“Làm mới” bánh tro
(QNO) - Bánh chưng, bánh tét, bánh tổ Bà Ba Hội đã quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh mấy năm nay. Cách đây vài tháng, cơ sở sản xuất thêm bánh ú tro, bánh tét tro. Giữ được hương vị truyền thống, nhưng bánh tro của cơ sở Bà Ba Hội có sự khác biệt...
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch) trong mỗi gia đình Việt xưa nay dường như hiếm khi thiếu bánh ú tro. Nắm bắt nhu cầu thị trường, dịp này cơ sở sản xuất bánh Bà Ba Hội (khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) đưa ra thị trường khoảng 40 nghìn chiếc bánh ú và bánh tét tro.
Ngoài lúc cao điểm này, cơ sở còn sản xuất bánh tro quanh năm và đưa đi tiêu thụ ở trong lẫn ngoài tỉnh, nhiều nhất là tại các siêu thị. Bà Phạm Thị Hội - chủ cơ sở Bà Ba Hội kể, trong lúc làm bánh chưng, bà nhận thấy nguồn nguyên liệu nếp tại Quảng Nam rất dồi dào và ngon. Quảng Nam cũng có nhiều nơi trồng mè nhưng chỉ để sản xuất dầu mè mà bỏ thân cây mè - một nguyên liệu rất quan trọng tạo nên hương vị và độ ngon của bánh ú tro.
Bà Hội nói: “Ngoài nếp, thì nước tro lấy từ thân cây mè quyết định mức độ thơm ngon của bánh. Quảng Nam được biết đến là vùng đất nổi tiếng với bánh tro nhưng lại hiếm có cơ sở xây dựng thương hiệu bền vững, có tính pháp lý để đưa sản phẩm đi xa hơn. Cơ sở của tôi phát triển sản phẩm này không chỉ làm phong phú thêm danh mục sản phẩm mang thương hiệu Bà Ba Hội mà còn góp phần quảng bá giá trị của đặc sản xứ Quảng”.
Cơ sở Bà Ba Hội đã nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm. Bằng cách này, sản phẩm đặc trưng của xứ Quảng có thêm quỹ thời gian tòn tại, đồng nghĩa với việc có cơ hội và điều kiện đi xa hơn, được nhiều người biết đến hơn.
Bánh tro trên thị trường rất nhiều, vậy đâu là điểm khác biệt để thương hiệu Bà Ba Hội thu hút khách hàng? Bà Hội cho biết, khác biệt lớn nhất là sản phẩm được kiểm định đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và có hồ sơ công bố cho sản phẩm; có mẫu mã bao bì, mã truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là hạn sử dụng hiện nay lên đến 7 ngày (thường bánh tro hạn sử dụng rất ngắn, chỉ 1 - 2 ngày - NV).
Điểm sáng tạo nữa là, bánh ú tro được gói lá đót khá phổ biến, nhưng với bánh tét tro, đa số dùng lá chuối hoặc lá dong, vì lá đót nhỏ. Riêng cơ sở của bà dùng lá đót mua từ huyện Nam Trà My để gói bánh tét tro, nên bánh tạo được hương vị đặc trưng và màu sắc hấp dẫn... Và, ngâm nếp từ tro mè, gói bằng lá đót thì bánh tro sẽ cho ra màu vàng đều và thơm.
Bà Hội kể, ý tưởng làm bánh tro hình thành khá lâu nhưng mãi đến năm 2022 này bà mới thực hiện, do gặp không ít khó khăn, nhất là công thức để cho ra chiếc bánh ngon.
Bà học công thức từ một gia đình làm bánh tro lâu đời tại Hội An và tự thử nghiệm qua 19 lần pha nước tro, gói và nấu. Mỗi lần thử nghiệm mất khoảng 7 ngày từ công đoạn đốt cây mè lấy tro đến thời gian ngâm nước tro với nếp và nấu. Vừa học, bà vừa tự tìm tòi công thức đặc trưng cho riêng mình. Và tiếp đến là thử nghiệm thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Bà Hội cho biết, để có thể sản xuất đại trà, cung cấp cho thị trường và đưa vào các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart ở khu vực miền Trung từ tháng 3.2022, cơ sở bà thu gom nguồn tro từ năm trước và nguồn tro hiện rất dồi dào, đủ để cơ sở sản xuất quanh năm.