In dấu chân nghĩa tình
Bạn đồng hành của Báo Quảng Nam trên chặng đường 25 năm qua là Công ty CP In - Phát hành sách & Thiết bị trường học Quảng Nam. Để tờ báo Đảng đến tay người đọc có phần đóng góp rất lớn, ghi dấu bao mồ hôi công sức của nhà in. Trong đó, nhiều người sẽ khó quên hình ảnh ông Huỳnh Đây.
Hồi mới tái lập tỉnh, sản phẩm in chủ yếu là tờ báo Đảng, nên đơn vị mang tên Xí nghiệp in Báo Quảng Nam. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, ông Huỳnh Đây, vị giám đốc đầy nghĩa tình và trách nhiệm vừa chia tay ngành in về nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già.
Tròn 25 năm vào đứng chân lập nghiệp trên mảnh đất Tam Kỳ, ông Huỳnh Đây vẫn còn nhớ như in kỷ niệm về những ngày gian khó sau khi tái lập tỉnh. Ngày 25.8.1997, ông Huỳnh Đây cùng mấy chục công nhân xung phong lên đường chính thức vào Quảng Nam.
Ngày đó, tuy Xí nghiệp in Báo Quảng Nam trực thuộc Tỉnh ủy nhưng cơ sở vật chất hầu như không có gì, chỉ chuyển từ Đà Nẵng vào vài ba chiếc máy cũ kỹ, nhà xưởng mới lợp tôn, xây tạm bợ, công nhân phải trú trọ vạ vật đâu đó quanh những nhà dân gần công ty đại tu máy kéo nông nghiệp…
Trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn nhưng những người đi xây cơ ngơi mới đã không quản ngại gian lao tìm cách khắc phục, đáp ứng in tờ báo Quảng Nam số đặc biệt dịp kỷ niệm Quốc khánh 2.9 năm 1997.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
"Mỗi khi nhớ về đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh, tôi tự nhủ luôn giữ tâm nguyện sống có ích, có nghĩa, có tình, phấn đấu đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho cộng đồng xã hội”.
(Ông Huỳnh Đây, nguyên Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP In - phát hành sách & Thiết bị trường học Quảng Nam)
Từ một xí nghiệp in báo Đảng đang ăn nên làm ra ở Đà Nẵng, thu nhập bình quân 650.000 đồng/người/tháng, đến khi vào Quảng Nam việc làm thiếu, thu nhập bình quân tụt giảm xuống 300.000 đồng/người/tháng.
Việc làm không ổn định, giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu tăng, thị trường sản xuất kinh doanh biến động... Rồi thiên tai hạn hán, bão lũ ập đến liên miên trong ba năm liền 1997 - 1999.
“Như kiểu tư tưởng hồi kháng chiến những người đi B thấy gian khổ khốc liệt đã “B quay”, thì ngày đầu sau tách tỉnh cũng có mấy chục người thoái lui về Đà Nẵng” - ông Huỳnh Đây nhớ lại.
Trong bối cảnh ấy, là người lèo lái “con thuyền” của nhà in, Giám đốc Huỳnh Đây phải lo nghĩ, trăn trở suốt nhiều đêm ngày để tìm kiếm khách hàng, ngoài duy trì in tờ báo Đảng, mở rộng dần ra in tập san, bản tin cho các ngành các cấp, rồi tiến tới kết nối in sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục...
Sát cánh cùng ông là những công nhân kiên gan bám trụ với nghề và nghiệp. Cực khổ không kể xiết. Những người thợ in hàng ngày bì bõm trên con đường Hùng Vương đầy ổ gà sũng nước, nắng bụi, mưa bùn để đến nhà in.
Riêng tổ trực in báo càng khổ hơn khi thường xuyên phải thức chờ ma - két từ tòa soạn báo chuyển đến một hai giờ sáng. Khi in phải canh giữ không cho côn trùng, phù du bay vào phủ xuống máy móc…
Không chỉ giữ vai trò người lãnh đạo, hơn thế, ông Huỳnh Đây là người thầy tận tụy với nghề, như người cha chan hòa tình cảm, người tạo lập cho nhiều công nhân nên cửa nên nhà, dần ổn định cuộc sống và phát triển trên vùng đất mới.
