"Dấu ấn" từ một sân chơi lớn

BẢO ANH 05/06/2022 08:10

Sau 10 ngày tranh tài, Liên hoan “Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022”, diễn ra tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, đã khép lại vào cuối tuần trước. Với việc giành được chiếc huy chương đồng cho vở diễn và 5 huy chương cá nhân tại sân chơi lớn này, Đoàn Ca kịch Quảng Nam ghi được những “dấu ấn” quan trọng…

Một cảnh trong vở “Ni sư Hương Tràng”. Ảnh: B.A
Một cảnh trong vở “Ni sư Hương Tràng”. Ảnh: B.A

Một sân chơi lớn

Với sự góp mặt của 250 diễn viên đến từ 11 đơn vị nghệ thuật tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp, Liên hoan “Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022” là một kỳ liên hoan có quy mô lớn, đánh dấu sự trở lại của nghệ thuật sân khấu nói chung và sân khấu truyền thống nói riêng sau hơn 2 năm im lìm do đại dịch Covid-19.

Ngay từ đầu, sân chơi này đã được dự báo là “hấp dẫn, kịch tính và chất lượng” bởi có sự tham gia của một số đơn vị nghệ thuật danh tiếng, như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.Hồ Chí Minh, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định...

Một nghệ sĩ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam cho biết, khi biết tin này, nhiều người tỏ ý “kiêng dè” trước các đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống, có lực lượng hùng hậu, nhưng mặt khác vẫn tự tin và nỗ lực tập luyện, vì đây chính là cơ hội quý để học tập và cọ xát.

Với 9 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch được công diễn, Liên hoan “Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022” thật sự là một sân chơi lớn, nhiều màu sắc. Bên cạnh việc có nhiều vở diễn đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, yếu tố sáng tạo, “tính mới” trong nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng xuất hiện khá nhiều, từ diễn xuất, hát, vũ đạo đến hóa trang, phục trang, dàn dựng sân khấu...

Ngoài đề tài dân gian, một số đơn vị nghệ thuật đã khai thác rất tốt đề tài hiện đại, tiếp tục mở ra hướng phát triển mới cho nghệ thuật sân khấu truyền thống. Sự tiếp nối, chuyển giao thế hệ cũng được thể hiện khá rõ khi mà nhiều đơn vị nghệ thuật đưa các nghệ sĩ gạo cội biểu diễn cùng các diễn viên mới vào nghề hoặc mạnh dạn giao những vai lớn, vai khó cho các nghệ sĩ trẻ.

“Dấu ấn” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam

Tại Liên hoan “Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022”, Đoàn Ca kịch Quảng Nam dự thi với vở diễn “Ni sư Hương Tràng” (kịch bản: Bùi Hữu Dược; chuyển thể dân ca bài chòi: Nguyễn Sĩ Chức; đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên) và giành được huy chương đồng.

Ngoài tấm huy chương đồng cho vở diễn, Đoàn Ca kịch Quảng Nam còn có 5 tấm huy chương cá nhân. Trong đó, nghệ sĩ Quang Việt (vai Thượng hoàng Trần Nhân Tông) được trao huy chương vàng; các nghệ sĩ Ngọc Uyên (vai Huyền Trân), Hùng Nhật (vai Chế Mân) được trao huy chương bạc; các nghệ sĩ Phương Tính (vai Hoàng hậu Salimah), Ngọc Quốc (vai Tể tướng Salayman) được trao huy chương đồng.

Theo nghệ sĩ Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam, mặc dù thành tích đạt được chưa như mong đợi, nhưng qua việc dàn dựng và đưa vở “Ni sư Hương Tràng” tham gia liên hoan, đơn vị đã tạo được những dấu ấn nhất định, cùng với đó là nhiều bài học được rút ra.

Đây là một vở diễn có quy mô lớn, yêu cầu diễn xuất rất cao nên đòi hỏi mỗi người không chỉ nắm được nội dung kịch bản, thuộc lời thoại trôi chảy mà còn phải có hiểu biết nhất định về bối cảnh lịch sử của vở diễn và diễn biến tâm lý từng nhân vật. Do số lượng nhân vật trong vở đông nên đoàn đã phải huy động toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, viên chức của đơn vị tham gia.

Và, đây chính là một sự gắn kết, một cách thử sức cần thiết, cả về tổ chức, chuyên môn lẫn tinh thần hy sinh vì nghệ thuật. Thay vì chỉ cần sử dụng phục trang, khi vào vai Thượng hoàng Trần Nhân Tông, nghệ sĩ Quang Việt đã chấp nhận “xuống tóc”, để chân dung nhân vật trở nên “thật” và thuyết phục hơn.

Hay trong phần hát hậu trường để minh họa cho vở diễn, ngay cả nghệ sĩ trưởng đoàn kiêm chủ nhiệm công trình là nghệ sĩ Thu Mây cũng phải trực tiếp thực hiện. Tất cả diễn viên tham gia vở đều phải vừa biểu diễn vừa làm công tác hậu đài, dàn dựng sân khấu...

“Đây là vở diễn mà chúng tôi phải huy động toàn bộ lực lượng và tất cả đều tham gia trên tinh thần chia sẻ, gánh vác, vì mục tiêu cao nhất là làm cho vở diễn thành công” - nghệ sĩ Thu Mây nói thêm.

Với quyết định chọn dàn dựng và đưa vở diễn “Ni sư Hương Tràng” tham gia Liên hoan “Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022”, Đoàn Ca kịch Quảng Nam còn cho thấy quyết tâm, nỗ lực rất đáng kể.

Bởi lẽ, kịch bản “Ni sư Hương Tràng” từng được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng và biểu diễn rất thành công. Các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn đã không để mình bị “ám ảnh” bởi một “cái bóng” lớn, tập trung biểu diễn hết sức mình và giành được huy chương đồng...

Ngoài ra, với một vở diễn lớn tại một sân chơi lớn như thế này, một lần nữa các diễn viên trẻ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam lại được thử sức và thử thách. Ở đó, họ tiếp tục chứng minh được tài năng, tình yêu và bản lĩnh nghề nghiệp của mình, khẳng định khả năng kế tục các nghệ sĩ đàn anh trong việc nuôi dưỡng nghệ thuật sân khấu truyền thống của quê hương.

BẢO ANH