Định vị cực tăng trưởng mới

HỮU PHÚC - PHẠM QUỐC - THÀNH CÔNG 19/06/2022 04:41

Tổ chức quy hoạch lại không gian phát triển, nhận diện cơ hội cũng như thách thức, mạnh dạn loại bỏ tư duy phát triển không còn phù hợp… là những nội dung cốt lõi mà Quảng Nam hướng đến trong đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra bài toán cần giải quyết là làm sao để kết nối mọi không gian phát triển, tạo xung lực mạnh mẽ để đưa Quảng Nam trở thành cực tăng trưởng cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Hội thảo góp ý giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: P.V
Hội thảo góp ý giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: P.V

XÁC ĐỊNH RÕ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

Việc xác định các hành lang và trung tâm phát triển dựa vào kinh tế ven biển, dọc cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1 và dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, hành lang Đông - Tây và trung tâm bám theo các đô thị hiện hữu bước đầu chỉ là “kim chỉ nam” cho hành động. Chiến lược phát triển Quảng Nam, theo các chuyên gia là phải lọc ra cho được những tinh hoa, sự khác biệt để tạo bứt phá.

Khác biệt để tạo đột phá

Muốn xây dựng được môi trường, không gian phát triển bao trùm thì phải nắm bắt xu thế quốc tế và đặc thù của tỉnh.

GS-TS. Nguyễn Đức Khương (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, một hạ tầng giao thông hội tụ, vùng đất giàu bản sắc văn hóa với 2 di sản văn hóa thế giới, nổi trội kinh tế biển và du lịch đẳng cấp thế giới…, là những lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Tuy nhiên, Quảng Nam phải xác định vị trí, kết nối vùng miền theo chuỗi động lực quốc gia. Điều quan trọng cần chú ý đến chất lượng nguồn nhân lực, lấy kinh tế làm chủ đạo, trụ cột chính.

Kinh tế biển và chuỗi đô thị động lực ven biển là những vệ tinh dẫn dắt. Theo PGS-TS. Chu Hoàng Long (Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Úc), Quảng Nam có lợi thế về phát triển các ngành kinh tế biển xanh như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

“Tỉnh phát triển nền kinh tế xanh, đề ra nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu là chủ trương đúng. Động lực tăng trưởng của địa phương nằm ở chỗ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tuần hoàn” - PGS-TS. Chu Hoàng Long góp ý.

Tại hội thảo góp ý Báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiều ý tưởng mới lạ để xác định lại chiến lược phát triển Quảng Nam, ngoài quy hoạch tích hợp không gian kinh tế, các chuyên gia còn xem yếu tố văn hóa, con người xứ Quảng là động lực. “Vốn xã hội”, giá trị văn hóa đặc thù có thể là một trong những yếu tố tạo ra sự khác biệt.

Đô thị đứng ở đâu?

Đồ án quy hoạch tỉnh thể hiện ý đồ đưa Quảng Nam trở thành địa điểm du lịch và di sản nổi tiếng trên thế giới và một tỉnh công nghiệp hiện đại, một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cùng với Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Quy hoạch tạo dựng các trung tâm, trục hành lang, vùng chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thể hiện rõ 3 trụ cột tăng trưởng chủ yếu gồm trụ cột công nghiệp cơ khí và sản xuất ô tô; trụ cột du lịch và các dịch vụ đi kèm; trụ cột công nghiệp năng lượng (năng lượng khí, năng lượng tái tạo).

Và liên kết du lịch là mô hình lựa chọn tất yếu trong giai đoạn tới. Theo đó, liên kết du lịch vùng ở phía bắc, phía nam, phía tây của tỉnh; đồng thời liên kết phát triển với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, khu vực Tây Nguyên.

Đô thị đang đứng ở đâu trong bản đồ quy hoạch Quảng Nam? Đây là mối quan tâm của nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, bởi họ băn khoăn các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực sẽ ít nhiều chi phối, làm mờ nhạt bức tranh đô thị ngày mai. Có quan điểm, đô thị nắm giữ vai trò quyết định, nên cần đặt lên trên các ngành, lĩnh vực khác khi tích hợp đồ án quy hoạch tỉnh.

