An toàn cho trẻ thơ
Thế giới trẻ thơ đầy những câu chuyện cần chia sẻ. Giáo dục kỹ năng, tạo sân chơi lành mạnh, chính sách và những chương trình xã hội hỗ trợ trẻ em... Rất nhiều điều người lớn cần phải làm, để tạo dựng tương lai từ lớp mầm non, măng non. Trong đó, trước hết là việc đảm bảo điều kiện sống an toàn cho trẻ.
CÙNG TRẺ BƯỚC QUA MÙA HÈ
Nghỉ hè là khoảng thời gian các em học sinh “xả hơi”, được nhà trường bàn giao về địa phương quản lý. Những sân chơi ngày hè đã được đoàn viên, thanh niên đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng để đưa trẻ hòa vào không gian lành mạnh, bổ ích. Đây chính là điều quan trọng để giữ thế giới của trẻ thơ không đối diện với những bất trắc...
Đầu tư sân chơi
Bảo Trâm - học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Du (TP.Tam Kỳ) nói, các em có quá ít sân chơi ở khu vực sinh sống của mình. “Con để ý hình như ngoài khu vực quảng trường, tụi con khó có chỗ nào chơi mà không tốn tiền” - Trâm chia sẻ.
Mong muốn có nhiều hơn các sân chơi cộng đồng được đặt ra ở hầu khắp địa phương, đặc biệt ở khu vực đô thị. Và giải pháp tạm thời, trong lúc chờ những không gian cộng đồng có khu vực dành cho sinh hoạt của trẻ em, thì tổ chức đoàn hội được huy động để tạo sân chơi cho trẻ.
Tại huyện Núi Thành, những điểm sinh hoạt, vui chơi ngoài trời dành cho trẻ em đã được Đoàn thanh niên cơ sở huy động nguồn lực đầu tư, triển khai tích cực.
Anh Dương Văn Bảo - Phó Bí thư Huyện đoàn Núi Thành chia sẻ, thông qua các phần việc thanh niên, Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Hành trình thứ 2 của lốp xe,… các đoàn viên, thanh niên tập trung làm đẹp khu vui chơi cho trẻ, thay mới, sửa chữa những công trình xuống cấp, tạo không gian xanh, sạch, đẹp.
Đoàn thanh niên cơ sở ở Núi Thành còn phối hợp với trường học tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại các hồ bơi trên địa bàn. Huyện đoàn phân công cán bộ tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước và tai nạn thương tích, sau đó triển khai lại cho các xã, thị trấn; tổ chức cuộc thi bơi dành cho thiếu nhi để khuyến khích các em tham gia học, luyện tập bơi, nâng cao sức khỏe.
Còn chị Đặng Thị Ngọc Lan - Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức cho biết, mùa hè này huyện đầu tư, mở rộng, trang trí các điểm vui chơi cộng đồng; bổ sung sách, báo vào các không gian đọc sách, thư viện huyện, xã. Đoàn thanh niên phối hợp mở các lớp dạy văn hóa hè, cầu lông, bóng đá, võ thuật...
Theo yêu cầu từ Tỉnh đoàn Quảng Nam, việc tạo môi trường, sân chơi cho trẻ em là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của tổ chức đoàn, đội các cấp.
Mùa hè này, các cấp bộ đoàn - đội từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều công trình, phần việc thanh niên hướng đến trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Đáng chú ý, công trình thanh niên “18 khu vui chơi cho trẻ em trên địa bàn dân cư” được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai, đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết thực trạng thiếu điểm vui chơi cho thiếu nhi do các địa phương đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí, mở ra không gian để trẻ phát triển về thể chất lẫn tinh thần.
Các công trình măng non do Hội đồng Đội tỉnh triển khai như hồ bơi Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Phú Ninh), khu vui chơi trẻ em xã Bình Minh (Thăng Bình) hay thôn A Sờ (xã Mà Cooih, Đông Giang),... đã phát huy hiệu quả.
Cạnh đó, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tập trung thành lập, tổ chức các câu lạc bộ quyền trẻ em, diễn đàn trẻ em, hội đồng trẻ em, mô hình thăm dò ý kiến trẻ em và các hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện nhằm thúc đẩy tinh thần hăng hái tham gia, hưởng ứng của trẻ.
