Nỗi khổ của ngành y tế
Từ năm 2019, việc tự chủ tài chính đã bắt đầu thực hiện ở nhiều đơn vị thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Nguồn cơn chủ trương này từ Trung ương là để giảm gánh nặng ngân sách; đơn vị trong diện tự chủ phải nỗ lực thu, trên cơ sở cải cách bộ máy, cơ chế hoạt động, nâng cao hiệu quả làm việc, sáng tạo và đổi mới toàn diện. Tiền ngân sách sẽ dùng mua sắm thiết bị, nâng cao chất lượng đi kèm dịch vụ… để phục vụ tốt hơn.
Đối với mảng y tế, ở đồng bằng xem ra việc tự chủ có dễ chịu hơn so với miền núi. Đặc thù miền núi là dân nghèo, phần lớn có bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, nên với các Trung tâm Y tế (TTYT) miền núi, tự chủ tài chính là... cục xương nuốt không nổi. Tiền lương và các khoản khác cho y bác sĩ cùng các nhân lực lao động khác tại các TTYT nằm hết trong chi phí khám chữa bệnh của dân.
Bác sĩ Zơ Râm Bê - Phó Giám đốc phụ trách TTYT huyện Tây Giang cho biết là quá khó với một địa bàn như Tây Giang, dân thì nghèo, lại phải tham gia khám chữa bệnh cho dân Lào ở vùng giáp biên. Dân còn khó khăn, lấy đâu ra tiền nhiều để khi đau mà điều trị thuốc tốt, nằm lâu.
Một lãnh đạo huyện Tây Giang nói: “Y tế dự phòng thì có ngân sách lo, chứ hệ điều trị là... nguy. Họ rất khổ. Nhiều khi thấy anh em khổ quá, huyện đành đứng ngó bởi có dám giúp đâu, TTYT thuộc Sở Y tế, tiền nào cũng ngân sách nhà nước, huyện mà chuyển vài đồng qua giúp, kiểm tra tài chính vào cuộc, là chết”.
Lương thấp. Thu không đủ chi. Bệnh nhân ít. Áp lực công việc bao vây… Tất cả đã khiến không ít người nản lòng. Có nhiều đơn vị nhiều tháng không có lương cho anh chị em. Vì thế mới có chuyện nhiều người bỏ việc.
Yêu nghề cũng đành ra đi. Số còn lại đành ráng. Ừ, ráng miết, đến khi nào đứt… dây chằng thì thôi. Chuyện này đâu chỉ có Quảng Nam, dù Quảng Nam là địa phương luôn tìm mọi cách gỡ khó cho họ, nhưng cái gì cũng vừa vừa chứ không thể vượt rào.
Chuyện này, cử tri các huyện miền núi đã lên tiếng trong các cuộc tiếp xúc với tỉnh, Trung ương. Kiến nghị đã bay đi khắp nơi, nhưng chờ gỡ thì còn lâu…
Ngành y tế sau đại dịch 2 năm qua đã xuất hiện lỗ hổng rất lớn trong công tác dự phòng, điều trị, áp lực công việc, lương. Y bác sĩ bỏ việc khắp nơi, vì lương họ quá thấp. Mọi hô hào khen ngợi biểu dương lên dây cót tinh thần đều vô nghĩa, nếu không thực sự quan tâm, nói thẳng là cơ chế tiền lương cho ngành y nói chung và vùng đặc thù không được xem xét lại.
Chừng nào chính sách còn ù ù cạc cạc với thực tế, thì lúc đó bài ca ngậm ngùi có lẽ không được người trong cuộc nghe nữa, bởi họ đã… tàng hình đi chỗ khác rồi, và hiển nhiên, chuyện chi xảy ra, thiên hạ đều tỏ tường, đau tới bệnh viện mà không có bác sĩ, thì thần chết ra tay.
Một cán bộ quản lý của ngành y chua chát nói: Ngân sách trên giao, năm này bao giờ cũng cao hơn năm trước 5 - 10%. Vậy với TTYT miền núi, mỗi năm phải có thêm 5 - 10% dân đau, may ra anh em có tiền đủ sống!