Biến đổi khí hậu khiến mùa nóng đến sớm hơn
(QNO) - Nhiều quốc gia trên thế giới đang gồng mình gánh chịu đợt nắng nóng bất thường và khắc nghiệt.
Nhiều nơi tại Pháp, Tây Ban Nha... đang phải vật lộn với đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C.
Các nhà khí tượng học cho biết, việc xuất hiện ngày càng sớm của các đợt nắng nóng có liên quan trực tiếp đến sự ấm lên toàn cầu do các hoạt động của con người.
Như đợt nắng nóng hiện tại của Pháp được mô tả là bất thường, thay vì thường diễn ra vào tháng 7 hoặc tháng 8. Do đó, một đợt nắng nóng vào tháng 6 là chưa từng có và đáng lo ngại.
Thậm chí, các nhà khoa học cho rằng, hiện tượng thời tiết được coi là bất thường giờ đang diễn ra thường xuyên hơn và sắp trở thành bình thường tại châu Âu nếu thế giới vẫn bị động trước biến đổi khí hậu.
Nhà khí hậu học Aglaé Jezequel nói: "Chúng ta đang phải hứng chịu những tác động và sự gia tăng sóng nhiệt, nhưng nó có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều trong tương lai nếu chúng ta tiếp tục phát thải khí nhà kính".
Dầu mỏ, khí đốt và than đá được xem là thủ phạm chính của sự nóng lên toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo thế giới thông qua Thỏa thuận Paris lịch sử vào ngày 21.12.2015, đề ra những chiến lược dài hạn để các quốc gia đáp ứng cam kết cắt bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C trong thế kỷ 21 và tiếp tục nỗ lực để giới hạn ở mức 1,5 độ C.
Nhưng vào tháng 9 năm ngoái, 2 tháng trước Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) ở thành phố Glasgow của Vương quốc Anh, mục tiêu Paris dường như đã nằm ngoài tầm với.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới đang trên đà thảm họa hướng tới nóng thêm 2,7 độ C.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự nóng lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính là sự gia tăng số lượng và cường độ của các đợt nắng nóng trên khắp thế giới.
Nhà khí hậu học Christophe Cassou, đồng tác giả báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định, thời gian của sóng nhiệt quyết định tác động của chúng ta.
"Những gì chúng ta thấy trong báo cáo của IPCC là những đợt nắng nóng này kéo dài trong thời gian dài hơn, mùa hè kéo dài hơn và sẽ có những tác động lớn hơn, mang lại rủi ro cho sản lượng nông nghiệp" - ông Christophe Cassou nói.
Nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thậm chỉ dẫn đến tử vong. Ngoài ra, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các đợt nắng nóng vào năm 2030 có thể làm giảm hơn 2% số giờ lao động trên toàn cầu, gây thiệt hại kinh tế 2.400 tỷ USD, cao gấp gần 10 lần so với mức thiệt hại năm 1995.