Tăng "tiếng nói" qua hoạt động giám sát
Hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Giám sát có trọng tâm
Hơn 6 năm qua (2014 - 2021), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh triển khai chương trình phối hợp đạt kết quả tích cực.
Từ năm 2014 - 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì 8 đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở. Hoạt động giám sát đã lựa chọn những vụ việc cụ thể, phức tạp, kéo dài, có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Qua thảo luận, góp ý, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp về giám sát tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân giai đoạn 2022 - 2027 với 7 nội dung cụ thể.
Trong đó sẽ chú trọng giám sát những vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người, tố cáo kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; những vụ việc đã có kết quả giải quyết của cơ quan có thầm quyền nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới mà công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo...
Đơn cử, năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì đã lập đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại của ông Huỳnh Lực (huyện Núi Thành).
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, qua giám sát, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Huỳnh Lực và bà Võ Thị Hoa theo Quyết định 2952 ngày 26.9.2013 của UBND tỉnh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở TN-MT, UBND huyện Núi Thành thực hiện việc rà soát, kiểm tra, xác định diện tích đất thực tế sử dụng của ông Huỳnh Lực và bà Võ Thị Hoa theo nguồn gốc và hồ sơ kê khai đăng ký để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất theo quy định.
Văn bản kiến nghị của đoàn giám sát về vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền phản hồi. Cụ thể, ngày 26.9.2017, Sở TN-MT có báo cáo số 584 về kết quả kiểm tra rà soát hồ sơ quản lý sử dụng đất của hộ ông Lực và bà Hoa; ngày 25.10.2017, UBND tỉnh có Công văn số 5822 chỉ đạo UBND huyện Núi Thành báo cáo về việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ ông Lực, bà Hoa.
Sau đó, UBND huyện Núi Thành có báo cáo về việc giải quyết vụ việc. TAND huyện Núi Thành đang thụ lý, xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hộ ông Lực, bà Hoa với bà Võ Thị Hân.
Hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân và hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở được chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan phối hợp của tỉnh. Qua 7 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết 14.586 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 12.047 vụ (82,6%).
Ban thanh tra nhân dân thực hiện giám sát, xác minh 1.902 vụ việc, phát hiện và kiến nghị 404 vụ việc sai phạm, thu hồi cho Nhà nước và nhân dân hơn 372 triệu đồng, 620m2 đất. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân góp phần hạn chế các sai phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng công trình, dự án ở cơ sở.
Vướng mắc ở cơ sở
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, mặc dù hoạt động giám sát bước đầu đạt kết quả tích cực, tuy nhiên việc thực hiện chương trình phối hợp giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong đó, việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phản ánh tình hình dư luận xã hội về khiếu nại, tố cáo, vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp còn bị động, chưa kịp thời.
Vai trò chủ động của các đơn vị phối hợp chưa được phát huy đầy đủ; nhất là việc lựa chọn đề xuất các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân còn hạn chế. Một số vụ việc đã giám sát, kiến nghị đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...
Qua hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến nay mới có 5/18 huyện ban hành chương trình phối hợp giữa Mặt trận, thanh tra, phòng tư pháp, chi hội luật gia (nơi có thành lập hội luật gia cấp huyện) về giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.
Thảo luận về chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2027, ông Phan Khắc Chưởng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có 15/18 huyện có hội luật gia, là điều kiện để phát huy công tác phối hợp về giám sát khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện.
“Việc tổ chức phối hợp ở tỉnh tương đối toàn diện, huy động được nhiều lực lượng tham gia, nhưng ở huyện còn nhiều vấn đề vướng mắc. Trong đó, việc chủ trì phối hợp thực hiện nhiệm vụ này ở cấp huyện nhiều nơi chưa rõ.
Do vậy cần thiết phải củng cố, phát huy công tác phối hợp giữa các cơ quan ở cấp huyện. Đồng thời cần tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên giữa các cấp, các cơ quan nhằm nắm bắt kịp thời vụ việc để giám sát; vừa hỗ trợ cấp dưới vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân” - ông Chưởng kiến nghị.
Góp ý về chương trình phối hợp, đại diện Thanh tra TP.Tam Kỳ cho rằng, việc triển khai chương trình phối hợp giám sát ở mỗi cấp là rất tốt, góp phần để tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đảm bảo quy định pháp luật. Tuy nhiên vấn đề trăn trở là làm sao để việc giám sát của Mặt trận có “tiếng nói” mạnh mẽ hơn, nếu không sẽ rơi vào hình thức, không hiệu quả, tốn kém thời gian, công sức, tiền của…