Thợ "chữa bệnh" tàu biển

XUÂN HIỀN 16/06/2022 06:42

(VHQN) - Họ nói bây giờ đang là mùa của nghề. Những nhát búa rắn rỏi giáng xuống, dưới nắng trưa gắt gỏng, tôi lại hình dung về những đôi mắt thợ thuyền đang lấp lánh vui...

Thợ sửa tàu biển Lê Văn Vinh. Ảnh: X.H
Thợ sửa tàu biển Lê Văn Vinh. Ảnh: X.H

Gần như mặc định, khu vực Trường Đà (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên) là nơi tàu thuyền sau chuyến biển về gác đà để... “khám bệnh”. Hơn chục chiếc tàu vỏ sắt, vỏ gỗ nằm cạnh, mỗi chiếc biểu hiện một “triệu chứng” khác nhau.

Góp bình an cho những con tàu

Tỉ mẩn đo từng đoạn cong, Lê Văn Vinh - người làng An Lương nói, một mình anh thì không thể nào cáng đáng hết việc “trị bệnh” cho mỗi con tàu. Thế nên mùa này, cứ về triền bến chợ An Lương, thì lại gặp từng tốp thanh niên tất bật khiêng, vác, mặt mày lấm lem.

Từ tháng 2 đến tháng 7 là thời điểm tàu cập bến liên tục, cũng là thời gian chủ tàu phải thường xuyên duy tu bảo dưỡng để có những chuyến xa khơi an toàn. 

Lê Văn Vinh là một trong những thợ sửa tàu có thâm niên ở vùng biển cánh đông của Quảng Nam. Dù chỉ mới ngoài 40 tuổi, nhưng như anh nói, có lẽ mình còn hơn mấy ông gần 60 bên phố. Phố đây là phía bên kia cầu Cửa Đại, nơi dân Hội An mấy đời nay xưng mình thành thị.

Anh Vinh nói, nghề sửa tàu cực nhọc, nắng gió, dầu mỡ lấm lem, nên không lúc nào thấy mình sạch sẽ. Là anh nói về vóc hình bên ngoài, nhưng trong từng câu chuyện anh kể bên triền đà An Lương, người nghe nhận ra niềm tin trong veo với nghề nghiệp. Anh Vinh có thể tự hào vì đã ít nhiều dự phần vào những chuyến vượt sóng gió của ngư dân, mà sự an toàn của họ, là sứ mệnh anh nhận lấy khi đến với nghề này. 

Là đời thứ 4 theo nghề sửa tàu, anh Vinh rành rẽ từng “chứng hư” của mỗi con tàu. Nghề buộc người làm phải tỉ mỉ và trách nhiệm cao. Phải bền bỉ, chịu được nắng gió, và có sức khỏe tốt.

Anh cho biết, công đoạn tháo và đóng chốt tốn hao sức lực nhất. Một nhóm thợ phụ bước đến khiêng một đoạn cong mà anh Vinh vừa cắt áp vào thân chiếc ghe biển đã thành hình. Đặt đúng vào vị trí đã kẻ mực, người thợ phụ khác cầm máy khoan, ấn nút xuyên thấu những đoạn cong.

Ông Nguyễn Văn Chỉ từ thợ xảm chuyển qua thợ đụng, dù vẫn sửa tàu biển. Ảnh: X.H
Ông Nguyễn Văn Chỉ từ thợ xảm chuyển qua thợ đụng, dù vẫn sửa tàu biển. Ảnh: X.H

Chúng được cố định với nhau bằng những thanh cùi song sắt vững chắc. Con tàu mà anh Vinh đang sửa, phải thay mới toàn bộ dây cong và một phần ván be. Chiếc tàu được chủ phát hiện bục nước, gãy cong trong chuyến biển đầu năm. Nếu có đủ gỗ để thay thế, con tàu sẽ được “chữa lành” sau khoảng gần 3 tuần.

Anh Vinh có một tốp thợ chừng 10 người. Cũng là những anh em trong làng. Công đoạn mà anh nhận là làm mộc. Phần việc khó nhất để sửa chữa một chiếc tàu vỏ gỗ là phải tháo hết lớp vỏ gỗ cũ để thay bằng lớp mới.

Với những chiếc tàu vỏ thép, composite, những người thợ sửa tàu biển như anh Vinh phải trang bị thêm những máy móc cũng như kỹ thuật thiên về cơ khí nhiều hơn. Nhưng như anh nói, không phải ngư dân nào cũng đủ tiền để đóng tàu vỏ thép. Nên thợ làm mộc như anh vẫn có việc hằng ngày.

