Bảo hiểm xã hội ứng dụng công nghệ số
Bảo hiểm xã hội tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các sở ngành và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Giải quyết hồ sơ điện tử
Cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh cho biết, đang tiếp tục triển khai sử dụng và vận hành hiệu quả “Phần mềm quản lý văn bản và điều hành” của ngành. Toàn bộ văn bản chỉ đạo, thông tin, xử lý nghiệp vụ được số hóa và sử dụng chữ ký số (lãnh đạo BHXH tỉnh và cán bộ quản lý cấp trưởng phó phòng, giám đốc, phó giám đốc cấp huyện đã được cấp chữ ký số) để xác thực gửi tới các đơn vị trực thuộc, không gửi văn bản giấy.
BHXH tỉnh còn thực hiện trao đổi thông tin, văn bản với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh qua hệ thống văn bản của tỉnh. Tất cả cán bộ, viên chức sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi, giải quyết công việc hàng ngày. Hệ thống mạng Wan được kết nối giữa BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố để triển khai các phần mềm nghiệp vụ và trao đổi thông tin, dữ liệu hiệu quả.
Hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” trên phần mềm “Tiếp nhận và quản lý hồ sơ” để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính trong các lĩnh vực.
Thông qua Sở Thông tin và truyền thông, Cơ quan BHXH tỉnh đã thực hiện chia sẻ, trao đổi dữ liệu, văn bản của ngành với các sở ngành, UBND tỉnh trên trục tích hợp dữ liệu quốc gia NGSP.
Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, BHXH tỉnh đã triển khai Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH đến tất cả đối tượng và đơn vị sử dụng lao động, đại lý thu BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh với mục tiêu công bố dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đây là một trong những dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT.
Ngành BHXH cũng hướng dẫn, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH đối với các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam và dịch vụ công của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến nay, đã triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của ngành BHXH; đồng thời tích hợp, cung cấp 25 dịch vụ công của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bảo hiểm xã hội số
Việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký giao dịch điện tử cá nhân và cài đặt, sử dụng VssID - BHXH số cho người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN đã và đang được thực hiện hiệu quả.
Các tổ tuyên truyền, hỗ trợ đi tận cơ sở để hướng dẫn, triển khai đăng ký tài khoản, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Đến nay đã có hơn 338.200 người cài đặt, đăng ký sử dụng, hơn 316.900 hồ sơ đã được duyệt đạt 80,87% kế hoạch.
Được cài đặt phần mềm VssID, bà Nguyễn Thị Dư (ở huyện Núi Thành) đã sử dụng điện thoại để đi khám chữa bệnh mà không cần thêm bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào. Tất cả thông tin về quá trình tham gia BHYT của bà Dư được kiểm tra nhanh chóng, dễ dàng.
Bà Dư nói: “Sử dụng điện thoại đi khám chữa bệnh BHYT thật sự rất tiện lợi. Lớn tuổi như tôi, việc sử dụng cùng lúc nhiều loại giấy tờ để đi khám bệnh cũng bất tiện, nhiều lúc quên không đem đầy đủ. Bây giờ dùng điện thoại, con tôi hướng dẫn một lúc là tôi đã biết cách sử dụng”.
Dù đã có những thành quả nhất định trong ứng dụng công nghệ số, nhưng ông Danh cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả chưa cao, do khả năng tiếp cận thông tin, phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế.
Người dân vẫn có thói quen giao dịch trực tiếp với cơ quan hành chính nhà nước, do vậy tỷ lệ hồ sơ phát sinh giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp.
Ông Danh nói: “Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số cũng gặp phải những khó khăn nhất định, trước hết là do mục tiêu và nhiệm vụ cải cách hành chính rộng, phức tạp, nhiều nội dung mới, trong khi nhu cầu được phục vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp rất nhiều, tạo ra áp lực cho cơ quan BHXH.
Tỉnh Quảng Nam có nhiều huyện miền núi, địa bàn đi lại khó khăn, kết nối internet không đảm bảo, khả năng thao tác trên thiết bị di động của một số người chưa tốt, làm cho việc truy cập, đăng ký triển khai cài ứng dụng BHXH số - VssID gặp nhiều khó khăn”.