Cầu "Drina" của tôi
Nhìn quanh mọi nẻo, nhận ra phần lớn các thị trấn đều có ít nhất một dòng sông, một cây cầu. Thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) quê tôi cũng không ngoại lệ - cầu Ái Nghĩa bắc qua sông Vu Gia nối hai bờ đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, nhiều lần thay hình đổi dạng nhưng vẫn tọa mố trên bến xưa.
Đã quá nửa đời người, cây cầu quen thuộc mang theo diện mạo mới của quê xứ nhưng mỗi lần đi qua nơi đây đều mang đến niềm vui nho nhỏ, một hạnh phúc trở về trong tỉnh táo và già nua.
Bỗng dưng bao cồn cào quẫy đạp từ hoài niệm nhưng lại đạt đến thăng bằng của lý tính và xúc cảm khi tôi hiểu rằng trong mỗi một thoáng quê hương đều có màu trắng của tuổi thơ, màu xanh của sông nước cỏ cây, màu đỏ của xương máu tiền nhân...
Còn trong ký ức
Ngày còn đi học, chúng tôi hay gọi cầu Ái Nghĩa bắc qua sông Vu Gia là “Chiếc cầu trên sông Drina” - lấy theo tên một tác phẩm lớn của nhà văn Nam Tư - Ivo Andric, người đoạt Nobel Văn chương 1961.
Truyện viết về một chiếc cầu nổi tiếng, kiến trúc đẹp xây trên sông Drina ở Vichégrad, Nam Tư. Mọi biến cố ở hai miền đất bên sông Drina đều được tác giả chứng kiến và ghi lại: nạn lụt, loạn lạc, bệnh dịch, chiến tranh, mưu sinh, những cuộc tình, những cái chết…
Cầu Ái Nghĩa ở thị trấn miền quê tôi tuy không nổi tiếng, đẹp mắt và lâu đời như cầu sông Drina nhưng nó cũng gắn bó với người dân và chứng kiến những sự kiện tương tự như thế.
Một sự liên hệ như vậy tuy hơi khiên cưỡng nhưng vì tình yêu quê xứ, cũng xem là được chứ sao; “bởi vận mạng cư dân thị trấn và vận mạng chiếc cầu dính liền chặt chẽ với nhau đến nỗi người ta không thể nào nghĩ rời ra được” (Chiếc cầu trên sông Drina - Ivo Andric).
Chiếc cầu “Drina” của quê tôi thuở xa xưa có thù hình khô khốc nhà binh với mấy nhịp sắt đơn điệu, không lan can, vắt ngang qua sông Vu Gia trên độ cao đủ để ngợp người yếu vía.
Dù trong chiến tranh cầu mấy lần gãy nhịp do bom đạn nhưng vẫn nối lại được đôi bờ dẫn về những làng mạc xác xơ hoang vắng vì người dân đã đi khỏi vùng chiến sự. Trên cây cầu lúc đó hằn lưu nhiều dấu vết chiến cuộc như các vệt đạn cứa trên thanh dầm cong; hai đầu cầu lúc ấy quán xá lụp xụp, vắng khách lúc đêm về...
Nơi này từng diễn ra những trận công đồn Ái Nghĩa của bộ đội cùng những câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ. Vậy nên với chúng tôi, nó vẫn mang trong mình những trang bi hùng của cuốn “chronique” (biên niên sử) - “Tất cả đen tối đều phải đi qua cây cầu. Cả ánh sáng cũng đi qua” (Chiếc cầu trên sông Drina).
Nối miền xúc cảm
Hết chiến tranh, cây cầu được làm lại trông bề thế hơn, vì nó là bộ mặt mới của thị trấn - cây cầu nối những bờ vui. Có lẽ những kỷ niệm thời trai trẻ của chúng tôi với cây cầu miền quê được ghi dấu từ thời gian này.
Nhớ lại ngày nào đó đẹp trời xa lắc xa lơ, cũng có thể là một ngày mưa bay nhàn nhạt trời chuyển gió mùa, hay ngày nắng hanh vàng ngạt ngào gió... thật thú vị khi được bạn bè nhã hứng rủ đi lang thang, lòng vòng quanh những đường xưa lối cũ chẳng mấy xa lạ.
Đôi khi tạt vào quán cóc quen thuộc uống ly cà phê đen nóng rồi nhâm nhi tách trà; nếu có rủng rỉnh tí tiền thì rủ nhau đến quán nhỏ đầu cầu thưởng thức đặc sản mỳ Quảng bình dân. Ăn tô mỳ mà cảm nhận sự ngon lành từ sắc màu xanh rau đỏ ớt đến vị mặn mắm chua chanh và cả âm thanh giòn tan của tiếng bánh tráng nướng vụn vỡ trong lòng bàn tay...
Cuối cùng dù có đi lên đi xuống bao vòng thì đích cuối vẫn là chiếc cầu Ái Nghĩa - “cầu trên sông Drina” của chúng tôi. Khi xưa thành cầu thấp, bằng bê tông nên có thể ngồi vắt chân trên lan can để đón gió chiều đồng nội, ngắm hoàng hôn đang lịm dần trên những hẻm núi phía tây nơi đầu nguồn con sông Vu Gia và nhìn những bãi bồi ven sông lúc “bóng chia nửa bãi” đẹp như tranh vẽ rồi đọc mấy câu thơ của Ôn Như Hầu: “Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ/ Quán thu phong đứng rũ tà huy/ Phong trần đến cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”.
Giờ đây, cầu “Drina” của chúng tôi đã được làm mới, hiện đại, mặt cầu có hai làn xe rộng thoáng, không còn chỗ để ngồi thõng chân mà ngắm núi sông hữu tình. Nước sông Vu Gia không còn màu xanh trong vắt mà chỉ thấy màu đùng đục của đất núi được cào ra từ đào rừng trên thượng nguồn, trôi về xuôi mang theo thứ phù sa dữ dằn.
Bất giác nghĩ đến những bông gòn trắng xóa màu tuyết nhiệt đới từ trên cây gòn cô đơn ở đầu cầu Ái Nghĩa ngày xưa. Bông rơi rơi nhè nhẹ xuống mặt sông tĩnh lặng hay lãng du trong khoảng không rồi vu hồi về bãi bồi nào đó mà lòng thấy bình yên vô tận.
“Những bước chân chập chững đầu tiên của tuổi thơ và những trò chơi ban đầu của tuổi trẻ đều xảy ra trên cầu” (Chiếc cầu trên sông Drina). Những cảm giác ấy bây giờ không còn nữa, có thể nó đã trôi theo con nước Vu Gia về tít tắp chốn mù khơi. Ký ức, chỉ ký ức đeo đẳng một đời người...