Kiên trì giữ nghề

Nhắc đến nghề truyền thống ở làng biển, nếu không kể tên nghề đóng sửa tàu thuyền, hẳn sẽ là một thiếu sót lớn. Khi những chiếc tàu thành hình, thì cũng đồng thời những người thợ đóng tàu mới trước đó thôi, sẽ bắt tay làm thợ sửa tàu.

Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, địa phương không phải là nơi có làng đóng tàu truyền thống, nhưng lại là chốn có nhiều tốp thợ hành nghề sửa tàu biển.

Chỉ riêng khu vực Trường Đà tại An Lương, xưởng sửa tàu của ông Lê Văn Lưu đã có đến mấy chục lao động luân phiên. Tại đây, các hệ thống đường ray lăn chất đầy những con tàu cần sửa chữa. Những người thợ quần quật với các công đoạn róc vỏ tàu, đóng ca bin, gắn chân vịt, chỉnh sửa mũi tàu...

Triền đà An Lương vẫn rộn ràng tiếng máy móc sửa tàu. Ảnh: X.H
Triền đà An Lương vẫn rộn ràng tiếng máy móc sửa tàu. Ảnh: X.H

Ông Nguyễn Văn Chỉ nay đã ngoài 60, trước hành nghề xảm tàu, nhưng bây giờ thì chuyển qua làm thợ “đụng” - nghĩa là ai kêu đâu thì làm đó.

“Giờ chủ tàu chuyển qua dán keo nên nghề làm xảm cũng không còn. Nhưng 20 năm làm nghề sửa chữa này thì tàu hư chỗ nào mình sửa chỗ đó thôi” - ông Chỉ nói.

Một đội thợ xảm của An Lương từ vài năm trước với số lượng chừng 20 người đổ lại, bây giờ đã ngưng hẳn. Có người tuổi cao, người mất, nhưng phần lớn chuyển việc sang làm cơ khí.

Ông Chỉ nói, lai lịch nghề sửa tàu, nhất là những người làm mộc, phần lớn là học từ đội thợ mộc của làng Kim Bồng (Hội An). Từ Cẩm Kim đến Duy Vinh đều có những người thợ hành nghề sửa tàu. Họ chính là “thầy” truyền dạy ngón nghề cho lớp người ở Duy Hải, Duy Nghĩa. 

Trong mạch chuyện về “bắt bệnh” cho những con tàu, chúng tôi được nghe nhiều giai thoại của các làng đóng tàu xứ Quảng. Đội thợ vùng đông vẫn dõi theo đồng nghiệp mình ở cánh nam, nơi làng đóng tàu Tân Phú (Tam Phú, TP.Tam Kỳ) ngót nghét trăm tuổi vẫn đang cố vẫy vùng để giữ lại danh tiếng cho mình.

Ngay lúc bắt đầu cuộc trò chuyện với đội thợ ở An Lương, tôi hình dung những đôi mắt lấp lánh như nắng soi trên sóng nước nơi kề giang cận hải. Bởi chẳng có bấp bênh và gian khổ nào trần ai như nghề biển. Khi những cuộc đất vùng đông sôi sục và được định giá hàng tỷ đồng, cũng đã nhiều ngư dân bỏ biển.

Khi những con tàu vỏ thép 67 rơi vào nốt trầm, nhiều ngư dân cũng đã thôi cuộc sóng nước lênh đênh. Ý chí biển khơi của người Việt trên biển còn đó, nhưng ngư dân không còn đủ sức gượng dậy sau những thất bại liên hồi. Nghề biển oằn mình từ dưới nước lên tận bãi bờ.

Nên những triền đà vẫn đông đúc tàu nằm chờ sửa như An Lương này, với họ là hạnh phúc. Họ vẫn giữ nghề vượt qua dặm dài lận đận mà cha ông họ từng trải qua. Dù những chuyến tàu xa khơi sẽ từng ngày vơi, nhưng ở khắp triền đà vẫn còn nguyên mũi đục, nét bào, còn bụi bay khắp một vùng sóng nước thì còn đó những người thợ kiên trì giữ nghề. Bởi giữ cho những con tàu an toàn xa khơi, còn là để giữ vùng biển trời quê hương...

XUÂN HIỀN