Du lịch Cù Lao Chàm: Không thể phát triển đại trà
Lâu nay, du lịch Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) luôn đối diện với những áp lực về môi trường, hạ tầng và sức chứa. Nâng cao chất lượng điểm đến gắn với thị trường khách cao cấp là chuyện không mới nhưng bao năm nay vẫn cứ loay hoay.
Mới khai thác bề nổi
Vừa qua, khoảng 1.500 khách đã đến Cù Lao Chàm. Ngay cầu cảng nhiều chiếc xe ôm đã tập kết liên tiếp đón khách chở đi tham quan đảo, tại các hàng quán ăn cũng bắt đầu rôm rả tiếng nói cười... Dường như đã lâu lắm rồi những hình ảnh này mới rộn ràng trở lại.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho biết, sau 13 năm trở thành vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cơ cấu kinh tế xã đảo đã có sự chuyển dịch ngoạn mục. Tính đến năm 2019, du lịch, dịch vụ, thương mại là một trong những nhóm ngành giữ vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương, đóng góp 70% vào sinh kế người dân.
Tuy vậy, quá trình phát triển du lịch Cù Lao Chàm vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa mang tính bền vững, chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan cũng như sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
“Chương trình tour hiện nay chủ yếu thời gian ngắn, đi về trong ngày, do đó thời gian du khách tiếp cận với cộng đồng và các giá trị văn hóa lịch sử, tri thức bản địa rất ít. Chưa kể, các điểm đến du lịch hiện mới chỉ tiếp cận ở hợp phần biển, trong khi Tân Hiệp còn có tài nguyên rừng, làng nghề truyền thống, các điểm văn hóa lịch sử..., hầu như không có du khách” - bà Hương nói.
Đặc biệt, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của du khách hiện mới dừng ở mức hưởng thụ, chưa tính đến các giá trị gia tăng, giá trị nghệ thuật. Một số tài nguyên như cua đá, tôm hùm, lá rừng, rau rừng bước đầu tạo thu nhập khá cho cộng đồng, nhưng có nguy cơ tiêu thụ bất hợp pháp, khi hoạt động quản lý chưa toàn diện.
Việc quảng bá du lịch còn mang tính đơn lẻ, chưa liên kết, phối hợp với công ty du lịch để thống nhất chiến lược từng giai đoạn và chủ đề từng năm.
“Thời gian qua địa phương đã tập trung những nhiệm vụ như giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm tham quan, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn còn những hạn chế cần sự vào cuộc, hỗ trợ của thành phố và các cấp ngành liên quan để du lịch Cù Lao Chàm phát triển toàn diện và hiệu quả” - bà Hương nói thêm.
Xây dựng sản phẩm cao cấp
Mới đây, một hội thảo về nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Cù Lao Chàm diễn ra tại Tân Hiệp đã gợi mở những hướng đi mới cho du lịch nơi đây, đó là theo phân khúc cao cấp.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, cần định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững tại Cù Lao Chàm. Điều này là cần thiết, bởi nguồn tài nguyên trên đảo có hạn, nay phải đón thêm hàng nghìn du khách tạo áp lực lên hạ tầng, vệ sinh môi trường...
Thực tiễn khai thác du lịch tại Cù Lao Chàm cho thấy rõ mặt lợi và hại của du lịch đại trà (mass tourism), nhất là hệ lụy về vệ sinh môi trường, áp lực lên hệ sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của người dân địa phương.
Sản phẩm dịch vụ du lịch khai thác trên đảo còn đơn điệu, chưa đầu tư sáng tạo, thiếu các loại hình du lịch mới mang tính đặc thù thuộc phân khúc cao cấp.
Hiện tại, nguồn thu địa phương chủ yếu từ bán vé tham quan (năm 2019 thu hơn 28 tỷ đồng), tổng doanh thu mang lại cho toàn xã hội không đáng kể khi dịch vụ lưu trú, ăn uống chủ yếu dân dã, hàng lưu niệm chưa phong phú, đặc sắc...
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - thông tin TP.Hội An, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 khách du lịch ra đảo, đa số là khách nội địa (khoảng 80%).
Ông Thủy cho rằng, để phát triển sản phẩm du lịch đẳng cấp, bãi biển là nơi phù hợp để thiết lập cơ sở dịch vụ cao cấp, nhưng hiện nay các bãi biển chủ yếu khai thác dịch vụ tắm biển, thể thao trên cát. Bên cạnh biển, Cù Lao Chàm còn có tài nguyên rừng với nhiều loài động thực vật quý hiếm có thể đưa vào loại hình du lịch phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, việc định hình, tái cơ cấu sản phẩm du lịch Cù Lao Chàm sẽ được xem xét triển khai trên nhiều phương diện và theo hướng chất lượng cao nhằm đảm bảo khả năng sức chứa của đảo, giúp bảo vệ tài nguyên bền vững.
Trước mắt, phải làm cho các sản phẩm cũ đầy đủ, tốt hơn, cùng với đó là xây dựng những sản phẩm mới phù hợp, gắn với thị trường chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Ngoài ra, cũng phải điều tiết lượng khách theo hướng nâng cao chất lượng và giá cả phù hợp, đảm bảo vừa phát triển du lịch vừa bảo vệ được môi trường sinh thái.
Định hình lại không gian phát triển, khoanh vùng du lịch (hiện vướng khu vực quốc phòng an ninh, khu vực bảo tồn). Sàng lọc lại loại hình dịch vụ lưu trú, ăn uống, khuyến khích loại hình homestay đúng chuẩn để khách trải nghiệm trọn vẹn nhất văn hóa bản địa...