Nông dân Quế Sơn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
(QNO) - Nhờ mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đến nay huyện Quế Sơn có hơn 5.000 hộ nông dân được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
1. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Đồng Phước Tào (SN 1968, thôn Trà Đình, xã Quế Phú, Quế Sơn) lập gia đình và sinh sống bằng nghề nông. Quanh năm gắn bó với ruộng đồng nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, vợ chồng ông quyết định chuyển sang nghề thu mua, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như lúa, gạo, nếp, bắp, sắn…
Ông Tào cho biết, lúc đầu việc kinh doanh rất nhỏ lẻ do nguồn vốn hạn hẹp, kỹ thuật bảo quản nông sản chưa tốt, gia đình cũng chưa quen với việc buôn bán. Đến năm 2004, sau khi tích lũy một số kinh nghiệm và được Hội Nông dân xã Quế Phú hỗ trợ vay 100 triệu đồng, ông đã mạnh dạn thuê thêm kho chứa, mua máy móc và phương tiện vận chuyển. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để sản phẩm có đầu ra ổn định.
“Mỗi năm tôi thu mua khoảng 7.000 tấn nông sản của bà con nông dân và chế biến thành các sản phẩm như gạo, nếp, bột gạo, cám, bắp... Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Quảng Nam, TP.Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động” – ông Tào chia sẻ.
Liên tục nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, 5 năm liền (2016-2021) hộ ông Đồng Phước Tào được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tào cũng tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ năm 2016 đến nay ông đã trao tặng tổng cộng 450 suất quà (500 nghìn đồng/suất) cho nông dân nghèo khó trên địa bàn huyện.
2. Nhận thấy cá chình bông có giá trị kinh tế cao và tương đối dễ nuôi, ông Trần Văn Thành (SN 1973, tổ dân phố Yên Lư, thị trấn Hương An, Quế Sơn) lặn lội vào tỉnh Phú Yên học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và mua 800 con cá chình giống về nuôi thử nghiệm. Ông xây dựng 4 hồ nuôi với diện tích 85m2, lắp đặt máy bơm nước, hệ thống tạo ô xy và thả một số ống nhựa vào trong hồ cho cá trú ẩn.
Theo ông Thành, kỹ thuật nuôi cá chình khá đơn giản, chủ yếu phải giữ nguồn nước sạch, cung cấp đủ hàm lượng ôxy. Thức ăn của cá chình rất đa dạng như cá tạp, nhái, trùn... Để tạo nguồn thức ăn cho cá, ông đầu tư chuồng trại nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế.
Nhờ đảm bảo lượng thức ăn và tiêu chuẩn hồ nuôi nên đàn cá chình phát triển tốt, sau 2 năm thả nuôi, hiện ông đang xuất bán cá chình với giá khoảng 600 nghìn đồng/kg. Lứa đầu tiên này uớc tính gia đình ông lợi nhuận không dưới 80 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế khả quan, ông Thành tiếp tục xây thêm hồ nuôi cá chình với diện tích 50m2 để thả nuôi 500 con cá chình giống. Ngoài ra, ông còn nuôi 500 con ba ba để nâng cao nguồn thu nhập.
“Mô hình của tôi tuần hoàn khép kín theo hình thức chăn nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế, trùn quế làm thức ăn cho cá chình, ba ba, nước thải từ hồ nuôi cá chình, ba ba tôi trồng cỏ cho bò... nên rất hiệu quả và đảm bảo vệ sinh môi trường” – ông Thành cho hay.
Ông Lương Văn Ánh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Sơn cho biết, những năm qua phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững được hội viên, nông dân hưởng ứng tích cực. Đến cuối năm 2021, toàn huyện có 12.238 hộ nông dân đăng ký và qua bình xét có 5.086 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Đồng hành cùng với nông dân trong phát triển kinh tế, ngoài nỗ lực huy động Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp trong huyện đứng ra nhận vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT cho hơn 5.800 hộ nông dân vay đầu tư sản xuất với tổng số tiền trên 438 tỷ đồng.
Ông Lương Văn Ánh cho biết thêm, trong giai đoạn 2018-2022, Hội Nông dân huyện còn vận động trao tặng 52 con bò giống, hơn 7.400 con gà giống, 1.285 suất quà và hỗ trợ 19 ngôi nhà cho nông dân khó khăn với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Phối hợp tổ chức 165 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, 25 lớp đào tạo nghề cho gần 10 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân. Đặc biệt, hội duy trì thực hiện Đề án “Cung ứng phân bón trả chậm cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo, hộ nông dân khó khăn thiếu vốn sản xuất” tại 13 xã, thị trấn với hơn 1.100 tấn/năm.