Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu: Người lao động đồng tình
Sau ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động vào cuối tuần qua, về thông tin năm 2023 sẽ trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới 10 năm để lao động sớm hưởng lương hưu đã thu hút sự quan tâm và đồng tình của người lao động.
Là công nhân cơ khí làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Thuận Yên (Tam Kỳ) được gần 10 năm, ông Trần Văn Lời đã có 9 năm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.
Năm nay đã 42 tuổi, ông lo lắng rằng đến lúc sức khỏe không đảm bảo sẽ bị đào thải khỏi công việc đang làm khi không theo kịp người trẻ. Nếu không thể tiếp tục làm việc trong nhà máy, trong khi thời gian tham gia BHXH chưa đủ 20 năm để hưởng lương hưu thì với ông chỉ còn cách rút BHXH một lần.
Ông Lời nói: “Thời gian đóng BHXH 20 năm rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân trên 45 tuổi.
Bởi lúc đó năng suất lao động không hiệu quả nữa, thì cũng đành chấp nhận nhường chỗ cho người trẻ hơn. Nhìn vậy chứ tôi cũng sắp đến cái tuổi đó rồi, nếu không may bị nghỉ việc, cũng chưa đóng BHXH đủ 15 năm chứ đừng nói chi 20 năm.
Mà làm công nhân thì kiểu “ăn xổi ở thì”, lo cho con cái ăn học và nhiều thứ khác nữa, đành phải rút một lần thôi. Vừa rồi tôi có đọc được thông tin sẽ rút ngắn thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm để người lao động có lương hưu và rất mừng. Nếu làm được vậy, công nhân lao động như tôi hết sức ủng hộ”.
Tình trạng người dân rút BHXH một lần thời gian qua gây hệ lụy lâu dài với tương lai lao động lẫn chính sách an sinh. Thời gian đóng BHXH quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, nhiều lao động không chờ được, chọn rút BHXH một lần.
Theo bà Bùi Thị Bình (công nhân may tại KCN Tam Thăng, Tam Kỳ), với lao động nữ làm nghề may mặc, đến độ tuổi trên 35 thường sẽ bị đào thải. Đây là quy luật tất yếu, bởi lúc đó mắt nhìn yếu hơn, chân tay may chậm hơn, năng suất lao động cũng giảm sút nhiều.
Với doanh nghiệp, năng suất lao động là ưu tiên hàng đầu, họ bắt buộc phải tuyển dụng lớp lao động trẻ thay thế và có chính sách hỗ trợ để lớp lao động lớn tuổi nghỉ việc.
“Như tôi đến tuổi này đã có 2 con, nhiều lúc công việc không được như ý muốn khi việc gia đình, con cái còn nhỏ đau ốm phải xin nghỉ phép. Năng suất lao động cũng không được như hồi trẻ nữa, nhưng phải cố gắng được chừng nào hay chừng đó.
Tính ra đến nay tôi tham gia BHXH qua 2 công ty, đã được 12 năm, nếu giảm xuống 15 năm thì tôi cố gắng làm sẽ đủ thời gian được hưởng lương hưu. Còn nếu đủ 20 năm mới hưởng được lương hưu, thì thời gian còn lại quá dài, tôi phải cân nhắc nếu nghỉ việc có nên tiếp tục tham gia tự nguyện hay là rút BHXH một lần” - bà Bình nói.
Không chỉ về mặt thời gian tham gia, người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản cũng là rào cản trong phát triển người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Như trường hợp bà Trần Thị Mai (xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước), đứng trước việc mức đóng BHXH tự nguyện tăng theo chuẩn nghèo mới và cân nhắc thời gian tham gia quá dài trong khi tuổi đã lớn, dù đã tham gia được 2 năm nhưng bà lại phân vân có nên tham gia tiếp hay không.
Khi nghe thông tin về việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, tiến tới chỉ còn 10 năm, bà Mai vui mừng nói: “Nếu thực sự giảm thời gian và có thêm chế độ ốm đau tôi sẽ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để sau này có chỗ nương tựa. Bởi tôi không có con cái, tính tham gia là để về già còn có chỗ cậy nhờ. Trước mắt tôi sẽ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, chờ sang năm tình hình thế nào rồi tính tiếp”.