Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch

VĂN HIẾU 30/05/2022 16:37

(QNO) - Sáng nay 30.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Phiên thảo luận được phát thanh - truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: V.HIẾU
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc Quốc hội chọn vấn đề quy hoạch để giám sát tối cao là rất đúng và rất trúng. Qua báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội đã phản ánh đầy đủ kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch thời gian qua.

Nhận diện bất cập trong quy hoạch

Cơ bản thống nhất với kết quả giám sát, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng cũng đề nghị Quốc hội xem xét thêm một số vấn đề quan trọng. Về chất lượng quy hoạch, đại biểu Lê Văn Dũng đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức, tính khả thi không cao; tính liên kết, đồng bộ với các quy hoạch ngành có liên quan như đất đai, đầu tư còn yếu; công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới có nơi chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; tính kế thừa, tính dự báo chưa cao, chưa được soát xét kỹ lưỡng và khoa học.

Việc điều chỉnh quy hoạch cũng tồn tại nhiều bất cập, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến rà soát điều chỉnh quy hoạch. Ngược lại, một số quy hoạch lại thường xuyên bị điều chỉnh, điều chỉnh không theo nhu cầu khách quan, điều chỉnh để chạy theo dự án, xa rời thực tiễn.

Về mối tương quan, thứ bậc của các loại quy hoạch, theo đại biểu Lê Văn Dũng, quy định của Luật Quy hoạch thì các nội dung quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay các quy hoạch này đang thực hiện song song, do đó trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, việc đánh giá liên kết vùng, xác định tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng gặp nhiều khó khăn.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 30.5. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 30.5. Ảnh: quochoi.vn

Qua giám sát công tác quy hoạch, đại biểu Lê Văn Dũng nhận định vẫn còn những khó khăn chung. Đó là: nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý quy hoạch tại nhiều địa phương còn hạn chế số lượng và trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu tham mưu, thực hiện công tác quy hoạch, nhất là ở cấp huyện. Trong khi yêu cầu về xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng tại cấp huyện rất lớn thì vấn đề nhân sự chưa đáp ứng. Thực tế cho thấy, tình trạng chất lượng quy hoạch thấp, việc quản lý quy hoạch không tốt dẫn đến vi phạm, phá vỡ quy hoạch trong thời gian qua có một phần nguyên nhân từ đội ngũ tham mưu về công tác quy hoạch còn thiếu và yếu.

Nguồn vốn thực hiện công tác quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các quy định liên quan còn quá hạn hẹp (chủ yếu được bố trí từ ngân sách nhà nước, trong khi điều kiện thực tế của tỉnh và các địa phương còn nhiều khó khăn), do vậy không thể lựa chọn đơn vị tư vấn tốt, dẫn đến chất lượng quy hoạch kém. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị mong muốn xã hội hóa công tác quy hoạch, muốn được tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch nhưng pháp luật chưa có quy định về vấn đề này nên không thể tiếp nhận được.

Tại nhiều địa phương, mặc dù chương trình, kế hoạch phát triển của các đô thị đã được ban hành, nhưng chưa có các hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện và việc phân bổ nguồn lực để triển khai. Trong khi đó, huy động nguồn lực ngân sách cho phát triển đô thị không đủ để thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; công tác xúc tiến đầu tư, thu hút, huy động nguồn lực xã hội hóa rất hạn chế do liên tục thay đổi về chính sách, thể chế.

Đại biểu Lê Văn Dũng nhận định còn gặp khó khăn về đơn vị tư vấn. Tình trạng không đủ nguồn cung về đơn vị tư vấn dẫn đến một đơn vị phải thực hiện nhiều đồ án quy hoạch cho nhiều địa phương là một bất cập rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng quy hoạch (như quy hoạch nông thôn mới, nhiều xã cũng na ná như nhau, bởi vì copy từ đơn vị này sang đơn vị khác).

Trong khi đó, pháp luật về quy hoạch chưa có cơ chế ràng buộc, khống chế số lượng quy hoạch mà một đơn vị tư vấn có thể đảm nhận trong một đơn vị thời gian. Chưa quy định trách nhiệm của đơn vị tư vấn nếu để xảy ra sai sót, bất cập trong đồ án quy hoạch khiến chất lượng quy hoạch thấp, kém khả thi, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề cần phải được xem xét, xử lý, giải quyết để nâng cao chất lượng quy hoạch trong thời gian đến.

Đề xuất lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch

Từ những bất cập, hạn chế trong công tác quy hoạch, đại biểu Lê Văn Dũng đề xuất Chính phủ cần khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia, tạo nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khớp nối hệ thống quy hoạch trong cả nước.

Trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập đồng thời, đại biểu Lê Văn Dũng Dũng đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Có thể thấy đây là giải pháp tối ưu nhằm hạn chế mâu thuẫn khi thực hiện đồng thời các loại quy hoạch và giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong lúc chờ sửa đổi quy định liên quan.

Chính phủ cũng phải chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan đề cao công tác phối hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu, trao đổi thống nhất quan điểm trong quá trình lập - quản lý các loại quy hoạch để giảm thiểu từ đầu các hạn chế, sai sót trong công tác quy hoạch.

Đại biểu Lê Văn Dũng kiến nghị sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 148 ngày 18.12.2020 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai nhằm đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch. Cụ thể như quy định việc chuyển hồ sơ, tài liệu và kinh phí phục vụ xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai về Sở Tài nguyên và môi trường để lựa chọn nhà thầu tư vấn độc lập, riêng lẻ chưa đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ trong lập quy hoạch tỉnh theo hướng tích hợp; vì pháp luật về quy hoạch, đầu tư công và đấu thầu không quy định việc chia nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thành các tiểu dự án thành phần.

Quy định UBND cấp tỉnh gửi hồ sơ phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh đến Bộ Tài nguyên và môi trường để lấy ý kiến góp ý trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh (quy định thời hạn trả lời 30 ngày) sẽ làm phát sinh thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch và không cần thiết.

Đại biểu Lê Văn Dũng cũng đề xuất xây dựng cơ chế ràng buộc trách nhiệm, bồi thường thiệt hại của đơn vị tư vấn trong trường hợp để xảy ra sai sót trong việc tư vấn lập quy hoạch và nhất là phải khống chế được số lượng quy hoạch mà một đơn vị tư vấn có thể đảm nhiệm trong cùng một thời gian. Không để tình trạng một đơn vị đảm nhiệm quá nhiều quy hoạch, dẫn đến hàng loạt quy hoạch có chất lượng kém như thời gian qua.

VĂN HIẾU