Những ngày hè ý nghĩa
Anh Đinh Quang Vĩnh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn chia sẻ, hơn 2 năm qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động hè dành cho thiếu nhi không thể tổ chức. Nhưng nay, khi dịch bệnh được khống chế, những hoạt động hè được lên kế hoạch cụ thể, đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức.
Tiêu biểu như cuối tháng 5, Thị đoàn Điện Bàn tổ chức chương trình “Ngàn hoa dâng Người” với các hoạt động văn nghệ, kể chuyện về Bác Hồ,… tạo không khí thi đua sôi nổi trong thiếu nhi.
Tại Tiên Phước, Huyện đoàn tổ chức hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp “Một ngày làm hướng dẫn viên du lịch” tại làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) cho học sinh THCS.
Tham gia hoạt động, các em được đoàn viên, thanh niên có chuyên môn hướng dẫn kỹ năng cơ bản của hướng dẫn viên du lịch. Sau đó, bằng những kiến thức, kỹ năng được tập huấn, trong 15 phút, một số trẻ sẽ đại diện tham gia hướng dẫn, thuyết trình với du khách về những địa danh, phong cảnh tại làng cổ Lộc Yên...
“Hoạt động trải nghiệm này sẽ được duy trì tổ chức trong thời gian tới, tạo điều kiện rèn luyện kỹ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông cho trẻ em. Đồng thời nâng cao kiến thức, nhận biết trong học sinh về các điểm du lịch, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện” - anh Nguyễn Ngọc Hà, Bí thư Huyện đoàn Tiên Phước nói.
Anh Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, trong kỳ nghỉ hè 2022, để đổi mới phương thức hoạt động, thu hút sự tham gia và phát triển tư duy sáng tạo của trẻ, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tập trung tổ chức các diễn đàn trẻ em, trại hè thiếu nhi, học kỳ quân đội, đăng cai Ngày hội thiếu nhi Việt Nam học tập tốt, rèn luyện chăm,…
Nét mới nhất là Tỉnh đoàn phối hợp Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh tổ chức gameshow Đội viên đất Quảng đa tài. Đây là gameshow đầu tiên trong cả nước dành cho đội viên, hứa hẹn tạo ra những giá trị bổ ích, lý thú cho thiếu nhi đất Quảng.
NÂNG BƯỚC CHÂN EM...
Hơn 40 nghìn trẻ em ở Quảng Nam có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Gần 18 nghìn trẻ đã ở hoàn cảnh đặc biệt. Các em cần nhiều hơn những bàn tay nắm lại để cùng lớn lên và được bảo vệ trong hành trình trưởng thành của mình.
Những người mẹ... đỡ đầu
T.V.Đ. vừa trải qua năm học lớp 8 với rất nhiều biến cố. Ba em mất vì Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh. Mẹ em, trước đó đã qua đời vì ung thư. Nỗi đau gần như cùng lúc đổ ập xuống với cậu bé ở vùng ven sông Vu Gia.
Sống cùng với ông bà nội đã lớn tuổi, Đ. thu mình, ít nói, ít chia sẻ. Từ ngày ba Đ. mất, các cán bộ của Hội LHPN huyện Đại Lộc thường xuyên lui tới, quan tâm, động viên, hỗ trợ cùng gia đình người bác chăm sóc em...
Bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nói, đại dịch Covid-19 và thiên tai, hoạn nạn xảy ra trên địa bàn tỉnh đã khiến nhiều trẻ em trở thành mồ côi, thiếu vắng sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ của cha mẹ, người thân.
“Toàn tỉnh có hơn 690 trường hợp trẻ em mồ côi, trong đó có 12 trẻ rơi vào hoàn cảnh mồ côi do Covid-19. Nỗi đau mất cha mẹ, người thân đối với các cháu là không thể bù đắp, tương lai các cháu phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hơn lúc nào hết, các cháu rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc trong thời gian dài”.
