Đánh giá đúng sức tải ngành du lịch Quảng Nam

Q.TUẤN - T.CÔNG 04/06/2022 18:46

(QNO) - Theo mục tiêu đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, du lịch Quảng Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Quang cảnh hội thảo chiều nay. Ảnh: T.C.P
Quang cảnh hội thảo chiều nay 4.6. Ảnh: T.C.P.

Theo các chuyên gia tham gia hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, du lịch là lĩnh vực hiếm hoi mà Quảng Nam đã định vị được vị thế, hình ảnh, thương hiệu trên bình diện cạnh tranh quốc tế.

Bỏ lại tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra từ năm 2020, ngành du lịch Quảng Nam vẫn đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách vào năm 2025; đón 18 triệu lượt khách vào năm 2030 và đón 40 triệu lượt khách vào năm 2050.

Dịch vụ giải trí phục vụ du khách ở Quảng Nam còn khá hạn chế. Ảnh: T.C.P
Dịch vụ giải trí phục vụ du khách ở Quảng Nam còn khá hạn chế. Ảnh: T.C.P 

Theo đại diện liên danh tư vấn quy hoạch Quảng Nam, cần coi du lịch là một trong 2 trụ cột quan trọng để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.  Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm lan tỏa đến sự phát triển của các ngành dịch vụ khác, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Dù vậy, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong đồ án quy hoạch Quảng Nam cần cẩn trọng đánh giá đúng sức tải của du lịch địa phương. Trong đó, việc phát triển du lịch phải căn cứ trên sức chịu đựng cả về môi trường - xã hội - văn hóa mà du lịch tác động đến.

Trên thực tế, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, đã có nhiều thời điểm diễn ra tình trạng quá tải cục bộ điểm đến, nhất là tại đô thị cổ Hội An. Tình trạng mất cân bằng trong không gian lãnh thổ phát triển du lịch đã tồn tại từ lâu. Quảng Nam cũng đã có chủ trương lan tỏa du lịch về phía nam và phía tây nhưng đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Đô thị cổ Hội An vẫn được xác định là hạt nhân trong tiến trình phát triển du lịch Quảng Nam giai đoạn tới. Ảnh: T.C.P
Đô thị cổ Hội An vẫn được xác định là hạt nhân trong tiến trình phát triển du lịch Quảng Nam giai đoạn tới. Ảnh: T.C.P 

Phần lớn các chuyên gia đều mong muốn ngành du lịch Quảng Nam phát triển theo hướng xanh, bền vững, hài hòa hơn trong phân bố không gian lãnh thổ.

Theo dự thảo đồ án quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam đặt mục tiêu tổng thu đạt 25,6 nghìn tỷ đồng từ khách du lịch, đóng góp 17,5 nghìn tỷ đồng vào GRDP của tỉnh vào năm 2025.

Năm 2030, tổng thu từ khách du lịch đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, đóng góp 32,5 nghìn tỷ đồng vào GRDP tỉnh.

Năm 2050, tổng thu từ khách du lịch đạt 228 nghìn tỷ đồng, đóng góp 140 nghìn tỷ đồng vào GRDP của tỉnh.

Ông Don Lam - Chủ tịch Hoiana đề xuất, để mở rộng không gian phát triển du lịch cần hình thành trục đô thị ven biển hiện đại, tổ chức không gian vùng đồng bằng ven biển để trở thành nơi giới kinh doanh, chuyên gia quốc tế đến làm việc sinh sống lâu dài.

Ông Don Lam phát biểu theo hình thức trực tuyến tại hội thảo. Ảnh: T.C.P
Ông Don Lam phát biểu trực tuyến. Ảnh: T.C.P 

Bên cạnh đó, cần bổ sung chuỗi tiện ích thương mại dịch vụ, trung tâm thương mại cao cấp, các điểm vui chơi quy mô lớn, công viên đại dương, công viên văn hóa,… thúc đẩy công ty khởi nghiệp ẩm thực,  sản phẩm địa phương "made in Quảng Nam" thông qua hợp tác với nghệ sĩ, nghệ nhân... 

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình việc thiếu vắng các chuỗi tiện ích dịch vụ chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến lượng khách lưu trú khiêm tốn so với quy mô khách tham quan cũng như tiềm năng đón khách của địa phương.

Dù du lịch phát triển mạnh nhưng Quảng Nam hiện là địa phương có hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại khiêm tốn nhất Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đơn cử, Quảng Nam mới chỉ có 3 siêu thị và 1 trung tâm thương mại (số liệu năm 2020). Trong khi đó toàn vùng có 100 siêu thị và 16 trung tâm thương mại.

Q.TUẤN - T.CÔNG