Lê Xuân Ái - hành trình bắt đầu từ biển!
(QNO) - Những tấm ảnh cũ với nụ cười rạng rỡ của ông Lê Xuân Ái mà tôi ghi được, là những khoảnh khắc ông về với biển. Ông sinh ra từ biển, bắt đầu hành trình cuộc đời từ biển cho đến khi quay về với miền cát trắng thăm thẳm...
Ông Lê Xuân Ái sinh năm 1963 tại vùng quê biển Tam Tiến (Núi Thành) - nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo. Hơn 30 năm gắn bó với vườn quốc gia này, sau khi nghỉ hưu, ông về làm chuyên gia tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Ông được biết đến là người có công lớn trong việc bảo tồn loài rùa biển. Đặc biệt, trong 4 năm làm việc tại Cù Lao Chàm, ông Ái đã góp công rất lớn trong việc chuyển vị loài rùa biển từ Côn Đảo về khu bảo tồn này.
Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: "Tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An có kế hoạch bảo tồn rùa, tôi được giao chủ nhiệm đề tài, anh Ái đứng phía sau tư vấn, hỗ trợ. Chuyện mang trứng rùa vượt hàng nghìn cây số từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm không ngờ gặt hái thành công ngoài mong đợi".
“Mình sinh ra lớn lên ở miền biển, vốn thích ăn cá tươi quen rồi. Những năm bao cấp học đại học tại TP.Hồ Chí Minh, đói kém lại thèm cá tươi. Nên khi ra trường được nhiều nơi mời về làm việc, nhưng mình chọn Côn Đảo để về. Nhiều lần được đề nghị chuyển công tác ở nơi khác, mình xin được ở lại. Mình là người nghiên cứu, không muốn làm những công việc trên bờ" - ông Ái lúc còn sống tâm sự.
Nói đến "Ái rùa" thì người dân Côn Đảo không ai không biết. Biết ông bởi cách sống luôn nhẹ nhàng, hóm hỉnh, lúc nào cũng tươi cười, quan tâm đến người chung quanh.
Anh Nguyễn Văn Vững (cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo) tâm sự: "Anh Ái là người đầu tiên về làm giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, dành cả tâm huyết cho công tác bảo tồn. Hơn 30 năm gắn bó với quê hương thứ hai này, anh Ái là người đấu tranh không cho phá rừng, mở đường quanh đảo. Khi anh còn đương chức, nhiều dự án ảnh hưởng đến hệ sinh thái bị anh phản đối quyết liệt".
Trong 4 năm làm việc ở Cù Lao Chàm, ông Ái cùng cán bộ, chuyên gia tại đây đã di thực 6 lứa trứng rùa từ Côn Đảo. Hơn 1.800 con rùa thả xuống biển Cù Lao Chàm được nở ra từ 1.900 quả trứng mang về từ Côn Đảo được đánh giá là nỗ lực, tâm huyết của những người yêu biển...
Ông Ái dành những ngày tháng cuối cuộc đời cho quê hương mình với những cuộc rong ruổi dưới lòng biển Cù Lao Chàm để khảo sát, nghiên cứu về hệ sinh thái, về biện pháp bảo tồn hiệu quả. Ông đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về loài rùa biển và cũng là người đã nhìn ra mối liên hệ giữa rừng và biển.
“Anh Ái là người tận tâm với công việc, anh cũng là một chuyên gia rất giỏi và giàu kinh nghiệm về bảo tồn cả rừng lẫn biển. Từ khi mời được anh về Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, anh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc bảo tồn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn với cán bộ chuyên môn. Đặc biệt, chính anh là người đề xuất bảo tồn lại các bãi sinh đẻ của rùa, và dự án chuyển vị trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm thành công. Nay anh ra đi là một mất mát lớn đối với anh em khu bảo tồn biển cũng như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm” - bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm kiêm Phó ban Thường trực Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, nói.