Theo KTS.Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch tỉnh mà không dành nguồn lực xây dựng đô thị đẳng cấp, đô thị loại 1 đủ sức cạnh tranh với các đô thị khác trong cả nước, thậm chí thế giới thì cũng chưa xứng tầm. Cho nên, ngoài hạ tầng kỹ thuật khung phải đột phá về hạ tầng xã hội, kéo thị dân và dòng lao động khắp nơi về làm việc để đáp ứng tiêu chí dân số.

Còn KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners đề xuất: “Phải tổ chức quy hoạch kinh tế - xã hội và đô thị trong chiến lược liên kết và hợp tác vùng đô thị dọc theo trục xương cá động lực Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi. Và quan trọng, tạo điều kiện kích thích phát triển đô thị và kinh tế xã hội theo tư duy kinh tế thị trường”.

Thế mạnh rõ nhất ở vùng ven biển hiện nay là có quỹ đất trống lớn, còn dư địa cho đô thị hóa. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, quy hoạch tỉnh sẽ không là những phép cộng đơn thuần hay mảnh ghép của các lãnh thổ, mà phải hướng đến mục tiêu “đột phá, khác biệt, toàn diện, bền vững”.

QUẢN TRỊ RỦI RO, HÌNH MẪU VỀ PHÁT TRIỂN XANH 

Khi tăng trưởng xanh đã được nhìn nhận là yêu cầu bắt buộc trong xu thế mới, Quảng Nam hoàn toàn đủ năng lực để phát triển thành một địa phương kiểu mẫu về phát triển xanh, thích ứng với các rủi ro, nhất là biến đổi khí hậu.

Quy hoạch phát triển không gian đô thị sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Ảnh: P.V
Quy hoạch phát triển không gian đô thị sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Ảnh: P.V

Có gì và cần gì cho phát triển xanh?

Cuối năm 2021, Việt Nam đã cùng 150 quốc gia trên thế giới có những cam kết mạnh mẽ về phát triển xanh tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26).

Từ đầu năm 2022, lãnh đạo tỉnh cũng nhiều lần thể hiện quyết tâm cụ thể hóa thông điệp này, trước hết là ở lĩnh vực du lịch, cụ thể hơn là lấy chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh” cho Năm du lịch quốc gia 2022.

GS-TS.Nguyễn Đức Khương - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất, Quảng Nam khá phù hợp để phát triển theo mô hình dùng đòn bẩy kinh tế cao hơn, nền tảng quy chuẩn xã hội - môi trường ở mức cao, từ đó tập trung vào mũi nhọn kinh tế bởi tỉnh đã có nền tảng về quy chuẩn xã hội - môi trường tương đối tốt. Khi tập trung vào mũi nhọn kinh tế, Quảng Nam sẽ phát triển theo hướng tăng trưởng cạnh tranh bền vững. Và điều quan trọng, khi đã xác định lấy kinh tế làm mũi nhọn đột phá thì phải kết nối vào chuỗi cung ứng động lực quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Quảng Nam không chỉ phát triển du lịch xanh cho năm 2022 mà đã chọn hướng đi này cho cả chặng đường dài sắp tới”.

Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: “Gần như tất cả tỉnh thành trên cả nước chỉ đều mới đề cập chung chung và chưa có mục tiêu cụ thể về vấn đề này nên Quảng Nam cần hành động mạnh mẽ để nắm lấy cơ hội”.

Theo TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Quảng Nam muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai phóng các nguồn lực để nâng cấp quy mô nền kinh tế, tuy nhiên địa phương cần giữ được sự cân bằng, bản sắc, an ninh, an toàn như hiện tại.

Rất ít địa phương có được dư địa như Quảng Nam để có thể phát triển theo hướng trở thành một tỉnh hình mẫu về phát triển xanh, quản trị rủi ro trong giai đoạn từ nay đến năm 2050.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tăng trưởng các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có biến động khá lớn. Nhóm ngành công nghiệp năng lượng và chế biến chế tạo tăng trưởng nhanh, trong khi ngành khai khoáng sụt giảm mạnh (tăng trưởng âm 4,67%/năm).

Những năm gần đây, Quảng Nam cũng tích cực di dời, chuyển đổi các nhà máy sản xuất tác động xấu đến môi trường vào khu vực tập trung phù hợp, hạn chế tối đa thu hút đầu tư với các nhóm ngành sản xuất không thân thiện với môi trường.