Về phần mình, ông hy sinh bao tâm sức, chịu thiệt thòi, cùng chia sẻ với người lao động bữa cơm, ly rượu gạo. Hai lần có nguồn hỗ trợ, tài trợ mua xe cho giám đốc đi lại, nhưng ông đều không nhận cho mình mà đề nghị chuyển vào vốn của doanh nghiệp để đầu tư hiện đại hóa máy móc ngành in.
Còn mình, hằng tuần vào ra Đà Nẵng - Tam Kỳ, ông vẫn đi xe buýt. Chỉ trừ những chuyến đi đàm phán hợp đồng in ở TP.Hồ Chí Minh, hay Hà Nội, mới đi máy bay còn quanh năm vẫn chiếc Cup cũ kỹ chạy quanh Tam Kỳ. Ròng rã nhiều năm sau khi tỉnh Quảng Nam được tái lập, ông vẫn giữ phong cách sống bình dị như vậy, cặm cụi vì tâm huyết xây dựng phát triển ngành in cho Quảng Nam.
“Gia tài” để lại
Sinh ra ở vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước, ông Huỳnh Đây sớm tham gia du kích xã Điện Ngọc (Điện Bàn), khi vừa 14 tuổi.
Từ đó, ông thoát ly tham gia kháng chiến sau khi vùng đông Điện Bàn mở ra phong trào đồng khởi phá kèm (1964), rồi vào bộ đội Sư đoàn 2 (1966 - 1969).
Sau khi ra miền Bắc học văn hóa 3 năm, năm 1972 ông Huỳnh Đây vào lại chiến trường, công tác ở Nhà in Giải phóng Quảng Đà, bắt đầu cho cuộc nhân duyên gắn bó với ngành in suốt hơn 50 năm qua.
Những cống hiến của ông Huỳnh Đây cùng các vị hưu trí của ngành in đã được bà Nguyễn Thị Lệ Huyền - Giám đốc Công ty CP In - Phát hành sách & Thiết bị trường học Quảng Nam xúc động nhắc lại khá nhiều trong buổi gặp mặt và tri ân mới đây.
Bà Huyền nhấn mạnh rằng “Bằng tài năng và tâm huyết, Giám đốc Huỳnh Đây đã cùng tập thể công nhân, người lao động từng bước làm cho diện mạo nhà in trở nên khang trang, máy móc phương tiện in ngày càng hiện đại, thu nhập và đời sống ngày càng cải thiện”.
Từ dấu chân nghĩa tình và gia tài mà thế hệ đi trước tạo dựng, nay công ty trước những thách thức mới của thị trường trong giai đoạn mới, có bước phát triển mới, đạt được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng về doanh thu, sản lượng in.
Từ vài trăm triệu trang in hồi mới tái lập tỉnh, nay mỗi năm đạt đến 3 tỷ trang in; doanh số từ 5 tỷ đồng, nay đạt hơn 40 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách từ 64 triệu nay gần 3 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của công nhân khoảng 9,5 triệu đồng/tháng.
“Sự phát triển đó đi cùng với bước trưởng thành của đội ngũ quản lý và công nhân đã kế tục xứng đáng truyền thống và làm giàu có thêm vốn liếng mà những người đi trước đã chắt chiu gầy dựng, gom góp nên” - bà Huyền chia sẻ.
Có lẽ phải nhìn thấy ông Huỳnh Đây cùng các anh chị hưu trí đi xem nhà xưởng mới của công ty in tại cụm công nghiệp Chợ Lò (Phú Ninh) mới cảm nhận hết niềm vui trong mắt những người đặt nền móng cho ngành in Quảng Nam. Tổng đầu tư cho phân xưởng mới tại đây lên đến hàng chục tỷ đồng, với nhiều máy móc phục vụ in ấn bằng công nghệ tân tiến.
Hai lăm năm, đã đủ đầy để chuyển giao thế hệ, và gia tài để lại đã được làm giàu có thêm. Giọt mồ hôi công sức được đáp đền. Và nước mắt hạnh phúc thấm qua vai áo khi gặp người “khai sơn phá thạch” cho ngành in trên vùng đất mới.