Nhạt nhòa sản phẩm du lịch văn hóa biển
(VHQN) - Trong gam màu sáng của bức tranh du lịch Quảng Nam định hình nhiều năm qua, dễ dàng nhận thấy khoảng trống nơi sản phẩm du lịch văn hóa biển.
Nhạt nhòa thương hiệu
Du lịch văn hóa là một trong những hạt nhân của du lịch Quảng Nam từ ngày đầu mở cửa nhưng dấu ấn của du lịch văn hóa biển ở địa phương lại khá nhạt nhòa. Tài nguyên “gầy dựng” cho nhóm sản phẩm này không ít, nếu không muốn nói là dồi dào bởi lớp lớp vỉa tầng văn hóa biển Quảng Nam. Các bãi biển, làng mắm, làng chài, nghệ thuật bả trạo… là những điều dễ bắt gặp ở bất kỳ miệt biển ở xứ Quảng.
Chưa có thống kê cụ thể nào về lượng khách tham quan, lưu trú ở phân khúc sản phẩm này, có thể nhận thấy không khí còn khá trầm lắng ở các điểm đến có trải nghiệm du lịch văn hóa biển như: Hà My (Điện Bàn), Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Hải (Núi Thành)…
Kể cả Cù Lao Chàm (Hội An) vốn là một điểm đến nổi tiếng với du khách, cũng chỉ mới hấp dẫn ở góc độ trải nghiệm cảnh quan, ẩm thực biển. Sản phẩm “Đêm cù lao” đã hình thành từ lâu nhưng xem ra còn lâu mới trở thành một sản phẩm “đinh” kéo khách ở lại với đảo.
Theo ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, chúng ta hay nói Quảng Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển nhưng phải nói thật ở khắp dải biển Việt Nam nơi nào cũng có tiềm năng lớn để phát triển loại hình này, thậm chí nhiều nơi đã định vị được thương hiệu. Quan trọng là việc khai thác tiềm năng đó như thế nào thì chưa có kế hoạch cụ thể.
“Nhiều điểm du lịch biển ở khu vực nam Quảng Nam sản phẩm nghèo nàn quá, hầu như không có gì. Một trong những yếu tố khách rất thích là tương tác với cộng đồng bản địa nhưng rồi cũng chưa có gì” - ông Lực chia sẻ.
Đề cập về du lịch văn hóa biển là nghĩ đến sự dân dã nhưng không kém phần tinh tế. Đã từng có những sản phẩm du lịch văn hóa biển khi ra mắt rất lôi cuốn du khách nhưng nhanh chóng rơi vào tình trạng “sớm nở chóng tàn”.
Ghé lại làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ), ở góc độ của một du khách, rất khó để chấp nhận không gian các bức bích họa bị lấn át khá nhiều bởi thương hiệu của nhà tài trợ. Các nhà đầu tư, tài trợ định hình sản phẩm du lịch là rất quý, nhưng cần hài hòa trong việc quảng bá thương hiệu với việc xâm lấn không gian, cảnh quan du lịch của du khách.
Lồng ghép chiều sâu văn hóa biển vào du lịch
Cũng lâu rồi, An Bàng (Hội An) trở thành điểm đến không thể bỏ qua về du lịch biển khi đến Quảng Nam. Lợi thế khách quan là rõ ràng, nhưng các giá trị về văn hóa biển mới là yếu tố quyết định để An Bàng trở nên cuốn hút trong mắt du khách thập phương.
Rất nhiều ngôi nhà trong làng dù đã trở thành cơ sở lưu trú đón khách nhưng vẫn giữ lại vườn tạp, giếng nước, bờ rào… như thời còn là một làng chài hoang sơ. Đến đó, du khách được “vào vai” một ngư dân thực thụ và còn tương tác ngược lại bằng việc chia sẻ vốn ngoại ngữ cho trẻ em trong làng.
Không dễ để lan tỏa những mô hình như vậy. Bởi du lịch về văn hóa nói chung và văn hóa biển nói riêng cần giữ tối đa và xây thêm những giá trị đã trường tồn cùng miền cát trắng dãi dầu nắng, gió này.
Cụ thể hơn, những người làm du lịch cần phải đi vào chiều sâu văn hóa của biển. Để khi họ kết thúc hành trình, du khách vẫn còn những câu chuyện để kể về chuyến đi này.
Những phút giây hì hục kéo rùng (một loại hình kéo lưới), câu mực hay ủ chượp nước mắm cùng ngư dân sẽ là khoảnh khắc đọng lại trong tâm thức họ chứ không chỉ là những món ăn hay các bức ảnh “check-in”.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, lâu nay chính cộng đồng bản địa thường có cách tiếp cận, suy nghĩ chưa đúng về du lịch văn hóa, du lịch làng nghề biển.
Bởi họ quan niệm sản phẩm của họ có giá trị kinh tế thấp, khó khai thác với du khách mà không nghĩ rằng các giá trị hiện hữu xung quanh họ phải mất hàng trăm năm mới có được.
“Cái hay ở nhiều vùng biển Quảng Nam là thường hội tụ cả giá trị văn hóa - lịch sử gắn với giá trị cảnh quan đặc sắc. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch. Một bộ phận du khách hiện nay có xu hướng muốn chuyến đi của mình đóng góp giá trị nhiều hơn cho cộng đồng. Đó là cơ hội cho du lịch văn hóa phát triển” - ông Thanh nói.
Đôi khi chưa cần đến những kế hoạch, nguồn lực to lớn, du lịch văn hóa biển có thể chuyển mình, cuốn hút du khách nếu biết góp nhặt những mẩu chuyện bồi lắng nơi chân sóng từ đó truyền cảm hứng, chạm được vào xúc cảm của du khách thập phương...