Ống kính còn vương khói súng
Với phóng viên chiến trường, mỗi bức ảnh ghi lại thời khắc lịch sử như còn vương khói súng, vượt qua lằn ranh sống chết để cung cấp sự thật đến nhân dân...
Chạm vào một tấm ảnh đã loang lổ trắng đen, ông kể về bối cảnh và những tên người đã nằm lại nơi đất lành Khu 5. Hành trang ở mỗi chuyến đi, phóng viên ảnh chiến trường Xuân Quang luôn mang theo gia tài lớn nhất của mình - những bức ảnh về một thời hoa lửa!
1. Cái tên Xuân Quang, chẳng mấy ai còn lạ. Khi tôi chuyển bức ảnh ông đang say mê ghi lại những hình ảnh đồng đội mình mấy mươi năm gặp lại trên đất Khu 5 trong chuyến về nguồn của lớp văn nghệ sĩ kháng chiến mới đây, nhiều đồng nghiệp nhờ tôi gởi lời hỏi thăm.
Một phóng viên ảnh cứ ở mãi trong lòng bao thế hệ làm nghề. Không chỉ vì dấu ấn sâu đậm suốt hơn chục năm ông tham gia sống và chiến đấu trên mảnh đất Quảng Đà ác liệt, mà còn vì những chỉn chu trong từng bức ảnh sau này khi ông ở vai trò là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam.
Tột cùng khốc liệt, tột cùng bi tráng, nhà báo Xuân Quang nói, ông chưa từng nghĩ điều gì hơn ngoài việc những bức ảnh mình ghi lại là dành cho nhân dân.
Lớp nhà báo sau kính trọng Xuân Quang, không chỉ vì những cống hiến ở từng khung hình mà phải xông pha và quả cảm mới có được.
Họ truyền tai nhau về tinh thần nhiệt thành với công việc, về đức độ của một người đi trước luôn sẵn sàng chia sẻ những “ngón nghề” cho lớp người sau. Và vì những nghiêm cẩn lẫn khoa học trong quá trình lưu trữ tư liệu của người phóng viên ảnh chiến trường năm xưa.
Trong dòng hồi ức khi lần giở lại từng bức ảnh cũ, nhà báo Xuân Quang vẫn chưa thôi niềm xúc động. Ông mở lại bức ảnh về những người ở Bộ chỉ huy Quân khu ủy 5. Ở đó, trong bức ảnh đã nhuốm màu thời gian, đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Khu ủy cùng các sĩ quan Bộ Tham mưu theo sát chiến trường, chỉ huy các mũi tấn công vào Đà Nẵng...
Những hồi ức như vậy, cứ thi nhau chảy tràn, hấp háy trên đôi mắt đã trầm đục bởi thời gian và bởi cả những khốc liệt của quá khứ. Xuân Quang nói, trong chuyến về nguồn năm nay, ông đã gặp ít hơn những bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp của mình.
Khi tuổi đã ở vào hàng trên bảy mươi, những chuyến đi trở nên thưa thớt hơn. Và dù chỉ gặp nhau, trên những tấm ảnh đã hoen ố, chỉ đọc nhau qua những dòng hồi ký, nhưng họ vui, rất vui.
Năm mới hơn 15 tuổi, Phan Xuân Quang lần đầu tiên cầm súng tham gia chiến đấu. Nhưng cơ duyên đưa đẩy để ông trở thành một người cầm máy ảnh và có mặt trong rất nhiều trận đánh lớn của bộ đội Khu 5 lúc bấy giờ.
Như chính những dòng viết của một người từ Thông tấn xã Việt Nam, rằng khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào chiến trường miền Nam, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành một trong những chiến trường chống Mỹ ác liệt nhất.
Những tên đất, tên làng vùng chiến khu xưa như: Đồi tranh Dốc Nón, Nước Oa, cầu Chìm, làng Hồi, sông Trà Nô, cầu Bà Huỳnh, làng Ông Tía (Quảng Nam)... đã đi vào lịch sử.
Các trận đánh thắng lớn như: Hòn Chiêng, Cấm Dơi, Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức, Bồ Bồ, đặc biệt là chiến thắng Chu Lai, Núi Thành - trận đầu thắng Mỹ, đều được phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ đưa tin ảnh kịp thời chuyển về Tổng xã, cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước để thông báo cho nhân dân cả nước và thế giới rằng “Việt Nam dám đánh Mỹ và trận đầu đã thắng Mỹ”.
2. Đối mặt với cái chết, những trận càn, những cuộc bị địch bao vây hàng tuần lễ ở mặt trận Quảng Đà, hẳn lúc ấy, người thanh niên quê xứ Núi Thành này vẫn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thôi cuộc hành trình với đồng đội.
Những tấm ảnh chân dung mà nhà báo Xuân Quang còn giữ, đã phôi phai màu năm tháng. Trong những bức ảnh, có người đã vĩnh viễn nằm lại với xứ Quảng, có người đã đi đến chặng cuối cuộc đời, chỉ còn vài người tìm về thăm nhau…
Phóng viên chiến trường cũng là những người lính thực thụ, đối mặt với làn đạn để ghi lại khoảnh khắc đắt giá trong thời khắc lịch sử.
Như có lần phóng viên ảnh chiến trường Đặng Công Tính chia sẻ: “Có những lần tôi bị vùi lấp cùng với một vài người lính để rồi tự bới đất ngoi lên và nhìn thấy những người bị thương vong.
Tôi bàng hoàng trước hình ảnh thảm khốc: những xác chết đối phương nằm la liệt. Tôi đã định không chụp nhưng rồi tôi đã nhắm mắt chụp vì nghĩ rằng chiến tranh là như thế. Người phóng viên cần phải ghi lại sự thật dù không mong muốn điều đó xảy ra”.
Ở giây phút cận kề sự sống và cái chết, lựa chọn của họ là nhiệm vụ phải hoàn thành. Tột cùng khốc liệt, tột cùng bi tráng, nhà báo Xuân Quang nói, ông chưa từng nghĩ điều gì hơn ngoài việc những bức ảnh mình ghi lại là dành cho nhân dân.
Những người dân, những Bộ đội Cụ Hồ rạng ngời trong hầm công sự, ánh mắt lấp lánh trên chiếc xe tăng vừa qua hầm pháo kích... tất cả bây giờ đều là ký ức của nhân dân. Những khung hình sau ống kính còn vương khói súng, vẫn luôn dậy niềm xúc động với mỗi người may mắn được xem...