Đây có thể xem là động thái tích cực của địa phương trong việc hướng tới chuyển dịch cơ cấu ngành, phát triển công nghiệp xanh, tạo ra giá trị gia tăng lớn, giảm thiểu tác động vào tự nhiên.

Mặc dù vậy, các chuyên gia thuộc liên danh tư vấn quy hoạch Quảng Nam nhận định, giai đoạn vừa qua chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa thực sự bền vững, chủ yếu vẫn dựa vào đầu tư mở rộng và tăng số lượng lao động.

Thương mại biên giới phát triển chưa bền vững, chưa thu hút được các “sếu lớn” là các tập đoàn công nghiệp, công nghệ trên thế giới làm động lực đột phá như Đồng Nai, Bình Dương hay Bắc Ninh…

Quản trị rủi ro và gắn kết vùng

Không riêng với Quảng Nam mà cả đối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tăng trưởng xanh gắn liền với yêu cầu tăng cường năng lực quản trị rủi ro bởi đây là khu vực được dự báo sẽ chịu tổn thương nặng nề của biến đổi khí hậu.

GS. Nghiêm Đức Long - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường và nước (Đại học Công nghệ Sydney, Úc) gợi mở, Quảng Nam nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần chú trọng phát triển năng lượng sạch, khí đốt tái tạo.

Còn về hệ thống thủy điện vừa và nhỏ lại rất gần nhau, Quảng Nam có thể tạo ra một khái niệm phát triển mới, đó là thủy điện tích năng. Tức là khi dư điện thì chúng ta bơm nước lên thượng nguồn còn khi cần điện thì sẽ chạy máy, chạy thủy điện.

Xem xét nghiên cứu về vấn đề này vừa ổn định lưới điện, đảm bảo nguồn cung cho cả vùng cũng như khắc phục tối đa mặt trái mà thủy điện vừa và nhỏ tạo ra trong thời gian qua.

PGS-TS. Bùi Quang Bình - Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, một động lực rất quan trọng của Quảng Nam trong chặng đường dài hơi sẽ là vùng Tây. Và thứ quý giá nhất của rừng nhiệt đới cần xác định là dược liệu chứ không phải là gỗ.

Trở lực ở đây là hạ tầng khu vực miền Trung còn rất kém, hạ tầng vùng Tây Quảng Nam còn kém hơn. Và chỉ có liên kết mới giúp Quảng Nam nâng cấp được trục dọc, trục ngang hạ tầng, từ đó mở rộng kết nối với các địa phương giáp ranh, thông thương với Tây Nguyên và quốc tế.

Lực cản lâu nay trong liên kết vùng vẫn nằm ở điều kiện tự nhiên xã hội của các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung khá tương đồng. Từ đó, các nhà đầu tư được lựa chọn cũng tương đối giống nhau. Trong khi theo dự báo trên cả nước nói chung và vùng nói riêng vẫn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư cho nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế.

Do đó, giữa Quảng Nam với các tỉnh khác trong vùng sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút các luồng vốn đầu tư từ ngoài tỉnh, ngoài nước. Thậm chí, nếu không có chính sách khuyến khích đầu tư trong tỉnh tốt, Quảng Nam sẽ có nguy cơ bị chảy vốn đầu tư ra các khu vực lân cận.

TÍNH TOÁN TỐI ƯU HÓA CÁC NGUỒN LỰC

Quy hoạch tỉnh cần tính toán phân vùng phát triển đặc thù để tạo động lực hỗ trợ liên kết tổng thể vùng, đồng thời khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai.

Quảng Nam có thế mạnh phát triển công nghiệp sản xuất ô tô. Ảnh: ĐT
Quảng Nam có thế mạnh phát triển công nghiệp sản xuất ô tô. Ảnh: ĐT

Phân vùng, mở lối phát triển lâm nghiệp

Khẳng định để phát triển lâm nghiệp, một thế mạnh đang còn chưa được khai thác đúng tầm, TS. Phan Văn Thắng - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam khuyến nghị Quảng Nam nên phân vùng mạnh mẽ để tạo ra sự khác biệt, có lợi thế cạnh tranh cao.

Đối với vùng Đông, nên tập trung phát triển rừng bảo vệ môi trường sinh thái như rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ chống cát bay. Tại vùng Tây, với dư địa lớn về lâm nghiệp, phải đưa tài nguyên rừng và đất rừng vào tầm chiến lược, đưa kinh tế rừng vào quy hoạch.

