Đưa rác thải từ biển vào bờ
Gắn việc gìn giữ môi trường biển với lao động, sinh hoạt thường ngày của người dân đang là giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường. Công tác đang được các địa phương, đơn vị ven biển trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện.
Để vươn khơi, hành nghề chụp mực trong khoảng 15 ngày, ông Đặng Bảy (chủ tàu cá ở thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) thường chuẩn bị rất nhiều thức ăn nước uống tiện lợi.
Theo thói quen, sau khi sử dụng, một phần vỏ thức ăn, nước uống dạng bao bì, lon, chai nhựa, ông và các thuyền viên thường vứt xuống biển. Điều này gây ảnh hưởng môi trường và đa dạng sinh học biển, nhất là hệ san hô.
Từ tháng 4.2022, khi Hội LHPN xã Bình Minh phát động mô hình “Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền”, kêu gọi các tàu đánh bắt xa bờ thu gom lon, vỏ chai, bao ny lon qua sử dụng và mang vào bờ, ông Bảy rất ủng hộ. Khi vươn khơi, ông kêu gọi các thuyền viên gom rác thải, sau đó giao cho Hội LHPN xã lúc tàu cập bờ.
“Thu gom rác thải trên tàu vừa giúp chúng tôi thay đổi thói quen vứt rác xuống biển, góp phần bảo vệ môi trường biển. Điều ý nghĩa là từ nguồn lon, chai nhựa thu gom có thể bán, tạo quỹ hỗ trợ cho trẻ em khó khăn tại địa phương” – ông Bảy nói.
Bà Đặng Thị Mỹ Ly - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh cho biết, hiện nay 27 tàu chụp mực tham gia mô hình đều thực hiện thu gom rác thải hiệu quả. Qua 3 đợt thu gom, phân loại, hội đã bán rác thải với tổng số tiền hơn 5 triệu đồng.
Ngoài rác thải, hội còn vận động, thu gom lưới đã qua sử dụng, sau đó đan thành những chiếc túi và phát lại để các tàu đựng rác. Mô hình “Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền” phát động đã làm thay đổi nhận thức, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong ngư dân.
Mọi người bắt đầu có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, sau đó mang về tận nhà để chúng tôi phân loại. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các tàu đánh bắt gần bờ và các tàu câu mực khơi thực hiện mô hình này” - bà Ly cho biết.
Tại xã Tam Tiến (Núi Thành), chính quyền địa phương đang trình UBND huyện Núi Thành phê duyệt mô hình tổ cộng đồng, thực hiện dự án quản lý nguồn lợi thủy sản do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng - MCD tài trợ. Khoảng 35 thành viên tổ cộng đồng là cán bộ, ngư dân sẽ tham gia quản lý, bảo vệ tại khu vực rạn san hô Bà Đạo rộng khoảng 200ha.
Theo ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, rạn san hô Bà Đạo là nơi sinh sống, phát triển của nhiều loại hải sản. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, ngư dân nhiều địa phương, trong có Tam Tiến đã đánh bắt bằng nghề giã cào, xung kích điện, thuốc nổ làm ảnh hưởng đến môi trường, nhất là hệ san hô.
Thời gian tới, khi mô hình được phê duyệt và đi vào hoạt động sẽ nghiêm cấm việc đánh bắt hải sản ở khu vực này. Các thành viên tổ cộng đồng sẽ đóng vai trò giám sát, phát hiện, tố cáo các hành vi đánh bắt trái phép để cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
“Chúng tôi vận động nhân dân chuyển đổi ngành nghề đối với các nghề giã cào, các nghề khai thác tận diệt theo quy định Luật thủy sản 2017; yêu cầu các tàu thuyền không vứt rác xuống biển, mang vào bờ để xử lý.
Đồng bộ nhiều giải pháp, chúng tôi tin tưởng sẽ bảo vệ tốt môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo nguồn lợi lâu dài, giúp hoạt động khai thác hải sản của ngư dân duy trì bền vững” - ông Uy nói.
Ngoài các giải pháp thay đổi ý thức đánh bắt của ngư dân, hiện các địa phương có chợ, bến cá ven biển như Tam Quang, Tam Tiến (Núi Thành), Bình Minh (Thăng Bình), Duy Hải (Duy Xuyên) thường xuyên tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh; tuyên truyền các tiểu thương hạn chế sử dụng túi ny lon và bỏ rác thải đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn môi trường biển.