Những xu hướng báo chí hiện đại
Báo chí, truyền thông đang đứng trước thời điểm thay đổi chóng mặt của công nghệ. Công chúng giờ đây cũng khác, họ đòi hỏi tiếp cận thông tin trên nhiều nền tảng hơn. “Phải đến với công chúng bằng nhiều cách” là điều mà trước đây các cơ quan báo chí và nhà báo chưa từng nghĩ tới… Thực tế đó đã làm thay đổi cách thức làm báo. Trong vòng một thập kỷ qua đã có nhiều khái niệm báo chí mới và nền tảng mới ra đời.
Báo chí đa nền tảng: nơi nào có công chúng, ở đó có báo chí
Năm 2010, thuật ngữ đa nền tảng: Nơi nào có công chúng, ở đó có báo chí đa nền tảng (multi platform journalism) lần đầu tiên được nhắc đến trong một hội thảo báo chí quốc tế, và đây là thời điểm mang tính bước ngoặt của báo chí và truyền thông thế giới. Báo chí đa nền tảng lúc ấy được dự báo sẽ trở thành xu thế tất yếu trong tương lai. Và không lâu sau đó, dự báo này thành sự thật.
Điện thoại thông minh, mạng internet phủ toàn cầu, mỗi công dân đều có thể làm báo, thông tin lan tỏa cực kỳ nhanh chóng bởi các mạng xã hội… Các hãng tin lớn trên thế giới đã bổ sung vào kênh phát của mình không chỉ báo in, báo mạng thông thường mà phân phối thông tin lên các mạng xã hội như Facebook, Twitter… Các “ông lớn” mạng xã hội còn bắt tay với các hãng tin lớn để phân phối nội dung trên một nền tảng riêng do họ phát triển.
Những thể loại báo chí hình thành trong thời gian gần đây như gói tin tức, longform, siêu tác phẩm báo chí… với sự hỗ trợ của công nghệ đầy sức hấp dẫn và sáng tạo là những hình thức mới của báo mạng điện tử.
Báo chí đồ họa: “Vũ khí” lợi hại
Ở Việt Nam, từ năm 1975, báo chí đồ họa đã xuất hiện trên tờ Nhân dân, Quân đội Nhân dân… để minh họa các bài báo về giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước.
Báo chí hiện đại ngày nay tận dụng sức mạnh công nghệ để minh họa tin tức theo cách gần gũi, sinh động hơn. Đây là thể loại “báo chí thông minh”, có thể tương tác với bạn đọc, bên cạnh đồ họa bằng hình ảnh tĩnh thì có đồ họa động… nhất là trên báo mạng điện tử. Không ít tờ báo tổ chức hẳn chuyên mục dành riêng cho đồ họa (infographic) hoặc các siêu tác phẩm báo chí (mega story)...
Gần đây, báo chí đồ họa được sử dụng càng nhiều hơn, như một loại hình hiệu quả và cần thiết, nhất là đối với các lĩnh vực cần nhiều số liệu như quy hoạch, thời tiết, địa lý, kinh doanh… và thường kết hợp với các yếu tố đa phương tiện như ảnh, âm thanh, video trong cùng một tác phẩm.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của các loại hình truyền thông mới, nhất là mạng xã hội thì báo chí đồ họa là “vũ khí” lợi hại của báo chí hiện đại. Xu hướng thực tế cho thấy độc giả ngày càng chú ý đến hình ảnh và các sản phẩm đa phương tiện, và… “ngại” đọc bài nhiều chữ.
Công chúng cũng ưa đọc lại một tác phẩm báo chí đồ họa hơn các loại tác phẩm khác. Với việc thiết kế tùy biến mạnh mẽ trên nhiều loại thiết bị, báo chí đồ họa rất dễ hút giới trẻ đối với các bài báo tương tác và điều hướng hợp lý. Tương lai, báo chí đồ họa vẫn là thể loại cạnh tranh và còn tiếp tục phát triển.
