Nhẩn nha đôi dòng "lạc khoản"
Những ghi chú viết sau lời nói đầu, lời thưa, lời ngỏ trên tác phẩm văn học thi thoảng có kèm nơi chốn sáng tác. Và dù không quá “dài” so với lạc khoản trên các bức họa, bức trướng, câu đối…, nhưng ghi chú ấy vẫn ẩn giấu nhiều câu chuyện.
Mông lung
Tôi nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết lời tựa cho một tuyển tập của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có cụm từ “lạ” ở phần cuối: Con đường long não. Không thật cụ thể, nhưng nhiều người vẫn nhận ra đấy là đường Nguyễn Trường Tộ (TP.Huế).
Phần vì con đường ấy có hai hàng long não cổ thụ khá đặc trưng, phần vì gia đình nhà văn từng ở khu vực đó. “Nhà tôi ở phố Đạm Tiên/ Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu”, trong câu thơ này của Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như cũng thấp thoáng bóng dáng cây cầu bắc qua sông An Cựu gần đó.
Trong một tùy bút, nhà văn Ngô Minh mô tả chi tiết hơn: “Sau này tôi thường lui tới căn hộ chung cư của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đường Nguyễn Trường Tộ, bên bờ An Cựu, gần nhà thờ Phú Cam. Đây chính là căn nhà Trịnh Công Sơn đã ở trong một thời gian dài.
Khi chuyển vào Sài Gòn, anh Sơn đã sang tên ngôi nhà cho vợ chồng Tường - Dạ (tức vợ chồng nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ - NV). Đứng bên ban công dưới hàng long não, nhìn ra bờ sông, nhìn qua thánh đường Phú Cam trong chiều sương tím Huế, nghe âm hưởng của cây lá, của gió, của sông, của bước chân con gái đi bộ qua đường...”.
Hàng cây ấy tôi chỉ thấy một lần đi vào dòng “lạc khoản”, nhưng cũng kịp gây chú ý, dù phải đoán định. Tương tự “gác trọ nhìn ra vịnh Tokyo, mùa bão 2007” xuất hiện cuối Lời ngỏ cuốn “Đồ nhiên thảo” (Buồn buồn phóng bút) của Urabe Kenko.
Dịch giả Nguyễn Nam Trân ghi chú như thế sau khi dịch chú và khảo dị một trong Tam đại tùy bút Nhật Bản, tác giả Urabe Kenko cũng là ẩn sĩ thời Trung cổ. Độc giả muốn “truy tìm” chính xác căn gác trọ mà dịch giả từng ngồi viết, ắt hẳn phải đoán định thêm.
Sang trọng
Nhiều tác giả thời trước có lối ghi chú hé lộ nơi chốn sáng tác sang trọng, hoặc chí ít cũng sang trọng qua tên gọi. Như trường hợp của học giả Vương Hồng Sển.
Cuối lời tựa trong cuốn “Hồi ký 50 năm mê hát” viết ngày 6.5.1968, cụ Vương ghi: “Viết tại ĐẠT-CỔ-TRAI, Mái Tây VÂN-ĐƯỜNG Phủ, số 5 đường Nguyễn-Thiện-Thuật (Gia Định)”. Trong sự nghiệp của mình, cụ Vương từng dùng bút hiệu Vân Đường, Đạt Cổ Trai nên càng tăng tính nhận diện của dòng “lạc khoản”.
Lời tựa vừa nhắc cũng khá lạ, dưới tiêu đề “Bài tựa của tôi”, tức của tác giả Vương Hồng Sển. Vì in ngay trước đó là lời tựa đầu tiên có tiêu đề: “Bài tựa của anh Thuần-Phong”. Lời tựa này ông Thuần Phong viết từ ngày 9.12.1966, do chính cụ Vương Hồng Sển đề nghị viết.
Nhưng có tác phẩm còn nhiều lời tựa hơn và đương nhiên lạc khoản cũng phong phú, như cuốn “Hải ngoại kỷ sự” của Thích Đại Sán. Sách do NXB Khoa học xã hội tái bản năm 2014, theo bản in năm 1963. Không biết công trình này có số lời tựa nhiều nhất hay chưa, nhưng trước mắt phải kể 2 nhân vật danh tiếng với những thông tin chi tiết đi kèm. Một người là chúa Nguyễn Phúc Châu.
