Phố dễ… tổn thương

PHẠM QUỐC 05/06/2022 08:04

Hơn ai hết, thị dân là những người cảm nhận rõ rệt áp lực của phố theo vòng quay phát triển. Và “sức đề kháng” của phố thị chỉ bền bỉ khi cấu trúc hệ sinh thái được chăm chút, định hình.

Một không gian xanh ở nội thị Tam Kỳ. Ảnh: Q.T
Một không gian xanh ở nội thị Tam Kỳ. Ảnh: Q.T

Áp lực của phố

Nhiều đô thị lớn ở miền Bắc vừa bất chợt ngập lênh láng giữa mùa hè, bao thị dân phố xá nơi khác liệu có thảng thốt về một kịch bản tương tự sẽ xảy đến trong tương lai? Hình thành dọc theo bờ biển hoặc hạ lưu các dòng sông lớn, mạng lưới đô thị động lực ở Quảng Nam trở thành đối tượng dễ bị tổn thương trước các hình thái thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. 

Theo Sở Xây dựng, quá trình lập quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh như Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành… đã có nghiên cứu bước đầu để ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các dự báo kịch bản phát triển đô thị (đơn cử như dự báo tần suất ngập lụt để lựa chọn cốt nền đô thị…). 

Dù vậy, đến hẹn lại lên khi mùa mưa về, không ít thị dân ở Tam Kỳ hay vùng đông Điện Bàn vẫn phải bì bõm trong nước, điều mà họ hiếm khi phải đối mặt trong quá khứ.

Rất nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh cũng đều có đích đến là phố thị. Đó là dự án kè bảo vệ khu vực đô thị cổ Hội An; dự án trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh; dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò…

Hội An chính là đô thị đối mặt nhiều áp lực và thực tế cũng đã hứng chịu không ít tổn thương từ các hình thái thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, Quảng Nam cũng tranh thủ các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài để tăng “sức đề kháng” cho đô thị cổ.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, hơn 1.858 tỷ đồng đã được đầu tư để thực hiện 2 hợp phần: Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý, thực hiện và vận hành dự án, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An (thực hiện từ 2018 - 2022) với nguồn kinh phí khoảng 1.129 tỷ đồng. 

Phố cần khoảng xanh

Các chuyên gia về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai cho rằng, ở những khu vực có nhiều cây cối thì lượng nước bốc hơi sẽ giảm, từ đó giảm thiểu những cột mây đậm đặc hơi nước gây ra mưa như trút trong thời gian ngắn. 

Soi chiếu trở lại thực tế, dù là các đô thị có quy mô vừa và nhỏ, mới bước vào quá trình đô thị hóa nhưng tình trạng khan hiếm không gian xanh, cây xanh đã tồn tại lâu nay. Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) đạt 6m2/người, Điện Bàn chỉ đạt 4m2/người. Thậm chí, Hội An chỉ đạt 2,97m2/người (trong khi theo tiêu chuẩn quốc gia phải đạt từ 9 - 11m2 đối với đô thị loại III).

Ngoài nguyên nhân bất khả kháng do quỹ đất đô thị eo hẹp tại một số khu vực, phải chăng khan hiếm không gian xanh đến từ việc không ít nhà đầu tư chỉ tập trung bê tông hóa mà lờ đi việc bảo tồn, gìn giữ hệ sinh thái cảnh quan tự nhiên nhằm tối ưu hóa lợi nhuận khi đầu tư, phát triển đô thị?! 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, hai điểm nhấn quan trọng của đô thị Quảng Nam xét về mặt địa hình là đô thị sông - biển, đây là loại hình đô thị động lực nổi bật cho việc phát triển vùng Đông.

“Việc tổ chức không gian ven sông, ven biển phải rất cẩn trọng. Trong quy hoạch tỉnh đang lập, căn cứ chức năng, tính chất và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu thì chúng ta xác định các đô thị phát triển đến mức độ nào là dừng, còn lại lan tỏa phát triển ra khu vực xung quanh” - ông Lê Trí Thanh nói.

Trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của Hội An có mục tiêu mở rộng tỷ lệ “hành lang xanh, không gian mở, đường hoa” lên 10% đường đô thị, nhất là các tuyến đường trung tâm, cửa ngõ ra vào thành phố. Xanh hóa các khu vực đất công chưa sử dụng. Với Tam Kỳ, thành phố này cũng đang chuẩn bị cho đề án trồng rừng gỗ lớn trong thành phố. 

Như một cơ thể trong quá trình tái tạo, phục hồi, không gian xanh chính là “liều thuốc” hiệu quả hơn bất kỳ giải pháp nào khác để âm thầm chữa lành bao tổn thương của phố.

Để tránh phải bất đắc dĩ lựa chọn giải pháp chống chịu cùng những khoản kinh phí rất lớn, phố vẫn có thể thích ứng với cuộc chuyển mình của tự nhiên bằng nhiều cách thân thiện, giản đơn hơn. Và quan trọng hơn, chính là cách ứng xử với tự nhiên, ngay từ lúc bắt đầu…

PHẠM QUỐC