Đề nghị chấm dứt sử dụng tác phẩm nếu không thỏa thuận được tiền bản quyền

VĂN HIẾU 01/06/2022 04:24

(QNO) - Tham gia thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ vào sáng 31.5, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam) đánh giá cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung.

đại biểu Vương Quốc Thắng
Đại biểu Vương Quốc Thắng thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: V.HIẾU

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra, bảo đảm thi hành các cam kết quốc tế, cũng như vận dụng linh hoạt các quy định mang tính nguyên tắc tại điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có nội dung về sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, vấn đề quy định ngoại lệ quyền tác giả trong dự thảo luật thì đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả (tức là sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền). Việc quy định này nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khoa học, giáo viên, học sinh, sinh viên và đối tượng khác có nhu cầu nghiên cứu, học tập trau dồi kiến thức được tiếp cận các tác phẩm, sản phẩm có giá trị để tiếp tục khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trên cơ sở dự thảo luật vẫn quy định bảo đảm nguyên tắc phép thử 3 bước ghi nhận tại nhiều điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước Berne, Hiệp định TRIPs, Hiệp định CPTPP, EVFTA tại khoản 2 Điều 25. Theo đó, việc sử dụng tác phẩm không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Tuy nhiên, để thuận lợi cho áp dụng quy định nêu trên trong thực tiễn, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị giao Chính phủ có quy định chi tiết với phạm vi phù hợp về các nội dung như “thiết bị sao chép công cộng”, “tự sao chép”, “sao chép hợp lý một phần tác phẩm” và “hoạt động công vụ”.

Về giới hạn quyền tác giả (tức là sử dụng không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền), đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng về cơ bản nội dung này không sửa đổi, bổ sung nhiều so với luật hiện hành mà chỉ chỉnh lý và quy định rõ hơn, nhất quán hơn.

Thực tế, hiện nay do đặc thù của các tác phẩm, sản phẩm sáng tạo là duy nhất, mang giá trị tinh thần, văn hóa nên rất khó xác định giá trị. Nhiều trường hợp cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, hay các đơn vị sử dụng tác phẩm, sản phẩm sáng tạo có ý trì hoãn, lẩn tránh thỏa thuận việc trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu.

Điều 26 Luật Sở hữu Trí tuệ quy định, khi các bên không thỏa thuận được về tiền bản quyền thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Nhưng, hơn 10 năm nay Chính phủ chưa quy định được trường hợp này do vướng với quy định tại Luật Giá. Tại một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (như Công ước Berne, Công ước Rome, Hiệp định TRIPs) cho phép pháp luật quốc gia có quyền quy định điều kiện áp dụng đối với các quyền liên quan đến phát sóng và quyền ghi âm, với điều kiện là không được vi phạm quyền tinh thần của tác giả và quyền của tác giả được nhận thù lao thích đáng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định trong trường hợp các bên không thỏa thuận được.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nêu việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Điều 19, Điều 22 Luật Giá trong trường hợp Nhà nước định giá để giải quyết các vướng mắc phát sinh, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của luật được thực thi trên thực tế, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị bổ sung tại dự thảo luật hoặc tại văn bản quy định chi tiết nội dung quy định: Trường hợp các bên không thỏa thuận được tiền bản quyền trong một thời hạn nhất định thì bên sử dụng phải chấm dứt ngay việc sử dụng tác phẩm, sản phẩm sáng tạo và thanh toán tiền bản quyền theo quy định của Chính phủ.

VĂN HIẾU