Quảng Nam - Đà Nẵng: Sự gắn kết máu thịt
Liên kết Quảng Nam và Đà Nẵng gắn chặt trong miền duyên hải, gọn lại là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hình tượng liên kết, gắn bó không chỉ là như môi với răng, hơn thế là anh em một nhà, hơn cả là máu với thịt…
Những mối liên kết vùng trong văn hóa, kinh tế và xã hội, dường như là yêu cầu bất khả kháng để tồn sinh. Trong hàng nghìn năm lịch sử dân tộc Việt Nam, từ điều kiện tự nhiên và xã hội đã hình thành liên kết chặt chẽ có bản sắc đặc thù như các xứ - xứ Đoài, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng; hay tiến về phương Nam là xứ Đồng Nai...
Định danh “xứ” thường chỉ một khu vực địa lý có chung đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội và cả văn hóa nữa. Quy mô xứ từ vài ba địa phương, hoặc có thể rộng ra một quốc gia (là xứ sở như xứ Việt, xứ Hàn) hay cả vùng lục địa (xứ Đông Dương)…
Theo bước chân mở cõi của cha ông, nếu tính từ danh xưng Quảng Nam dưới triều vua Lê Thánh Tông (sau 1471), xứ Quảng rất rộng, gồm cả vùng từ nam Hải Vân đến bắc Cù Mông. Nhưng theo đà ranh giới dần khu biệt, Đà Nẵng và Quảng Nam được coi là vùng lõi của xứ Quảng.
Riêng - chung vẫn một cội nguồn
Lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng đã từng có nhiều lần chia tách rồi hợp nhất tỉnh. Phía lực lượng kháng chiến đã có lúc phân vùng Quảng Đà và Quảng Nam. Đà Nẵng có lúc là đặc khu riêng biệt. Nhưng kháng chiến vẫn là một khối chiến trường chia lửa cho nhau.
Có những căn hầm Giáng La (Điện Tiến), Xóm Bùng (Điện Hòa), hay như tôi biết là vườn nhà mẹ Mễ (Điện Thắng)… chính là nơi các cơ quan chỉ huy từ các quận và TP. Đà Nẵng đứng chân.
Tuy nhiên sự kiện tách tỉnh năm 1997 là dấu mốc “ra riêng”, để lại những dấu ấn cho sự bứt phá của cả hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Sau 25 năm, cơ ngơi vốn liếng mỗi địa phương đều tăng trưởng, đều có nguồn thu ngân sách điều tiết về Trung ương, diện mạo khang trang hơn nhiều.
Nhớ lại cảm xúc hồi đầu chia tách tỉnh, từ vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh là ông Mai Thúc Lân đến mỗi cán bộ, người dân đều tâm niệm sự “ra riêng” chỉ có ý nghĩa hành chính, còn Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn chung một nguồn mạch, không thể rời nhau. Người đi Quảng Nam là về nhà, về quê mẹ, “về với Quảng Nam như không hề có cuộc chia ly”, như lời một bài hát.
Thực tế làm sao có thể chia được gia tài văn hóa xứ Quảng. Hiển hiện rõ nhất là tên mỗi con đường ở phố Đà Nẵng, Tam Kỳ đều mang danh vị của các bậc tiền nhân trên xứ đất; mỗi di tích lịch sử - văn hóa đều chưng cất giá trị truyền thống chung; giá trị phi vật thể như câu hò khoan vẫn đẫm đầy nhớ thương từ xứ Quảng, ôm cả Thu Bồn, Vu Gia, Hoài Phố ra cửa Hàn.
Rồi người ở phố mà gia tộc ở quê, vẫn đi về thường xuyên mỗi kỳ lễ chạp. Một không gian văn hóa chung mà khi định danh không cần gọi lên chữ Quảng cũng đủ nghĩa, như kêu tô mì vậy.
Không gian sinh tồn và sinh kế cũng không thể nào chia rẽ được. Địa lý tự nhiên đã mặc định mối liên kết, chẳng hạn nguồn nước là yếu tố sống còn. Và từ bao đời, người Quảng Nam vẫn tìm ra phố mưu sinh, từ chạy chợ, làm thợ, công nhân, công chức.