Báo chí di động: Mang cả thế giới trong bàn tay!
Thế giới trong lòng bàn tay là cách mà mọi người nói về thiết bị di động thông minh. Công chúng tiếp cận thông tin mọi lúc mọi nơi một cách cực kỳ nhanh chóng và tiện lợi qua wifi và đường truyền viễn thông. Chưa kể, thời của 3G, 4G, thậm chí 5G có vẻ sắp phải nhường vị trí cho các công nghệ tân tiến hơn.
Báo mạng điện tử dành cho thiết bị di động có đặc điểm là chủ động tìm công chúng khi thông tin được cập nhật. Thông tin của báo chí di động ngắn gọn, cô đọng, tiết giảm tối đa chi tiết. Đưa tin nổi bật, theo dòng sự kiện, dễ sử dụng, thân thiện với người dùng.
(PGS-TS. Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông)
Các tòa soạn báo buộc phải suy nghĩ rằng phiên bản mobile không phải là sự thu gọn của trang báo cho vừa với màn hình điện thoại, và người đọc báo trên điện thoại cũng không giống với người đọc báo khác, họ có thói quen, thời điểm và cách tiếp cận khác nhau.
Báo chí cho nền tảng di động đã phải thay đổi rất nhiều từ cách dàn trang, đặt tít, chèn ảnh, video, đồ họa… cho đến việc chọn thời điểm phân phối loại thông tin nào trong ngày để tiếp cận bạn đọc.
Các cơ quan báo chí đều đầu tư một khoản kha khá cho việc phát triển báo chí mobile, nhiều ứng dụng được viết riêng với nhiều tính năng mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Trong nước, bên cạnh việc xây dựng phiên bản web, nhiều báo đầu tư cho phiên bản mobile từ sớm như Thanh niên, Dân trí, VnExpress…
Ở một hướng khác, báo chí di động còn được hiểu là loại hình truyền tải thông tin hiện đại, tức mọi người dùng điện thoại thông minh để ghi nhận, sáng tạo nội dung. Nhiều tòa soạn đã trang bị kỹ năng chuyên biệt để giúp phóng viên tác nghiệp hoàn toàn bằng điện thoại di động.
Báo chí xã hội: Cuộc đua không hồi kết
Mạng xã hội với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ đã khiến các cơ quan báo chí thay đổi quy trình tác nghiệp của nhà báo và tòa soạn. Mạng xã hội trở thành kênh truyền thông để nhà báo và người dân chia sẻ thông tin.
Như Facebook, từ khi hình thành và được sử dụng rộng rãi thì mọi người coi là không gian chia sẻ và tiếp nhận thông tin ưu tiên hơn các kênh thông tin truyền thống. Ở hướng khác, các cơ quan báo chí lại chọn Facebook là cánh tay nối dài để lan tỏa thông tin, định hướng dư luận xã hội.
Thách thức lớn đối với nhà báo và cơ quan báo chí là với việc khai thác hơn 30% nguồn thông tin từ mạng xã hội trong hoạt động nghề nghiệp của mình thì việc xác định nguồn tin sạch, nguồn tin có kiểm chứng là yêu cầu bắt buộc và được quy định bởi các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
Cuộc đua thông tin giữa mạng xã hội và báo chí chính thống là cuộc đua không có hồi kết, báo chí tận dụng mạng xã hội để tiếp cận thông tin và cũng chọn mạng xã hội để lan tỏa thông tin, dù muốn hay không thì trên “xa lộ thông tin” như hiện nay cả hai đều không thể loại trừ nhau.
Báo chí dữ liệu: “Đặc sản của báo chí hiện đại”
Nhiều người gọi thời điểm này là “kỷ nguyên của big data” (dữ liệu lớn) bởi dòng chảy thông tin không ngừng nghỉ và được tập hợp thành kho dữ liệu khổng lồ về tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Báo chí dữ liệu là sự kết hợp của việc thu thập thông tin, phân tích và trình bày một cách trực quan trước mắt người đọc. Hỗ trợ cho loại hình này là khoa học máy tính trong khâu sản xuất để chuyển tải đến công chúng những câu chuyện, vấn đề hấp dẫn.
