Tiếp cận giảm nghèo đa chiều

DIỄM LỆ 15/06/2022 05:37

Tiếp cận với các tiêu chí giảm nghèo đa chiều trong giai đoạn mới được kỳ vọng giúp cho công cuộc giảm nghèo khu vực miền núi bền vững hơn.

Đời sống của người dân miền núi trong tỉnh còn thiếu quá nhiều tiêu chí mà chưa thể thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L
Đời sống của người dân miền núi trong tỉnh còn thiếu quá nhiều tiêu chí mà chưa thể thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Mong manh dễ... rớt

Đưa tôi đến gia đình một hộ đã thoát nghèo năm 2018, nhưng sau đó tái nghèo khi áp dụng tiêu chí đa chiều, ông Nguyễn Văn Nhích - Trưởng thôn ĐhaMi (xã Ba, Đông Giang) nói: “Khi áp dụng chuẩn nghèo mới với tiêu chí thu nhập tăng gấp đôi, các tiêu chí đa chiều khác cũng tăng, khiến hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo rớt lại vào hộ nghèo của thôn nhiều lắm.

Như hộ mình đang đến thăm, khi áp các tiêu chí đa chiều thì thiếu về thu nhập, do đông con nên chia đầu người không đáp ứng; không có hố xí hợp vệ sinh, nước tự chảy cũng chưa đảm bảo; con cái thì thấp bé nhẹ cân. Đây cũng là thực trạng chung ở trong thôn, giữa nghèo và không nghèo còn chông chênh quá!”.

Gia đình bà Đinh Thị Nhới tái nghèo khi áp dụng tiêu chí đa chiều giai đoạn mới. Ảnh: D.L
Gia đình bà Đinh Thị Nhới tái nghèo khi áp dụng tiêu chí đa chiều giai đoạn mới. Ảnh: D.L

Trường hợp ông Nhích nói đến là gia đình ông Đinh Văn Nghĩa và bà Đinh Thị Nhới. Hai vợ chồng đều có sức lao động bởi chỉ mới 38 tuổi, nhưng có đến 4 đứa con. Cháu lớn nhất được 14 tuổi, 3 cháu còn lại đều còn nhỏ. Theo lời bà Nhới, gia đình bà thoát nghèo năm 2018, nhưng năm 2021 tái nghèo.

Bà Nhới nói: “Sau khi hết nghèo thì lại có thêm con, chồng lại bị bệnh thoái hóa cột sống nên đi làm ít hơn. Hai vợ chồng đi làm thuê chủ yếu, có vay tiền để trồng keo chung với người ta. Cuối năm vừa rồi, cán bộ thôn, xã xuống đánh giá, ghi phiếu thì con tôi thiếu cân, thấp bé, nhà thiếu đủ thứ, cán bộ nói lại rớt vô hộ nghèo”.

Nghèo không chỉ ở thu nhập

Nghèo hiện nay không chỉ về vấn đề thu nhập, mà còn ở những tiêu chí có thể nhìn thấy như việc người dân tham gia giáo dục, bảo hiểm y tế, nhà ở đủ diện tích tiêu chuẩn, sử dụng nước sạch, dinh dưỡng...

Ở nhiều huyện miền núi của tỉnh, tiêu chí dễ dàng nhìn thấy nhất và khiến hộ dân dễ rơi vào hộ nghèo nhất chính là việc sử dụng nước hợp vệ sinh, trẻ em nhẹ cân, thấp bé, suy dinh dưỡng, hay tình trạng chưa có hố xí hợp vệ sinh vẫn đang phủ khắp.

Khi áp tiêu chí đa chiều cao hơn vào đánh giá hộ nghèo thì hàng nghìn hộ dân lại rơi vào hộ nghèo. Ảnh: D.L
Khi áp tiêu chí đa chiều cao hơn vào đánh giá hộ nghèo thì hàng nghìn hộ dân lại rơi vào hộ nghèo. Ảnh: D.L

Giai đoạn 2022 - 2025, chuẩn nghèo về thu nhập tăng gấp 2 lần, đối với khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị tăng từ 900 nghìn đồng/người/tháng lên 2 triệu đồng/người/tháng; tăng thêm 1 dịch vụ và 2 chỉ số đo lường (tăng từ 5 dịch vụ xã hội cơ bản/10 chỉ số đo lường lên 6 dịch vụ xã hội cơ bản/12 chỉ số đo lường).

Khi áp các tiêu chí đánh giá đa chiều này vào hộ dân ở khu vực miền núi của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo tăng vọt là điều dễ hiểu. Tổng số 33.127 hộ nghèo, tỷ lệ 7,59% (tăng 10.759 hộ, tương ứng tăng 2,36% so với năm 2020) là kết quả mới khi áp tiêu chí đánh giá đa chiều vào thực trạng nghèo của tỉnh.

Trước thực trạng này, câu chuyện phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, tổng lực “tấn công” giảm nghèo từ hàng loạt chính sách triển khai trong giai đoạn mới được kỳ vọng tạo tác động đa chiều, trợ lực thoát nghèo bền vững.

Vì thế mà từ đầu năm 2022 đến nay, các đợt làm việc thực tế do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn khảo sát, kiểm tra đã diễn ra, từ thực hiện Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đến xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...

Trong các cuộc kiểm tra, làm việc với địa phương miền núi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đều nhấn mạnh: “Tất cả chương trình, nghị quyết từ Trung ương đến tỉnh hiện nay đều ưu tiên đầu tư khu vực miền núi.

Tổng lực từ các chính sách không gì khác ngoài mục tiêu tác động nhằm thay đổi diện mạo miền núi, thay đổi ý thức người dân, tạo nguồn lực tổng thể cho sự phát triển. Sự phát triển đó không gì khác là giúp người dân làm ăn, giảm nghèo bền vững.

Bền vững chính là ở việc dù giai đoạn mới có áp dụng các tiêu chí đánh giá đa chiều cao hơn nữa thì hộ đã thoát nghèo cũng không rơi vào hộ nghèo, không đứng ở lằn ranh mong manh giữa nghèo và hết nghèo nữa, mà phải vượt lên trên cái nghèo ở mức cao hơn. Từ đó sẽ nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là ở khu vực miền núi còn nhiều khó khăn sẽ có sự thay đổi vượt bậc hơn”.

DIỄM LỆ