Lên nóc tàu ngắm điểm đảo Hoàng Sa
(VHQN) - “Sao giờ vẫn chưa thấy đảo? Chắc lạc rồi anh em ơi!”. Đó là những câu nói thảng thốt của ngư dân Hoàng Sa một thời. Từ năm 1997, một số tàu đánh cá đã bắt đầu biết đến máy định vị nên không còn phải mò mẫm để ra Hoàng Sa, nhưng thói quen mà nhiều ngư dân không bỏ được là lên nóc tàu để ngóng đảo.
Tìm hai trụ
“Đi thẳng một mạch ra, theo kim la bàn 90 độ, trừ đi hướng nước chảy, đi hết 2 ngày 2 đêm thì sẽ thấy 2 trụ cao nổi lên trên mặt biển, đó là đảo Hoàng Sa” - những ngư dân da đen nhẻm ở làng chài Tam Quang (huyện Núi Thành) hay nhắc đi nhắc lại những câu nói này trong các cuộc nhậu trên boong tàu.
Biển mênh mông, thuyền thì bé nhỏ, ngư dân tiến ra Hoàng Sa mà trên tàu không có thiết bị dẫn đường nên họ chia sẻ kinh nghiệm qua những câu chuyện trong bữa rượu. Cái “trụ cao” mà các ngư dân thường nhắc đến, thực chất là hòn đảo nào ở quần đảo Hoàng Sa?
Hai trụ mà ngư dân nhắc đến là đảo Quang Ảnh, nằm rìa ngoài của cụm Nguyệt Thiềm, quần đảo Hoàng Sa, nơi từng xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19.1.1974 giữa Hải quân chính quyền Sài Gòn và Hải quân Trung Quốc, sau đó toàn bộ quần đảo này rơi vào tay ngoại bang.
Thời trước, mỗi khi tàu rời cửa biển Kỳ Hà ra khơi và hành trình đến ngày thứ 2, ngư dân bắt đầu trèo hết lên nóc ca bin, là vị trí cao nhất để dõi tìm bóng đảo. Người ta nói trái đất tròn, ra biển thì mới biết vì sao lại hình dung như vậy.
Nếu đi đúng điểm đảo, ở khoảng cách vài chục hải lý đã thấy 2 chấm trắng là đỉnh trụ, sau đó thấy cây trụ nhô lên dần, mới thấy đảo. Hòn đảo như từ dưới mặt biển mọc lên chầm chậm khi tàu tiến đến gần. Khi bình minh, mặt trời từ biển nhô lên; lúc hoàng hôn, mặt trời đi rất nhanh xuống mặt biển.
Ở một số làng chài người ta gọi ngư dân đứng trên nóc tàu thuyền để tìm trụ, tìm bóng đảo là “đứng mông”. Nghĩa là lên nóc ghe, tàu không ngồi mà đứng chổng mông, mắt dõi về phía trước.
Tàu nào có cột cờ vững chãi thì ngư dân đu cả lên cột để nhìn được xa hơn. Khi trèo lên trụ cờ có nghĩa là ngư dân đã quá nóng ruột, bởi có thể đi quá thời gian vẫn không thấy đảo. Đi riết nữa tới tối là trèo đảo như chơi!
Trèo đảo là nỗi sợ của dân chài ra Hoàng Sa. Khi xuất phát, ngư dân chạy tàu về hướng đông bắc của đảo Lý Sơn để làm đích, sau đó canh kim la bàn 90 độ chạy ra để “bắt” điểm đảo Hoàng Sa. Nhưng quá thời gian mà không thấy đảo thì lo sợ, vì có thể tàu sẽ “chạm” đảo vào ban đêm, đâm sầm vô bãi ngầm.
Vượt sóng gió
Năm 1987, khi đất nước vừa mới bước vào giai đoạn đổi mới. Đổi mới đối với ngư dân lúc đó là thôi không còn phải sung tàu, lưới vào hợp tác xã, biến của tư thành của công.
Ấp ủ cơ hội làm ăn đã lâu, ngư dân Nguyễn Biểu ở thôn Sâm Linh Tây (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) sắm chiếc ghe để ra Hoàng Sa. Gọi là ghe vì chiều dài của phương tiện này chỉ gần 10m (tàu hiện nay có thể dài gấp đôi).
Ra Hoàng Sa quá nguy hiểm với chiếc thuyền nhỏ. Nhưng con mực khô lúc đó đã cuốn hút dân chài, vì mỗi chuyến ra khơi trở về có thể kiếm được 3 - 4 chỉ vàng, tương đương nông dân thời đó nuôi 5 - 6 con heo trong vòng 4 – 5 tháng.
Thế hệ của ông Biểu đều rành “câu hò định vị”. Bài thơ vài trăm câu được những người chuyên lái ghe bầu chở hàng dọc biển thuộc làu: “Ngó vô Cửa Đại thương ôi/Hòn Nồm nằm dưới mồ côi một mình… Thái Cần, Châu Ổ bao xa? Phía trong cây quýt mà ngoài đà tổng binh…”.
Những địa danh trong câu hò nhắc nhở rằng khi chạy thuyền dọc bờ, phải luôn quan sát các vật thể trên đất liền thì ứng với vùng biển mà con thuyền đi qua. Nhưng ra Hoàng Sa thì “không biết dựa vào chi mô”.
Đảo Quang Ảnh được ngư dân gọi là đảo Hai Trụ. Có một hòn đảo xa nhất trong cụm đảo là Đá Bông Bay. Tháng 5 năm 1991 là chuyến đi cuối cùng của thuyền trưởng Nguyễn Biểu. Chiếc thuyền công suất chỉ 12 mã lực (hiện nay phổ biến là 550 đến 820 mã lực), vượt sóng hướng về đảo Lý Sơn, đi xéo về đảo Hai Trụ, đi tiếp một đêm nữa tới Đá Bông Bay.
Ra đảo câu mực chưa được bao lâu thì gặp một cơn lốc. Ông Biểu bị văng xuống biển mất tích. Chiếc thuyền trôi về tận đảo Hải Nam, Trung Quốc. Mãi 29 ngày sau các ngư dân trên thuyền này mới trở về.
Người thân ở quê không ai dám mở cửa vì đã 29 ngày trôi qua, ai cũng ngỡ tất cả đã ra ma, hiện hồn về gõ cửa. Nhóm ngư dân đành phải mua một dây pháo treo giữa xóm đốt vang trời. Lúc đó cả thôn Sâm Linh Tây thức giấc, người ta dẹp bàn thờ, chỉ để lại 1 cái thờ cúng vị thuyền trưởng.
Ba mươi mốt năm sau, hai người con trai và cháu nội của ông Biểu vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa, tới đảo Đá Bông Bay. Tàu có thiết bị định vị nên không còn phải chạy cắt góc tới từng hòn đảo để lấy điểm. Ra Hoàng Sa chưa đánh cá ngay, con cháu ông Biểu phải cúng tế, gọi linh hồn ông giữa sóng gió!