Ngược lại, phía Đà Nẵng cũng rất cần các vùng “ngoại ô” như Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên… cung ứng hàng hóa mỗi ngày, nhất là cá mắm, rau củ các loại, đồng thời tiêu thụ cho mình những sản phẩm công nghiệp.
Nói không ngoa rằng, không gian kinh tế ấy chỉ cần ngắt quãng là cả hai đều khó thở. Và cùng với dòng người và hàng hóa đi về, chu chuyển theo tuyến logistics tự nhiên hình thành theo các cấp độ từ sơ khai đến hiện đại qua hàng trăm năm.
Chỉ điểm xuyết vậy thôi, đủ để thấy Quảng Nam và Đà Nẵng là chung một miền đất mẹ. Có người ví quan hệ này là anh em một nhà. Nhưng cần nghĩ sâu xa hơn, bởi “anh em là ruột là rà/ anh em có cửa có nhà anh em” nên phải diễn đạt chính xác là sự gắn bó máu thịt, là nền tảng để tồn sinh cho nhau.
Sức bật nào cho một vùng động lực?
Nhu cầu liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng không chỉ đối với khu vực miền Trung mà của cả nước. Liên kết vùng để tập trung phát huy lợi thế so sánh của mỗi tỉnh và cùng hợp tác để phát triển các thế mạnh của vùng.
Vùng kinh tế trọng điểm Duyên hải Trung Bộ bước đầu đã hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với các cảng biển, sân bay quốc tế, đồng thời gắn với không gian du lịch, nhất là về biển.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội), cách đây hơn 10 năm giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã thống nhất 3 nội dung ưu tiên phối hợp và liên kết là: phát triển cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất; khai thác sân bay Đà Nẵng và phát triển sân bay Chu Lai; khai thông sông Cổ Cò và Trường Giang; phát triển du lịch kết nối Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn. Rõ ràng nội dung các mối liên kết đó chú trọng nhiều hơn về kinh tế, nhằm kết nối không gian kinh tế.
Dĩ nhiên kinh tế cần phải đi trước một bước để tạo động lực. Và thực tế, từng có các diễn đàn kinh tế được tổ chức để bàn các giải pháp liên kết phát triển vùng. Còn nhớ tại một Diễn đàn kinh tế miền Trung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (khi đó đang là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã đặt vấn đề để nghiên cứu chiến lược, rằng “vùng miền Trung phát triển theo hiện đại, không gian đô thị gắn với biển, khu Chu Lai là hạt nhân của vùng”.
Trong kết luận từ chuyến công tác vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho thấy có phần tiếp nối tầm nhìn đó khi chú trọng cho phép nghiên cứu các dự án động lực để kết nối vùng, từ trục dọc Đà Nẵng đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, và các trục ngang nối vùng đông Quảng Nam (hạt nhân là Chu Lai) lên Trường Sơn và các cửa khẩu quốc tế.
Thực thi hoạch định chiến lược liên kết vùng chỉ còn việc triển khai cụ thể, theo lộ trình thời gian. Nhưng như đã nói, với vùng lõi của xứ Quảng là Quảng Nam và Đà Nẵng, liên kết không chỉ là không gian kinh tế mà còn cần nhiều không gian khác.
Chẳng hạn như không gian đô thị (chuỗi ven biển, hay trước mắt là tam giác Đà Nẵng - Hội An - Điện Bàn); không gian dự trữ sinh quyển biển đảo (từ Sơn Trà đến Cù Lao Chàm); không gian sông nước gắn với du lịch cộng đồng; không gian giáo dục (làng đại học)…
Đặc biệt, chính vì đã có nguồn cội văn hóa chung nên không gian văn hóa là nền tảng. Đã, đang và sẽ luôn cần “lấy văn hóa làm động lực phát triển”, khi đó có những sự kiện cần chung tay tổ chức, nhất là các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa xứ Quảng.
Trong chiếc nôi văn hóa của đất mẹ xứ Quảng, anh em máu thịt đã cùng lớn lên.
Chiếc nôi ấy là chỗ dựa cho sự trưởng thành, phát triển bền vững.