáng mừng là vài năm trở lại đây, phát thanh bước đầu đã được các đơn vị như QRT và một số đài huyện quan tâm hơn. Nhiều tác phẩm được dàn dựng công phu, phần âm thanh, tiếng động được đầu tư đúng mức. Phần lớn các tác phẩm tham dự giải đều sử dụng tiếng động - một thế mạnh của phát thanh.
Một số tác phẩm đã bám sát được hiện thực cuộc sống, các nhân tố điển hình. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện cao, giữ được tính chân thực của sự kiện và được xử lý thông tin khá chặt chẽ, sắc sảo, không chỉ nêu lên thực trạng tình hình mà còn góp phần làm sáng tỏ về các giải pháp.
Bỏ qua những hạn chế, thiếu sót, có thể thấy, trên lĩnh vực báo hình, báo nói, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng đã thu hút ngày càng nhiều các cơ quan báo chí tại Quảng Nam và cơ quan báo chí của Trung ương, các địa phương bạn tham dự và đoạt giải thứ hạng cao, chứng tỏ sức lan tỏa của giải.
Với sự lan tỏa và chất lượng của giải thưởng ngày càng được nâng cao, chúng ta có thể khẳng định được vai trò, vị thế của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng là giải thưởng có uy tín và trở thành một sự kiện báo chí quan trọng của tỉnh, thu hút nhiều nhà báo, nhiều địa phương tham gia.
Đây thực sự là sân chơi trí tuệ, bổ ích cho các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp thi đua lao động sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của người làm báo trong và ngoài tỉnh, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
QUA GẠN LỌC THỜI GIAN...
Thông qua phản ánh của các tác phẩm dự Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng có thể nhận diện gương mặt cuộc sống vùng đất, con người Quảng Nam trong suốt dặm dài tái lập tỉnh đến nay. Như phù sa lắng lại, qua các tác phẩm được vinh danh tại giải báo chí này cũng góp nguồn tư liệu để nhìn nhận diện mạo đời sống Quảng Nam, cả những câu chuyện quá khứ còn có ích cho hôm nay và mai sau.
Từ lát cắt của mỗi tác phẩm, nếu đặt bên nhau thành tổng thể sẽ thấy hiện rõ bức tranh về đất và người Quảng Nam. Và một cách bao quát, báo chí đã trải rộng cái nhìn hầu khắp các lĩnh vực đời sống, khắp vùng miền, phản ánh những giá trị, nét đẹp của con người, sự đổi thay tích cực của cuộc sống và cũng không hề né tránh những vấn đề gai góc, vướng mắc trên hành trình phát triển Quảng Nam.
Diện mạo vùng đất, con người Quảng Nam qua báo chí được điểm xuyết khái lược những nét nổi bật qua sự kiện, ảnh hưởng của các quyết sách chính trị, đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội. Theo đó, chúng ta có thể nhận diện hơi thở cuộc sống vùng đất này qua những thăng trầm thời gian.
Dù diện mạo báo chí nói chung được làm nên từ tất cả tác phẩm nhưng dấu ấn sẽ là điều khó quên với chặng đường 16 năm báo chí Quảng Nam khi nhắc lại các tác phẩm được vinh danh. Hội nhà báo tỉnh cũng đã tập hợp xuất bản 2 tổng tập về các tác phẩm báo viết/báo in đoạt giải cao, để tạo điều kiện thuận lợi cho những ai muốn nghiên cứu về báo chí đất Quảng có thể tiếp cận nguồn tư liệu dồi dào.
Để đánh giá chiều sâu của sự phát triển báo chí phải nhìn vào hệ thống tác phẩm có đầu tư công phu cả hình thức và nội dung, được thể hiện bởi những cây bút sắc sảo, có phong cách, giọng điệu độc đáo. Thông thường, điều đó biểu hiện nhiều ở các loạt bài dài kỳ, là tác phẩm thuộc thể ký báo chí như điều tra, phóng sự, ghi chép…; cũng có khi là sự pha trộn của “nhiều thể loại trong một”, “nhiều loại hình báo chí trong một” theo xu thế dần dần hiện đại hóa.
Ở góc nhìn về tác giả gắn bó với Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng, thấy rõ nhiều gương mặt tài năng tâm huyết từ phát hiện đến xử lý đề tài của những “cây bút có thẩm quyền” đã rung động với hơi thở đời sống, với bao sắc màu văn hóa của vùng đất - con người xứ Quảng. Đáng mừng là có một lớp nhà báo đã dần định danh “thương hiệu” trong vòng 25 năm qua, ở nhiều thể tài, thể loại báo chí.
Và để ghi nhận những đóng góp của báo chí, vào dịp 21.6 hàng năm, tỉnh đều tổ chức trao Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng (chỉ có vài lần trao thưởng không đúng dịp này bởi lý do khách quan, như đợt ảnh hưởng dịch Covid những năm gần đây).
Mười sáu năm, hành trình phát triển báo chí Quảng Nam ghi danh sự tôn vinh các tác giả, tác phẩm dự Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng.
Giải thưởng báo chí này ngoài ý nghĩa hoạt động nghề nghiệp còn mang theo sứ mệnh ghi dấu một chặng đường của đất và người xứ Quảng, với điệu hồn xứ sở đa dạng những sắc màu.
Như phù sa lắng lại trên mảnh đất “chưa mưa đà thấm”!