Chờ quy hoạch "nâng bước" du lịch biển
(VHQN) - Tài nguyên du lịch biển Quảng Nam rất dồi dào, nhưng chưa thể hiện được vai trò trụ cột tạo sức bật cho du lịch địa phương. Phải chăng bởi mối tương tác trong quy hoạch và phát triển du lịch biển lâu nay ít nhiều vẫn còn lấn cấn...
Du lịch biển chưa chộn rộn
Trong số các tài nguyên du lịch tự nhiên được UBND tỉnh phê duyệt, có thể tìm rất nhiều bãi biển trải dọc theo bờ biển của tỉnh như: Hà My, An Bàng, Cửa Đại, Duy Hải, Bình Minh, Hạ Thanh, Tỉnh Thủy, Tam Tiến…
Trong số này, chỉ có Cửa Đại từng là điểm hẹn vươn tầm quốc tế trong quá khứ sau đó chìm vào quên lãng bởi sạt lở và phần nào sau này có An Bàng nổi lên thay thế. Còn lại, nhiều bãi biển ở Quảng Nam vẫn tương đối lạ lẫm trong hành trình của du khách.
Ngang qua cung đường ven biển Đà Nẵng - Hội An, chợt ngậm ngùi khi Hà My Đông (Điện Dương, Điện Bàn) - một miệt cát hoang sơ ngày cũ đã tròn trèm hai chục năm vật lộn với dự án khu du lịch làng chài.
Du lịch qua mấy đận hứa hẹn vẫn ì ạch. Quy hoạch khu vực sát biển sau bao năm nhá nhem bởi nhiều hộ dân đi không được, ở không xong.
Đến nỗi, cuối năm 2021 UBND tỉnh phải yêu cầu các bên liên quan đánh giá lại tính khả thi của dự án. Liệu sẽ còn làng biển nào giẫm vào lối mòn như trên một khi công tác quy hoạch và phát triển du lịch biển vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo lãnh đạo tỉnh, việc “phủ sóng” lưu trú cao cấp ở toàn vệt 125km bờ biển địa phương sẽ khiến du lịch rất nhàm chán. Và không chỉ nhàm chán, bài học nhãn tiền về việc chật vật tìm lại lối ra biển vốn dĩ của cộng đồng cư dân bao đời vẫn còn nguyên tính thời sự.
Từng miệt cát dài hun hút gió và heo hút khách khiến không gian trở nên trầm lắng nhưng cũng gieo nhiều hy vọng về bức tranh du lịch biển Quảng Nam sẽ chộn rộn, quy củ hơn trong tương lai gần…
Quy hoạch tạo sức bật cho du lịch biển
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cho rằng: “Khu vực biển nam Hội An hội tụ đủ mọi yếu tố để trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế”.
Còn ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam từng nhiều lần bày tỏ, ở cả hai cực của tỉnh đều có cơ hội lớn để nâng tầm thương hiệu du lịch biển.
“Ở phía bắc cần phải sớm quy hoạch khu vực phát triển kinh tế đêm, các vùng biển lân cận Hội An là khu vực thuận lợi nhất. Trong khi đó ở phía nam, nếu nâng cấp được sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế và cảng Kỳ Hà được đón tàu biển du lịch tải trọng lớn thì các dự án du lịch đẳng cấp ở nam Quảng Nam sẽ có chuyển động rất mạnh mẽ”.
Cơ hội là trong tầm tay khi Hội An nằm trong nhóm các điểm đến được “thí điểm” phát triển kinh tế đêm. Theo quy hoạch, Chu Lai là sân bay quốc tế cấp 4E vào năm 2030.
Theo Sở Xây dựng, việc phát triển đô thị gắn với không gian phát triển kinh tế chưa đạt như định hướng. Dù đã có các tính toán, dự báo động lực phát triển kinh tế gắn với đô thị thông qua các khu kinh tế, cảng biển, dịch vụ, du lịch…
Ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch (Sở Xây dựng) cho hay, ở góc độ cơ quan quản lý thì rất ủng hộ doanh nghiệp muốn đầu tư du lịch cộng đồng ở dọc bờ biển và khi đó doanh nghiệp phải kết nối được giữa làng ven sông, ven biển.
Trong đầu tư du lịch biển cần nắm vững và tôn trọng giá trị bản địa. Đơn cử như ở biển Tam Kỳ, lâu nay rừng phi lao chiếm hầu hết diện tích, góp phần quan trọng hạn chế tình trạng cát bay. Và khi đã quyết định đầu tư thì nên tôn trọng giá trị tự nhiên và cảnh quan đặc trưng bản địa.
Hiện quy hoạch tỉnh vẫn trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi. Quảng Nam cũng đã định hình các khu vực riêng sẽ thu hút các dự án du lịch tập trung quy mô lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, quá trình đô thị hóa ở Quảng Nam sẽ rất chú ý phát triển loại hình đô thị du lịch. Đặc biệt ở khu vực ven biển Quảng Nam, gần như các vùng từ Điện Bàn vào Núi Thành sau này sẽ trở thành các đô thị du lịch. Tất nhiên, đô thị du lịch này có đặc điểm gắn với biển lẫn sông (Trường Giang, Thu Bồn, Cổ Cò).
“Toàn bộ vệt này, Quảng Nam đang quy hoạch kêu gọi đầu tư các dự án lớn từ 500 - 600ha, 1.000ha thậm chí là 2.000ha, đầu tư hạ tầng đồng bộ phát triển du lịch dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tại các khu vực ven sông, ven biển. Và các đô thị du lịch này gần như mới hoàn toàn, hình thành trong giai đoạn từ nay đến 2030” - ông Lê Trí Thanh nói.