Nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam Hồ Duy Lệ: Anh em đã sống và làm nghề một cách tử tế!
Chớp mắt nhìn lại, mới ngày nào bộn bề mà hôm nay là tròn 25 năm. Thời gian trôi có thể xóa đi tất cả, nhưng kỷ niệm về buổi đầu khó khăn ấy, thì lại lưu giữ rõ nét đến tận bây giờ. Ai đó đã nói ‘‘kỷ niệm lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người’’ mà.
Tỉnh Quảng Nam tái lập năm 1997, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng chia thành Báo Đà Nẵng và Báo Quảng Nam. Hồi đó là báo khổ lớn, măng sét báo Đà Nẵng màu đỏ, do anh Ngô Quy Nhơn làm Tổng Biên tập; măng sét Báo Quảng Nam màu xanh, bổ nhiệm tôi đang là Chủ tịch Hội văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng về làm Tổng Biên tập.
Nhận chức Tổng Biên tập, tôi nghĩ ngay đến hai việc: nhân sự và đời sống cho anh chị em chịu vào Quảng Nam. Tôi nói “chịu” vì ngày đó, ai cũng đã an cư tại Đà Nẵng, cho nên ngại đi vào Quảng Nam.
Sau khi trao đổi với các anh Ngô Quy Nhơn, anh Vũ Thành Lê và anh Đỗ Kỳ, tôi chọn từ Báo Quảng Nam - Đà Nẵng 12 người, gồm phóng viên, nhân viên tòa soạn. Lúc ấy, tòa soạn còn phải làm việc xuất bản báo tại Đà Nẵng, nên ra 4 số, trong các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy và số Chủ nhật. Những người thời kỳ đầu ấy, đến bây giờ còn các anh Lê Văn Nhi, Trịnh Dũng, Trương Ngọc Ánh, Trương Thanh Nam…
Còn nhớ hồi đó, Báo Đà Nẵng dành một phòng cho Ban Biên tập Báo Quảng Nam tạm trú để có thể làm việc và in, phát hành báo cho đến khi ra số báo đặc biệt kỷ niệm ngày Quốc khánh 2.9.1997, in tại Xí nghiệp In báo Quảng Nam, thì bộ phận tòa soạn Báo Quảng Nam mới chia tay anh chị em Báo Đà Nẵng, chia tay ngôi nhà số 42 đường Trần Phú - Đà Nẵng, vào với ngôi nhà số 20 đường Phan Bội Châu - thị xã Tam Kỳ.
Chỉ sau thời gian ngắn, Báo Quảng Nam tuyển thêm nhiều phóng viên mới. Theo thời gian, nhiều lớp cũ rời đi, nhiều lớp mới thay thế. Tôi luôn dõi theo và cảm thấy yên tâm, rằng, chúng ta luôn có một đội ngũ phóng viên viết tốt, năng nổ có mặt trên các mặt trận, đội hình tòa soạn cứng cáp, đủ sức đương đầu với khó khăn cũng như áp lực của nghề báo và áp lực từ xã hội.
Những năm 1997 - 1998, báo giấy hồi đó rất thiếu nên ai cũng thèm. Đó là động lực giúp anh em tòa soạn khắc phục khó khăn để viết báo và làm báo. Ở bất kỳ tờ báo nào cũng vậy, tổng biên tập và thư ký tòa soạn phải là những người đứng mũi chịu sào và khổ cực hơn, mà cũng có thể là thiệt thòi hơn, đó là trách nhiệm gánh vác. Làm báo khó gấp trăm lần viết báo, các bạn phải luôn tự nhắc nhớ để làm tốt vai trò của tờ báo Đảng, làm tốt vai trò cầu nối của Đảng với dân.
Mảng tư liệu lịch sử trên các báo ở nước ta hiện nay khá mờ nhạt. Thứ nhất vì những lớp chứng nhân lịch sử gắn với vùng đất càng ngày càng ít đi, khó khai thác, khó kiểm chứng, mất nhiều thời gian.
Thứ hai, lớp trẻ cũng không mặn mà đụng vào mảng “khó gặm”. Lịch sử không bao giờ khô khan, nó luôn có những câu chuyện thấm đẫm nhân tình nếu anh biết nhẫn nại tìm hiểu, lắng nghe. Có vẻ như viết những điều bề nổi, chạy theo thời sự dễ hơn.
Quảng Nam có rất nhiều nhân vật ở các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, giáo dục, cả những người dân bình thường đã chiến đấu, hy sinh vì cách mạng; cần phải nhắc nhớ họ thường xuyên. Nếu không thế hệ sau sẽ lơ mơ với lịch sử vùng đất, sẽ không còn neo hồn người vào những điều tốt đẹp. Báo Quảng Nam cần dành dung lượng lớn hơn cho mảng tư liệu lịch sử.
Cùng với báo ngày, từ đầu năm nay, báo có thêm tờ ấn phẩm chuyên đề Văn hóa Quảng Nam ra hàng tháng và đang dồn sức phát triển báo điện tử, tôi thấy đó là chiến lược tốt. Những thế hệ tiếp nối thế hệ chúng tôi, ai cũng làm nghề tử tế. Điều đó được nhiều đối tượng bạn đọc đánh giá cao. Tôi mong muốn và chúc các bạn luôn giữ được bản lĩnh và bản sắc của những người làm báo đất Quảng.