Người dân bắt đầu hưởng lợi từ kinh tế số
(QNO) - Sự bùng nổ của nền kinh tế số đã mang lại nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó mà thị trường tiêu thụ sản phẩm được kết nối, mở rộng, lược bỏ được nhiều khâu trung gian khi giao thương và tăng cơ hội để các sản phẩm đặc trưng tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.
Cơ sở chế biến nước mắm truyền thống của anh Lâm Hữu Tài - chủ thương hiệu nước mắm Tư Tài (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian khá dài nhưng doanh số bán hàng của cơ sở này vẫn luôn đạt ở mức cao. Có được kết quả đó là nhờ anh Tài biết tận dụng thế mạnh của kinh tế số để kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khắc phục rào cản về khoảng cách địa lý.
Anh Tài đã đưa hình ảnh, thông tin và giá cả sản phẩm nước mắm nhĩ nguyên chất truyền thống của cơ sở mình giới thiệu với khách hàng cả nước trên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, voso.vn. Nhờ đó sản phẩm được nhiều người biết đến và lựa chọn tiêu dùng, giúp anh Tài đạt doanh thu bán hàng cao hơn gấp 3 lần so với trước đây.
“Khi đưa sản phẩm của mình lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử như Postmart.vn tôi nhận thấy có rất nhiều lợi ích, như nhiều người biết đến sản phẩm, thuận lợi trong quảng bá sản phẩm ra thị trường cả nước… Từ đó doanh thu cũng cao hơn so với trước. Cái hay nữa là khách hàng mua sản phẩm thì thanh toán tiền online qua các kênh thương mại điện tử như Viettel Money, Mobile Money…” - anh Lâm Hữu Tài nói.
Các doanh nghiệp, hộ sản xuất khi đăng ký tham gia phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trên sàn thương mại điện tử sẽ được tư vấn, hỗ trợ mở tài khoản, duy trì với tư cách thành viên trên sàn, tư vấn các thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn cách thức phân phối hàng hóa trên sàn, xây dựng hình ảnh, video, số hóa các sản phẩm trưng bày. Đây là kênh thương mại đóng vai trò chủ lực để kết nối người tiêu dùng nhờ thế mạnh của nền tảng số. Giảm các đầu mối giao thương trung gian để bình ổn giá cả, ngăn chặn tình trạng sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Từ khi xã Cẩm Thanh triển khai công tác chuyển đổi số cho toàn thể người dân, tôi nhận thấy được lợi ích từ khâu giảm bớt công suất lao động cho doanh nghiệp; việc thanh toán điện tử đã giúp tôi kiểm soát được số lượng giao dịch với khách hàng, cùng với đó người tiêu dùng cũng nhận lại rất nhiều lợi ích trong công cuộc chuyển đổi số toàn cầu như hiện nay” - ông Lê Nhương, HTX Rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông (Hội An) cho biết.
Cạnh đó, chuyển động của kinh tế số giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh thuận lới hơn trong việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu và đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng miền.
Bà Ngô Huyền Trân - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh (TP.Hội An), cho biết thêm: sau một thời gian triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số, người dân trên địa bàn xã đã dần dần nhận thấy được nhiều lợi ích từ kinh tế số và xã hội số. Các hộ sản xuất và doanh nghiệp trên địa bàn xã đã bắt tay đưa sản phẩm của mình lên sản thương mại điện tử, các trang mua bán như Facebook, Zalo, Intagram… từ đó đã góp phần đưa sản phẩm quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng trên cả nước, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm ngày cạnh mạnh mẽ hơn”.
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 270 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên, cùng với đó là hàng trăm sản phẩm đặc trưng của các địa phương miền núi, đồng bằng. Thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Tiki, Voso.vn, Posmart.vn và các mạng xã hội đã góp phần làm chiếc cầu nối để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Ông Trần Thanh Bình - Phó Giám đốc Bưu điện Quảng Nam chia sẻ: “Bưu điện Quảng Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho người dân đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Posmart.vn, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Từ đó mở ra cơ hội lớn cho người dân tiếp cận với thị trường rộng hơn, đưa các sản phẩm người dân tự làm ra đến tận tay người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất và tốt nhất”.
Từ đây ngày càng có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Quảng Nam biết đến và ưu tiên lựa chọn sử dụng. Qua đó góp phần tăng doanh thu cho nhà sản xuất và tạo điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử.
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT Quảng Nam cho biết “Thương mại điện tử là một trong những nội dung chính của chuyển đổi số, hiện nay việc mua bán trên các sàn thương mại điện tử rất thuận lợi, người dân có thể dùng điện thoại, máy tính để giao dịch mua bán hàng hóa, không cần phải đến chợ. Để đẩy mạnh thương mại điện tử, tỉnh đã có kế hoạch phát triển thương mại điện tử, tạo nên sàn thương mại điện tử https://sanpham.quangnam.gov.vn và cũng đã tiến hành hướng dẫn tận nơi cho bà con cách thức sử dụng các sàn thương mại này”.
Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng và hình thành trang thông tin sản phẩm tỉnh Quảng Nam hoạt động tại tên miền https://sanpham.quangnam.gov.vn. Ứng dụng Smart Quảng Nam ra đời cũng trở thành trang thông tin chính thức thông tin về các sản phẩm của Quảng Nam, tạo điều kiện kết nối giữa nhà cung ứng sản phẩm và người tiêu dùng, hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thêm kênh mua bán và giới thiệu sản phẩm.
Đây cũng là bước đi mới của Quảng Nam trong quá trình chuyển đổi số và khai thác tối đa các nền tảng kinh doanh trực tuyến, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và bền vững của thương mại điện tử tỉnh Quảng Nam, cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.