Mô hình “Mẹ đỡ đầu” là một trong số các hoạt động chỉ mới bắt đầu từ đầu năm 2022 do Hội LHPN Việt Nam phát động. Ban đầu, chương trình chỉ nhằm vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân hưởng ứng nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển trong môi trường gia đình, cộng đồng.
Nhưng từng ngày, khi chương trình vận hành, số trẻ được nhận đỡ đầu ngày càng tăng, do tình thương yêu của những người đã làm mẹ buộc họ phải rộng lòng mình. Những trẻ mồ côi chưa được nhận đỡ đầu hoặc ít nhận được sự hỗ trợ, trẻ mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ, không nơi nương tựa, hoặc có người nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn... đều trở thành những đứa trẻ có nhiều hơn 1 người mẹ.
Bà Đặng Thị Lệ Thủy cho biết, các cấp hội tự gây quỹ bằng việc vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoặc thông qua khá nhiều hoạt động có thu tại địa phương. Từ đó, các cấp hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở địa phương.
Hội viên phụ nữ còn đóng vai trò là “người mẹ thứ hai” hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được tiếp cận chính sách của Nhà nước; đặc biệt là hỗ trợ chăm sóc, tư vấn về tình cảm, tinh thần và đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường gia đình, cộng đồng.
Cùng em viết tiếp ước mơ
Khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) là nơi tái định cư của 39 hộ dân gặp thảm họa sạt lở hồi năm 2020. Ở đây, có đến 150 em nhỏ. Và trong số này, có 14 em trở thành trẻ mồ côi sau vụ sạt lở ở làng Ông Đề, làng Tăk Pat.
Chúng tôi gặp lại Hồ Thị Yến Chi, một đứa trẻ mới lớn có đến 4 người thân bị mất trong vụ sạt lở ở làng Ông Đề, trong đó có cả cha mẹ em. Nhà còn 3 anh em, đang ở trong căn nhà tái định cư ở Bằng La.
Ở đây, như lời Chi nói, trẻ con có không gian để chơi, họ hàng quây quần, nên những chuyện cũ, cũng được san sẻ. Chúng tôi cứ hình dung về nụ cười của Yến Chi giấu sau khẩu trang, nụ cười của một đứa trẻ đang dần bắt nhịp lại với cuộc sống này.
Năm 2020, Quảng Nam có rất nhiều trẻ em ở miền núi rơi vào hoàn cảnh như của Yến Chi. Và những bàn tay đã mở ra, để nắm lấy bàn tay của những đứa trẻ vùng cao bất hạnh này. Cùng với chính quyền địa phương, là những thầy cô đã chọn làm mảnh ghép để lắp vào từng khoảng trống trong cuộc đời các em.
Các cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn), dù là những người rất trẻ chưa có gia đình hay có người đã thành bà thành mẹ, vừa là người truyền tải kiến thức vừa là chỗ dựa từ cả sinh hoạt đến cảm xúc hằng ngày của những đứa trẻ vùng cao.
Nói như cô giáo Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng nhà trường, rằng “các em còn quá nhỏ để đương đầu với mất mát lớn trong cuộc đời. Lúc này, cần có bàn tay đưa ra rồi nắm lấy, từng bước dìu đi. Có lẽ các em cũng chỉ cần có thế! Cứ nghĩ cũng giống như con mình vậy thôi, có chừng nào thì nuôi dạy chừng đó”.
“Không để bất cứ trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học”, vừa là nhắn nhủ vừa là yêu cầu mà người đứng đầu tỉnh Quảng Nam gửi đến các địa phương, trong chuyến thăm, tặng quà trẻ em nhân Ngày quốc tế thiếu nhi (1.6) vừa qua.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói, đối với các em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, đặc biệt là mồ côi, khuyết tật… cần được quan tâm chu đáo, cần các tổ chức, hội đoàn thể cưu mang, đỡ đầu.
“Cần tạo điều kiện cho trẻ có khát vọng vươn lên, để được học hành, cống hiến. Niềm mong mỏi lớn nhất của những người đứng đầu như chúng tôi là trẻ em được chăm lo tốt nhất ở mọi điều kiện, nhất là thiếu nhi vùng sâu vùng xa” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.
