Triển khai biện pháp phòng cháy chữa cháy: Không thể "khoán trắng" cho lực lượng chuyên trách

THÀNH CÔNG - NHẬT HOÀNG 15/06/2022 05:56

Rất nhiều kết quả đạt được sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 83 ngày 18.7.2017 của Chính phủ (Nghị định 83) và 1 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Từ thực tiễn, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu thắt chặt hơn biện pháp quản lý, tính toán các giải pháp toàn diện, tăng cường khả năng phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ và các sự cố phải triển khai nhiệm vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thường xuyên kiểm tra, củng cố hệ thống trang thiết bị phục vụ chữa cháy trong khu vực phố cổ Hội An. Ảnh: T.C
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thường xuyên kiểm tra, củng cố hệ thống trang thiết bị phục vụ chữa cháy trong khu vực phố cổ Hội An. Ảnh: T.C

Lấy phòng ngừa làm chính

Là địa phương trọng điểm phức tạp về cháy nổ, TP.Hội An có đến hơn 5.900 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, nhiều khu dân cư được xếp vào diện “nguy hiểm” về cháy nổ do có nhiều nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Năm 2021, TP.Hội An xảy ra 3 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng, cùng với 7 sự cố cháy nhỏ khác được khắc phục tại chỗ. 6 tháng đầu năm 2022, Hội An xảy ra 2 vụ cháy, tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân được xác định do chập thiết bị điện.

Đại tá Đinh Xuân Nghĩ - Trưởng Công an TP.Hội An thông tin, để triển khai hiệu quả Nghị định 83 và đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC, địa phương đã tập trung triển khai rộng khắp trên toàn địa bàn.

“Qua rà soát, chúng tôi đã kịp thời đánh giá lại điều kiện PCCC, trang bị phương tiện, hướng dẫn kỹ năng cho đội PCCC cơ sở, tăng cường khả năng phòng ngừa lẫn ứng phó sự cố. Tuy nhiên, tại một số nơi, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chưa được chú trọng đúng mức, kiến thức kỹ năng của lực lượng tại chỗ và nhân dân hạn chế.

Từ thực tiễn đó, việc tuyên truyền, lấy phòng ngừa làm chính được chú trọng mạnh mẽ hơn. Công an TP.Hội An phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm tra, tu bổ hệ thống PCCC, hệ thống nước phục vụ chữa cháy, củng cố các mô hình khu dân cư an toàn PCCC, tiếng loa PCCC gắn với tiếng loa an ninh” - Đại tá Đinh Xuân Nghĩ nói.

Trong bối cảnh nguy cơ cháy nổ còn diễn biến phức tạp, nhiều giải pháp nâng cao năng lực ứng phó, xử lý sự cố cháy nổ được đặt ra để đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Ảnh: T.C
Trong bối cảnh nguy cơ cháy nổ còn diễn biến phức tạp, nhiều giải pháp nâng cao năng lực ứng phó, xử lý sự cố cháy nổ được đặt ra để đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Ảnh: T.C

Tại huyện vùng cao Nam Trà My, nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, công tác cứu nạn cứu hộ được đề cập nhiều hơn trong bối cảnh địa phương này liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất quy mô lớn, làm chết nhiều người.

Với đặc thù phân bố dân cư ở miền núi, huyện Nam Trà My đã tăng cường tuyên truyền trực tiếp, củng cố hoạt động các lực lượng cứu nạn cứu hộ tại chỗ, lồng ghép việc nhắc nhở, nâng cao nhận thức của người dân trong các hoạt động chung mang tính cộng đồng. Hạn chế hiện nay là một số nơi người đứng đầu cấp xã, cấp thôn và nhiều người dân còn lơ là, chưa thực sự chú trọng về cứu nạn cứu hộ lẫn PCCC.

Tập quán sinh hoạt của người vùng cao, trong đó bếp lửa ở giữa nhà, trần nhà thấp, trữ củi là vật liệu dễ cháy cũng là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cháy nhà gây thiệt hại nặng, trong khi trang bị phòng cháy, cứu nạn cứu hộ khá thiếu thốn, sơ sài. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp củng cố năng lực tại chỗ, đầu tư trang thiết bị, tập huấn kỹ năng cho lực lượng chuyên trách nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ (CNCH), PCCC và nhân dân cần được quan tâm, đầu tư.

Phải quan tâm đúng mức

Theo Thượng tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh, những vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng về người và của xảy ra trên cả nước thời gian qua cho thấy từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế, lực lượng tại chỗ chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ và PCCC.

“Đáng lo ngại là tình hình cháy nổ ở cơ quan, xí nghiệp liên quan lĩnh vực may mặc, da giày có dấu hiệu tăng, nhiều vụ cháy để lại hậu quả lớn. Thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng PCCC&CNCH của công an với quân sự, các đơn vị doanh nghiệp để hình thành lực lượng PCCC chuyên nghiệp, phối hợp tốt hơn trong ứng phó các sự cố.

Trong công tác quản lý quy hoạch, phải đặc biệt quan tâm đến các yêu cầu về PCCC, bố trí lối thoát hiểm, hạ tầng phục vụ khi có sự cố cần CNCH hoặc chữa cháy. Các đơn vị, địa phương cần chủ động đề xuất với Công an tỉnh nếu có nhu cầu tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho lực lượng tại chỗ” - Thượng tá Hồ Song Ân nói.

Đánh giá cao những nỗ lực qua 5 năm thực hiện Nghị định 83 và cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không thể “khoán trắng” cho lực lượng PCCC&CNCH của công an.

Phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ, có hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể về Nghị định 83 cũng như duy trì đợt cao điểm. Duy trì thường xuyên, liên tục nhưng phải đổi mới, tạo sự thu hút, tăng khả năng tiếp thu đối với đối tượng tuyên truyền, để hiệu quả phổ biến pháp luật, phổ biến chính sách đi vào thực tế, lấy phòng ngừa là chính, nhận thức đi trước hành động, phát động phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tỉnh đang phát triển nhanh, mạnh, áp lực về PCCC, CNCH cần được đánh giá đúng, nhận diện chính xác, quan tâm sâu hơn ở khu công nghiệp, chợ, trường học, các cơ sở là nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Trong đó lưu ý quản lý PCCC&CNCH ở các sự kiện lớn trong Năm du lịch quốc gia, các sự kiện tập trung đông người phù hợp điều kiện, thiết kế, đặc thù của từng sự kiện, từng ngành, từng địa bàn...

THÀNH CÔNG - NHẬT HOÀNG