Hạn hán và sa mạc hóa - vấn đề của toàn cầu

QUỐC HƯNG 17/06/2022 15:06

(QNO) - Biến đổi khí hậu dẫn đến khan hiếm nước và sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,3 tỷ người. Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán (17.6) năm 2022 có chủ đề "Chung tay vượt qua hạn hán".

Nông dân châu Phi học cách gieo trồng cây lương thực ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: innovationnewsnetwork
Nông dân châu Phi học cách gieo trồng cây lương thực ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Innovationnewsnetwork

Liên hiệp quốc cho biết, biến đổi khí hậu góp phần làm tăng số lượng và tần suất hạn hán trên hành tinh 29% trong 22 năm qua. Khoảng 1/3 dân số trái đất, tức 2,3 tỷ người hiện đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.

Hạn hán là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phát triển bền vững, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nhưng tình trạng này ngày càng gia tăng ở các nước phát triển.

Các dự báo ước tính, vào năm 2050, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới. Như vậy, gần như không quốc gia nào có thể miễn nhiễm với hạn hán. 

Tương tự, sa mạc hóa là sự thoái hóa đất ở các vùng khô hạn, bán khô hạn và cận ẩm. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, sa mạc hóa là kết quả của khai thác nguồn tài nguyên đất quá mức và sử dụng đất không hợp lý.

Nghèo đói, bất ổn chính trị, phá rừng, chăn thả quá mức... đều có thể làm suy giảm năng suất của đất.

Do vậy, ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán được Liên hiệp quốc tổ chức hằng năm nhằm thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về các nỗ lực quốc tế chống sa mạc hóa, thông qua việc giải quyết vấn đề, sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng và hợp tác ở tất cả các cấp.

[Video] - Đất nước Somalia đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua (nguồn Aljazeera):

Khi đất suy thoái và ngừng sản xuất, các không gian tự nhiên sẽ xấu đi và biến đổi.

Do đó, phát thải khí nhà kính tăng lên và đa dạng sinh học giảm có thể làm tăng nguy cơ bùng phát các loại bệnh truyền nhiễm từ động vật sang động vật, con người càng thêm đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt, bão cát và bụi.

Suy thoái đất cũng có thể làm giảm 10% năng suất cây trồng đến năm 2050, tương đương với việc hàng triệu mẫu đất canh tác bị loại bỏ. 

Công ước Liên hiệp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) kêu gọi tất cả thành viên coi đất đai là vốn tự nhiên quý giá và hữu hạn, bảo vệ và phục hồi đất đai trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hiệp quốc.

"Cùng nhau vươn lên từ hạn hán", Liên hiệp quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động sớm để tránh những hậu quả thảm khốc cho nhân loại và hệ sinh thái hành tinh.

Theo UNCCD, tình trạng suy thoái đất có thể gây thiệt hại 23.000 tỷ USD cho thế giới đến năm 2050. Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái của Liên hiệp quốc 2021 - 2030 cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu phát triển bền vững và mốc thời gian mà các nhà khoa học xác định là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.

QUỐC HƯNG