Giúp các em viết tiếp ước mơ dang dở khi cha mẹ mất đi, nâng bước chân em trên mỗi hành trình khi bỗng chốc nơi nương tựa là tình thân bị gãy đổ... là những sẻ chia từ cộng đồng để những đứa trẻ yếu thế không thấy mình đơn độc.
CẢNH BÁO NẠN BẠO HÀNH
Quan tâm chăm sóc sức khỏe cũng như bảo vệ trẻ tránh khỏi những xâm hại cơ thể, bạo lực tinh thần... ngày càng được đặt ra cấp thiết hơn.
Gần 3 triệu trẻ em trên toàn quốc cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần là con số khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) chia sẻ. Theo đó, trong một nghiên cứu về sức khỏe tinh thần đối với trẻ em được UNICEF thực hiện, ở nhóm đối tượng từ 10 - 19 tuổi đang có nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần rất đáng quan tâm. Trong số này, tình trạng trẻ “tự hại” là một trong những nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao dẫn tới tử vong ở lứa tuổi trẻ vị thành niên.
Ở góc độ khác, một con số khác rất đáng suy nghĩ khi có đến 5,14 - 5,66% số trẻ em ở 63 tỉnh thành bị bạo hành. Thống kê từ năm 2017 đến nay, tình trạng này chưa có những thay đổi tích cực rõ rệt.
Trong khi theo đề tài nghiên cứu của một bác sĩ tại Quảng Nam, tỷ lệ trẻ em Quảng Nam bị xâm hại tình dục (XHTD) từ năm 2013 - 2017 là 18,2%, trong đó trẻ em nam nhiều hơn nữ, ở nhóm tuổi từ 13 - 16 tuổi và thường sống ở thành thị.
Trong nghiên cứu của mình về tình hình XHTD ở trẻ em và những yếu tố liên quan giai đoạn 2013 - 2017, vị bác sĩ này cho biết, đối tượng gây XHTD trẻ em tập trung khá lớn vào những người thân quen, hàng xóm.
Nhiều người tại Quảng Nam vẫn còn ám ảnh một số vụ XHTD trẻ em, như vụ một giáo viên ở miền núi có hành vi dâm ô, hiếp dâm 3 học sinh của trường; vụ cha dượng nhiều lần hiếp dâm con riêng của vợ… Những tổn thương nặng nề về cơ thể và sang chấn tinh thần ảnh hưởng, tác động khá tiêu cực đến cuộc sống sau này của nhiều em.
Vụ Gia đình thuộc Bộ VH-TT&DL cho biết, có đến 60% trong số trẻ em được khảo sát gặp khó khăn, áp lực học tập, 42% không có kỹ năng tiếp cận internet an toàn, khoảng 48% cho rằng mình bị áp lực do giãn cách xã hội vì dịch bệnh, trong số này nhiều em cho biết đã bị bạo lực tinh thần, khoảng 32% nói không được gia đình quan tâm…
Áp lực học tập và kỷ luật của gia đình, tác động tiêu cực từ xã hội, từ internet, sự thờ ơ không quan tâm, thiếu kỹ năng làm cha mẹ cũng là những nguyên nhân liên quan đến tình trạng tổn thương tinh thần của trẻ.
Sau những quãng thời gian khắc nghiệt vì những ràng buộc của công tác phòng chống dịch, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ cũng như trang bị những kỹ năng thiết yếu cho trẻ em từng bước được đặt ra. Tuy nhiên, nhìn nhận từ đại diện Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, hiện nay các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế. Số lượng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích còn cao, nạn bạo hành trẻ em, XHTD trẻ em... vẫn xảy ra.
“Đặc biệt, các vụ bạo hành trẻ em diễn ra trong thời gian gần đây đã khiến không ít người bàng hoàng về cách ứng xử đối với trẻ nhỏ của nhiều người trong vai trò làm cha, làm mẹ; vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, các ngành các cấp trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Nhiều vụ việc đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, ảnh hưởng đến sự sống còn, phát triển toàn diện của trẻ em” - đại diện Sở LĐ-TB&XH nói.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.
Theo đó, chương trình xác định 5 nhóm nội dung, 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.