Cuối “Bài tựa của Đại Việt quốc vương Nguyễn Phúc Châu, bổn sư Hải ngoại kỷ sự” ghi rõ năm viết (Giáp Tý 1696) còn có dòng định danh, định vị: “Đại Việt quốc vương Nguyễn Phúc Châu, thụ Bồ Tát giới đệ tử, Pháp danh Hưng Long, kính lễ viết tại Tĩnh danh phương trượng ở Tây cung Giác vương nội điện”.
Bài tựa thứ hai “đề tại Đoan Châu lữ thứ”, viết năm 1699 dưới triều Khang Hy là của Cừu Triệu Ngao (1638 - 1717) - một học giả nổi tiếng cuối đời Minh đầu đời Thanh bên Trung Quốc. Hai bài tựa còn lại không có “lạc khoản”, do 2 người Trung Quốc là Từ Hoàn (1636 - 1708) và Mao Đoan Sĩ (không ghi năm sinh năm mất) viết. Ấy là chưa kể cuốn sách này còn có thêm lời giới thiệu của linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế, viết năm 1962.
Sang trọng nhưng gần gũi, phải kể đến “thất Ngồi Yên”, nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh viết tựa cho cuốn “Truyện Kiều văn xuôi” tại xóm Thượng, làng Mai (Pháp) hồi tháng 7.2002. Thiền sư cất công “dịch” truyện thơ Nôm của đại thi hào Nguyễn Du sang văn xuôi, “có ý cống hiến Truyện Kiều văn xuôi như một lời mời mọc những người trẻ trở về thưởng thức những cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều”.
Tưởng tượng
Không phải “lạc khoản” nào cũng hé lộ về địa danh có thực hay nơi chốn ấy đúng như tên gọi. “Am Sông Tô” của Nguyễn Tuân là thí dụ.
Trong “Cát bụi chân ai”, nhà văn Tô Hoài gần như “bóc phốt” lạc khoản của Nguyễn Tuân, nhà văn đàn anh lớn hơn mình 10 tuổi, nhân kể về chuyện người bạn Phùng Bảo Thạch bị mật thám Pháp theo dõi nên xin lên ở nhờ chỗ “Am Sông Tô”.
Qua mô tả của nhà văn Tô Hoài, thực tế trông thật khác xa tên gọi. Đó là ngôi nhà ngói cổ tọa lạc giữa mảnh vườn con, bên con sông Tô xanh rờn những bè rau muống trên dòng nước hôi thối ở các cống thành phố thải ra.
“Ba chữ Am Sông Tô chỉ là cái bóng đẹp khéo tưởng tượng mà thôi. Nguyễn Tuân thường đề lạc khoản kèm với tháng ngày dưới những sáng tác như thời thượng của người viết. Chứ đâu phải cái am, cái động, cái lều tranh, cái mái trúc mà chỉ có muỗi đêm túa ra táp vào mặt…” (Cát bụi chân ai, NXB Hội Nhà văn - 2014, trang 173).
Nhưng dù sao, với riêng công trình nhà cổ này, Nguyễn Tuân đã viết tùy bút “Nhà bác Nguyễn” để xưng tụng công lao của thân mẫu vất vả dựng nên.
Không hẳn lạc khoản mà cũng nên xem là lạc khoản, như với lời mở đầu và kết thúc trong cuốn “Hố thẳm của tư tưởng” (Phạm Công Thiện), viết ngày 22.6.1966 tại Paris (Pháp). Mở đầu, Phạm Công Thiện trích câu thơ Hàn Mặc Tử, “Vỗ cánh bay chín từng trời cao ngất” rồi lý giải: “
…Đáng lẽ Hàn Mặc Tử viết quyển này, vì Hàn Mặc tử là người duy nhất đã sống trong hố thẳm của tư tưởng bằng chính hơi thở, máu, nước mắt, thân thể và linh hồn”. Cuối sách, sau cả phần mục lục, thấy có thêm 31 chữ in hoa. “Hố thẳm của tư tưởng ra đời để đánh dấu ngày tôi chấm dứt mọi liên hệ tình cảm với Bùi Giáng và Nhất Hạnh. Không còn gì để nói nữa”.
Cho độc giả biết ngày viết, nơi viết với những cách thức khác nhau trên lạc khoản, nhiều trường hợp đã thấy lạ. Hé lộ “chấm dứt” mối quan hệ, càng lạ. Không còn gì để nói…