Với những lợi thế hiện có, để phù hợp với xu hướng phát triển chung của quốc gia đặt trong mối liên kết với các nước khu vực và trên thế giới, ngành lâm nghiệp phải phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của từng loại rừng.

“Do đó, Quảng Nam nên quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, quản lý tốt hoạt động sản xuất, từ đó xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị của rừng sản xuất trên đơn vị diện tích” - TS.Thắng đề xuất.

Tiến sĩ Phan Văn Thắng.
Tiến sĩ Phan Văn Thắng.

Theo TS. Phan Văn Thắng, giải pháp tiên quyết phụ thuộc vào câu chuyện quy hoạch, tạo hành lang chính sách để tích tụ tập trung, sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn, kiểm soát và cấp chứng nhận về chất lượng.

Tiếp đó, phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, kiểm soát và cung cấp nguồn giống tốt nhất; xây dựng các cơ sở nghiên cứu, chọn tạo, phát triển giống. Muốn đưa khoa học vào sản xuất cần tổ chức lại hình thức sản xuất, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại, liên kết giữa doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở tập trung tối đa các nguồn lực, nhất là xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp, quy hoạch mới sẽ bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.

Từ đó, xây dựng tỉnh Quảng Nam từng bước trở trung tâm nghiên cứu phát triển giống cây lâm nghiệp, nhất là giống cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu có chất lượng cao phục vụ phát triển ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tối ưu hóa nguồn thu từ đất

Nguồn lực tài chính phù hợp để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có chất lượng cao hình thành từ đất và phải tính toán cẩn thận về đất đai, là ý kiến đáng chú ý của GS-TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, đất đai là tài nguyên vô cùng lớn. Vấn đề là làm sao chuyển đất đai thành tiền. Tuy nhiên, có một lý do nào đó, việc chuyển đất thành tiền lại không trong khu vực nhà nước, Nhà nước không thu được từ đất bao nhiêu cả. Trong khi những đại gia bất động sản thu lợi cực kỳ lớn từ đất đai. Cho nên Quảng Nam cần tính toán cẩn thận về đất đai thì mới tối ưu hóa nguồn thu từ đất.

GS-TSKH. Đặng Hùng Võ.
GS-TSKH. Đặng Hùng Võ.

Không mới, nếu muốn nhắc đến những hệ lụy từ đất đã từng xảy ra trên địa bàn Quảng Nam suốt những năm qua. Mới đây, trong chuyến giám sát về công tác lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn thị xã Điện Bàn giai đoạn 2015 - 2020, chính quyền địa phương đưa ra thông tin đáng chú ý: Giai đoạn 2015 - 2020, Điện Bàn đã có 114 dự án được giao với diện tích đất 1.493ha, tuy nhiên chỉ có 13 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành chuẩn bị bàn giao đưa vào khai thác. Những dự án dạng “phân lô bán nền” manh mún, nhỏ lẻ, phát sinh hàng loạt rắc rối mà suốt thời gian sau đó, cả hệ thống phải loay hoay tháo gỡ.

Câu chuyện này liên quan đến sự khập khiễng trong chính sách đất đai, như GS-TSKH. Đặng Hùng Võ đề cập, gây ra nhiều hạn chế ở địa phương. Quảng Nam không thể có chính sách đất đai riêng.

“Chúng ta phải đưa công sức vào để tạo dựng ra một chính sách, sao cho đất đai chuyển được thành tiền ở một mức độ nhất định. Đưa lên cao quá, năng lực cạnh tranh sẽ thấp, mà thấp quá sẽ không có lợi, vì đất đai rẻ, lượng tiền chuyển từ đất sang sẽ thấp. Đấy là vấn đề lớn mà trong báo cáo quy hoạch lần này phải quan tâm” - GS.Đặng Hùng Võ nhận định.

Dự kiến đến cuối năm 2022 Quảng Nam sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đồ án quy hoạch hoàn chỉnh. Đó cũng là quyết tâm cho một giai đoạn mới, tìm lời giải cho “nan đề” đất đai nói riêng, cho câu chuyện quy hoạch phát triển nói chung.

HỮU PHÚC - PHẠM QUỐC - THÀNH CÔNG