Để Quảng Nam trở thành vùng đất "đáng sống"
(QNO) - Nâng cấp hạ tầng xã hội tương xứng với quy mô phát triển kinh tế và tương thích được với biến đổi khí hậu trong quá trình lập quy hoạch tỉnh chính là điều kiện đủ để Quảng Nam trở thành một vùng đất "đáng sống".
Cần bước đột phá trong hạ tầng, tiện ích xã hội
Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, dù có một số lợi thế về cảnh quan, môi trường sống nhưng với hạ tầng và tiện ích dịch vụ xã hội của Quảng Nam hiện tại thì rất khó để thu hút các chuyên gia hàng đầu, nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc giới khá giả về sinh sống, làm việc lâu dài.
TS.BS Võ Toàn Trung (hiện làm việc ở Pháp) cho hay, y tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Nam cần xây dựng các bệnh viện hiện đại để đáp ứng nhu cầu của hơn 1,5 triệu dân, nhu cầu đặc thù trong thiên tai, đại dịch và cả du lịch.
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 1 bệnh viện đa khoa trung ương, 2 bệnh viện đa khoa khu vực, 287 cơ sở y tế do địa phương quản lý (36 bệnh viện, 1 bệnh viện da liễu, 9 phòng khám đa khoa khu vực, 241 trạm y tế xã phường). Quảng Nam có 7.890 giường bệnh, trong đó có 6.545 giường tại cơ sở bệnh viện. Quảng Nam hiện có 7 bệnh viện ngoài nhà nước.
“Nếu quyết tâm cao, Quảng Nam hoàn toàn có thể phủ sóng toàn tỉnh hệ thống chăm sóc y học dựa trên việc khám chữa bệnh từ xa hiệu quả trong vòng 5 năm tới bằng việc số hóa dữ liệu y tế, dữ liệu bệnh nhân. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng được lực lượng phản ứng nhanh trong y tế trong đa lĩnh vực” - TS.BS Võ Toàn Trung nói.
TS. Phan Thị Sông Thương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị xã hội (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ) cho hay, định hướng phát triển hạ tầng xã hội cần gắn liền với phát triển kinh tế, phát triển đô thị và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong công tác này. Cần gắn việc phát triển hạ tầng với dự báo về quy mô dân số Quảng Nam trong tương lai bởi các tiện ích này phục vụ trực tiếp cho cư dân. Khi đảm bảo được các điều kiện này thì mới thu hút hiệu quả dân số cơ học, tránh lãng phí nguồn lực.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Tiến sĩ Nguyễn Kim Anh (hiện làm việc tại Đài Loan) chia sẻ, bên cạnh các định hướng công trình, phi công trình để giảm thiểu hậu quả do thiên tai, cần xây dựng trung tâm thích ứng thông minh và giảm thiểu các ảnh hưởng của thiên tai.
TS. Nguyễn Kim Anh nhận định, biến đổi khí hậu đưa đến nhiều tác động khó dự báo về thiên tai, mà Quảng Nam đã ghi nhận trong những năm gần đây, nhất là năm 2020. Trung tâm thích ứng thông minh sẽ có chức năng tư vấn, giải quyết rủi ro do biến đổi khí hậu, tăng khả năng sẵn sàng hành động, tích hợp các trang thiết bị, dữ liệu hiện đại nhất về GPS, viễn thám, thu thập thông tin độc lập về các nguy cơ và quản lý giảm thiểu rủi ro. Trung tâm sẽ hoạt động trong thời gian thực, cung cấp thông tin cần thiết để đáp ứng trong tình huống xấu nhất.
“Đây cũng là mô hình nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Nếu được xây dựng phù hợp, trung tâm sẽ tích hợp các thế mạnh công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực khác nhau, tạo khả năng thích ứng và phục hồi của xã hội và hệ sinh thái khi đối mặt với những thay đổi đột ngột hoặc kéo dài. Mục tiêu là sẽ hướng đến một tầm nhìn tham vọng và mang tính chuyển đổi, nâng cao tính tự tổ chức để thích ứng và tăng tối đa khả năng phục hồi, phát triển bền vững của hệ sinh thái môi trường và kinh tế xã hội” - Tiến sĩ Nguyễn Kim Anh phát biểu.
Đề cập đến yêu cầu phải phát triển kinh tế tuần hoàn, tạo sự bền vững đối với biến đổi khí hậu, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, giải pháp tiên quyết là phải đưa vào quy hoạch, tăng cường truyền thông dự báo và tìm hiểu quy luật, đưa ra một kịch bản phát triển phù hợp với biến đổi khí hậu.
“Đó là những giải pháp mang tính cảnh báo. Chúng ta mới đưa được thông tin về một chiến lược phát triển, chưa đủ để đưa ra một bản quy hoạch sát với không gian, lên được bề mặt đất. Do đó, tôi cho rằng phải có một hệ thống thông tin, mà trên đó thể hiện ý tưởng phát triển, chiến lược phát triển. Hệ thống thông tin này phải dùng được ngay, liên kết với các tỉnh, từ đó quản trị quy hoạch, đưa vào quản lý theo phân vùng, tạo được sự hiện đại trong khâu quản lý, đạt được nhiều mục đích” - Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.