“Báo chí dữ liệu là một đặc sản của báo chí, nó phản ánh vai trò ngày càng tăng của các dữ liệu số được sử dụng trong việc sản xuất và phân phối thông tin trong thời đại kỹ thuật số”.
(Nhà báo Nguyễn Cao Cường - giảng viên chuyên ngành truyền hình Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Dấu mốc quan trọng của báo chí dữ liệu là năm 1952, mạng lưới CBS của Mỹ dùng một máy tính mạnh để dự đoán kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, song phải đến năm 1967, việc phân tích dữ liệu trong hoạt động báo chí mới trở nên phổ biến khi tờ The Detroit Free Press dùng máy tính mainframe để phân tích kết quả khảo sát trong cộng đồng địa phương (thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ) về nguyên nhân của tình trạng bạo lực gia tăng.
Vai trò của công nghệ trong sản xuất báo chí dữ liệu cũng phát triển theo thời gian, mang đến cho loại hình báo chí này ngày càng đa dạng hơn.
Trong nước, báo chí dữ liệu nở rộ trong vòng mươi năm gần đây. Những tờ Vietnamplus, VOV, Nhân dân… tiên phong trong việc sản xuất tin, bài theo xu hướng báo chí dữ liệu, được tổ chức ở các chuyên trang (website), đồ họa tĩnh như đồ thị, biểu đồ, đồ họa dạng video hay các hình thức tương tác.
Báo chí rô bốt: Dù rất nhanh, vẫn không thể thay thế được con người!
Bạn đọc hẳn từng nghe qua thuật ngữ “nhà báo rô bốt”, tức việc viết báo có thể được giao cho rô bốt - điều này đã thành hiện thực trong đời sống báo chí hiện đại.
Bằng việc sử dụng nhiều thuật toán phức tạp, “nhà báo rô bốt” được lệnh phân tích dữ liệu, kết hợp thông tin có sẵn để cho ra đời tác phẩm báo chí. Những sự kiện tài chính, thi đấu thể thao quy mô lớn, thị trường bất động sản… đều được giao cho các “nhà báo” này thực hiện trên cơ sở dữ liệu có sẵn.
Báo chí hiện đại không chỉ tồn tại ở các loại hình nói trên, xu hướng báo chí thu phí người đọc, xu hướng báo chí sáng tạo như báo chí nhập vai, bản tin Rapnews… cũng là những loại hình báo chí sáng tạo mới đang được ứng dụng không chỉ ở các nước có nền báo chí hiện đại mà trong nước, nhiều cơ quan thông tấn đã ứng dụng và đã thành công.
Một số cơ quan báo chí trong nước đang sở hữu công nghệ làm báo bằng trí tuệ nhân tạo như tạo ra MC ảo dẫn chương trình thay cho phát thanh viên hay dựng bản tin video thời sự hoàn toàn tự động.
Với tốc độ tạo ra hàng nghìn bản tin trong thời gian rất ngắn, liệu “báo chí rô bốt” có làm các nhà báo bằng xương bằng thịt… thất nghiệp? Các chuyên gia cho rằng, cần nhiều yếu tố hơn để một con rô bốt phóng viên viết một bản tin hay, các phần mềm tự động hiện vẫn không thể có đủ 5 giác quan như con người (nhìn, nghe, ngửi, nếm và cảm nhận).
Điều cần là với việc tổng hợp, phân tích dữ liệu nhanh chóng của rô bốt, nhà báo sẽ thêm vào những bình luận, phân tích sắc sảo hơn. Nhà báo cũng rất cần tạo bản sắc riêng để không bị “nhà báo rô bốt” chiếm mất việc của mình.