Bảo vệ trẻ trên không gian mạng
Trong thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh, việc bảo vệ trẻ em trước những hình ảnh, thông tin độc hại và tránh xa các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ là vấn đề cấp bách, được các ngành chức năng, nhà trường, phụ huynh quan tâm.
Từ nhỏ, để “dụ” con ăn và ngồi chơi tại chỗ, chị Lê Thu M. - ở xã Bình Giang (Thăng Bình) thường cho con xem các video vui nhộn trên điện thoại. Dần dần, việc dùng điện thoại truy cập các mạng xã hội như Youtobe, Facebook, Tiktok trở thành thói quen của các con chị M.
Tuy nhiên, ngoài các loại phim hoạt hình, đập vào mắt các con chị M. là các nội dung, hình ảnh, quảng cáo không phù hợp đối với nhận thức, suy nghĩ trẻ em, nhất là các video ẩu đả, phản cảm,…
Nhận thức mối nguy này, thời gian gần đây, chị M. bắt đầu nghiêm khắc hơn trong việc cho con sử dụng điện thoại truy cập internet. Ngoại trừ thời gian con học trực tuyến, chị M. theo dõi, giám sát nội dung con truy cập để kịp thời điều chỉnh.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, công nghệ thông tin phát triển giúp trẻ có môi trường học tập, tìm hiểu kiến thức, nâng cao năng lực. Tuy nhiên, sự xuất hiện tràn lan của các nội dung, video nhảm nhí, bạo lực và website độc hại đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức, kích thích sự tò mò của trẻ.
Thậm chí trẻ sử dụng mạng xã hội có thể vướng vào các bình luận miệt thị, ác ý, đả kích của cư dân mạng; một số kẻ xấu tiếp cận và gạ gẫm trẻ tham gia các hành vi đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, video nhạy cảm.
“Thời gian qua, chúng tôi tổ chức nhiều lớp tập huấn về xâm hại trẻ trên không gian mạng. Tại đây, trẻ tương tác, trao đổi tích cực và đặt ra rất nhiều câu hỏi cho chúng tôi về việc sử dụng internet, tham gia mạng xã hội. Điều này cho thấy, không gian mạng thu hút sự quan tâm, tò mò của trẻ.
Do đó, các bậc phụ huynh, nhà trường cần quan tâm, định hướng để trẻ sử dụng internet vào các hoạt động có ích, thiết thực; theo dõi, quản lý và hướng dẫn các kỹ năng để trẻ tương tác lành mạnh trên môi trường mạng; cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, không phù hợp với trẻ em” - bà Ngọc cho biết.
Cũng theo bà Ngọc, thêm một tình trạng trẻ bị xâm hại trên không gian mạng đáng báo động là việc các bậc phụ huynh đăng tải rộng rãi hình ảnh con trên mạng xã hội. Lý do các phụ huynh đưa ra, việc đăng hình ảnh chỉ để “khoe” con với mọi người.
Tuy nhiên, chính hành vi này lại đang vi phạm Điều 6, Luật Trẻ em 2016 về “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Theo quy định, đối với trẻ đủ 7 tuổi trở lên, phụ huynh muốn đăng tải hình ảnh con mình lên mạng xã hội thì cần có sự đồng ý của trẻ.
“Dù công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi nhưng nhiều phụ huynh không ý thức được những mối nguy hại, vô tư đăng tải hình ảnh con trẻ tràn lan lên mạng xã hội, thậm chí có hình ảnh, video trẻ đang trần truồng. Đây là cơ hội để có nhiều đối tượng xấu phát sinh suy nghĩ, hành động xâm hại đến trẻ” - bà Ngọc nói.
Thời gian qua, đối với vấn đề bảo vệ trẻ trên không gian mạng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 830 năm 2021 về triển khai Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025; Công điện số 398 ngày 2.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện việc rà soát cập nhật cơ sở dữ liệu về trẻ em trên phần mềm quản lý.
Tuy nhiên, để quy định pháp luật và các quyết định, văn bản hướng dẫn trên đi vào thực tiễn và phát huy tính hiệu quả, các ngành chức năng cần vào cuộc, triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức của phụ huynh và trẻ em; tạo môi trường mạng an toàn để trẻ học tập, phát triển toàn diện.