Sáng kiến hay bảo vệ môi trường của thanh niên Duy Hòa

THANH VIỆT - PHƯỚC HIẾU 03/06/2022 17:56

(QNO) - Siêng tìm tòi, sáng tạo, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, anh Lưu Văn Vũ (SN 1991, Duy Hòa, Duy Xuyên) đã đóng góp nhiều ý tưởng và triển khai một số mô hình góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương.

Thanh niên xã Hiệp Hòa hướng dẫn người dân ủ phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: V.Q
Thanh niên xã Duy Hòa hướng dẫn người dân ủ phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: V.Q

Giảm gánh nặng rác thải

Sau khi rời quân ngũ về địa phương, Vũ tích cực tham gia công tác đoàn ở địa phương, trong những lần ra quân dọn dẹp đường sá, chứng kiến các tụ điểm thu gom rác thải ở thôn, xã chưa được xử lý đúng cách bốc mùi hôi, ô nhiễm môi trường, anh trăn trở tìm cách giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi tường.

Và anh đã mày mò, tìm cách làm ra chế phẩm IMO xử lý rác thải bằng phương pháp hữu cơ. Sau gần 2 năm dành nhiều công sức thử nghiệm, đôi lần thất bại, cuối cùng anh đã pha chế thành công chất xử lý rác hữu cơ. Nguồn nguyên liệu được Vũ tận dụng có nguồn gốc tự nhiên như mật đường, sữa chua, men rượu, chuối chín... ủ trong vòng 7 ngày. 

“Ở quê mình, người dân vẫn chưa phân loại được các loại rác, khi thải ra sẽ là gánh nặng cho môi trường lại tốn kém chi phí xử lý. Vậy nên, trong các hoạt động “Ngày hội đoàn viên”, “Chủ nhật xanh”, Đoàn Thanh niên xã có lồng ghép tuyên truyền và sau đó lắp đặt hầm ủ phân hữu cơ tại nhà người dân” - anh Vũ bày tỏ.

Theo anh Vũ, chỉ dùng một lượng nhỏ chế phẩm IMO là có thể xử lý mùi hôi và sau đó rác sẽ phân hủy thành phân hữu cơ. Ngoài ra, IMO có thể khử khuẩn chuồng trại bẩn, cải tạo đất. Hiện nay, anh đã triển khai được 5 mô hình đến cho các hộ dân trên địa bàn xã.

Người dân đang dùng thử chất IMO để xử lý rác thải. Ảnh: V.Q
Người dân đang dùng thử chất IMO để xử lý rác thải. Ảnh: V.Q

Bà Nguyễn Thị Phương, thôn La Tháp Tây (xã Duy Hòa) cho biết: "Từ khi dùng chế phẩm IMO, rác thải sinh hoạt trong gia đình không còn mùi hôi, việc kinh doanh thuận lợi hơn” – bà Phương chia sẻ.

Đổi pin lấy quà tặng

Gần đây, anh Vũ phối hợp Đoàn Thanh niên xã Duy Hòa đưa vào hoạt động mô hình đổi pin qua cũ (đã qua sử dụng) để đổi lấy canh xây, lấy quà tặng. Đến nay đã xây dựng 7 ngôi nhà chứa pin ở 7 khu dân cư. Cứ 8 viên pin tiểu, 8 viên pin đại người dân sẽ đổi được 1 dụng cụ học tập, 1 túi hạt giống, hoặc một cây xanh.

Nguồn quỹ mua những món quà này do Đoàn Thanh niên xã Duy Hòa vận động từ nhiều nguồn, với mục đích tuyên truyền cho người dân nhận thức được việc phân loại và xử lý pin hợp lý.

Lượng pin thu gom được của người dân sẽ được vận chuyển đến những điểm tiêu hủy ở TP.HCM, Hà Nội để xử lý, không gây nguy hại đến môi trường.

Thùng đựng pin đã hết hạn sử dụng. Ảnh: V.Q
Thùng đựng pin cũ đa qua sử dụng. Ảnh: V.Q

Theo anh Vũ, trong pin có hàm lượng thủy ngân, kẽm rất khó phân hủy, và sau khi dùng, người dân thường vứt vào thùng rác để công ty môi trường đến thu gom hoặc đem đi đốt chôn lấp.

“Một viên pin sau khi thải ra môi trường sẽ làm ô nhiễm 500/lít nước, 1m3 đất và có thể tồn tại trong 50 năm, từ đó dễ xâm nhập qua cơ thể con người qua đường ăn uống hoặc hít thở gây hại đến não, thận và chức năng sinh sản” - anh Vũ bày tỏ.

Anh Phan Tự - Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên cho biết, trong thời gian công tác ở Đoàn Thanh niên xã Duy Hòa, anh Vũ là một tấm gương điển hình, 2 mô hình do anh Vũ sáng tạo rất hiệu quả, thiết thực.

Chế phẩm IMO qua 2 năm triển khai đã giúp người dân phân loại được rác thải tại nguồn, hạn chế thải ra môi trường. Cạnh đó, mô hình đổi pin qua sử dụng lấy cây xanh, lấy quà tặng thời gian gần đây tạo được hiệu ứng tốt trong nhân dân. Từ đó lan tỏa trong cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

THANH VIỆT - PHƯỚC HIẾU