Dù là sức khỏe thể chất hay sức khỏe tinh thần, trẻ em đều cần được quan tâm ở mức độ cao nhất. Đó chính là trách nhiệm của cha mẹ, nhà trường và toàn xã hội.
DÀNH NHỮNG GÌ TỐT NHẤT CHO TRẺ
Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em” vừa được phát động trên toàn tỉnh. Chúng tôi có cuộc trao đổi cùng những người có liên quan để làm thế nào tạo điều kiện thúc đẩy nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội về công tác trẻ em.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn: Tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện
Quảng Nam là địa phương đa dạng địa hình, cùng với những bất lợi về thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập, đối tượng cần hỗ trợ rất lớn, trong đó có trẻ em, trẻ em khó khăn, khuyết tật... Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, dành nhiều cơ chế, chính sách lớn, tạo điều kiện cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Hiện nay chúng ta đã giảm nhiều tình trạng bạo lực, bạo hành trẻ em, giảm các vụ tai nạn thương tâm.
Tỉnh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để đổi mới cách thức tổ chức, linh hoạt thực hiện các hoạt động chăm sóc trẻ em. Các mô hình, thiết chế văn hóa ngày càng đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn những tai nạn thương tâm, bạo hành trẻ em tiếp diễn. Trẻ em vùng sâu vùng xa thiếu thốn, chưa tiếp cận dịch vụ đầy đủ. Do vậy, cần xác định công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn xã hội.
Các địa phương cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại những hạn chế để có giải pháp khắc phục, bổ sung trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo chương trình hành động vì trẻ em cần kiện toàn Ban Chấp hành, quy vai trò trách nhiệm cho từng thành viên. Mỗi địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, sát tình hình thực tế; tập trung đầu tư nguồn lực nhà nước, xã hội hóa có hiệu quả, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, giúp trẻ phát triển toàn diện...
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Duy trì các mô hình bảo vệ trẻ em
Thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em; các nghị định, nghị quyết liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Các địa phương phải làm sao để có một việc làm tốt hoặc một công trình cho trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay; quan tâm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ; định hướng trẻ em sử dụng internet vào các hoạt động có ích, thiết thực; theo dõi, quản lý và hướng dẫn các kỹ năng để trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng.
Đẩy mạnh hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em. Tiếp tục thực hiện việc rà soát cập nhật cơ sở dữ liệu về trẻ em trên phần mềm quản lý; duy trì và phát triển mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn nhằm cải tạo môi trường sống bảo đảm an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em trong dịp hè...
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Giúp trẻ an toàn trước tai nạn đuối nước
Trước những vụ đuối nước đau lòng ở trẻ em xảy ra trong thời gian qua, mới đây, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện yêu cầu các địa phương phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước đến từng trường học, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh.
Tại Quảng Nam, công tác này đã và đang được các cấp ngành vào cuộc quyết liệt và đồng bộ; nhiều hoạt động thiết thực đang được Sở VH-TT&DL triển khai như: phổ cập bơi trong trường học, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước, xây dựng công trình hồ bơi lắp ghép...
Quảng Nam có nhiều sông, suối, bãi biển tiềm ẩn mối nguy hiểm thường trực đối với các em học sinh bởi phần lớn đều chưa biết bơi, chưa có sự nhận thức rõ ràng về mối nguy hiểm tai nạn đuối nước. Hầu hết tai nạn đuối nước đều xuất phát từ việc các em rủ nhau đi tắm tại các ao hồ, sông suối, biển mà không có sự quản lý của người lớn.
Vì vậy, rất cần cơ chế chính sách, tạo môi trường khu vui chơi, phổ cập bơi, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Hiện nay, một số trường có hồ bơi di động dạy bơi cho trẻ từ nguồn của một số tổ chức, cá nhân nhưng việc duy trì hồ bơi gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.
Vừa rồi ở Diễn đàn trẻ em, một số trẻ em có thắc mắc, mong muốn về học bơi trong nhà trường. Phòng chống đuối nước có 2 nội dung: kiến thức về phòng chống đuối nước và kỹ năng bơi. Có những trẻ đi học bơi nhưng một số kỹ năng phòng chống đuối nước vẫn chưa được dạy một cách cụ thể.