Ứng dụng kỹ thuật ấp trứng và nuôi nhân tạo chim yến Cù Lao Chàm

NGUYỄN QUỲNH 29/05/2022 16:04

(QNO) - Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm (TP.Hội An) vừa tổ chức hội thảo khoa học (lần 2) đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật ấp trứng và nuôi nhân tạo chim yến tại đảo Cù Lao Chàm” do TS. Võ Tấn Phong làm chủ nhiệm.

Ấp trứng yến trong lò ấp. Ảnh: Đ.Đ
Ấp trứng yến trong lò ấp. Ảnh: Đ.Đ

Hội thảo với sự tham gia của chuyên gia đến từ Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Công ty Yến sào Khánh Hòa và các trường đại học trên cả nước.

Hội thảo đã nghe báo cáo kết quả ứng dụng kỹ thuật ấp nhân tạo trứng chim yến tổ trắng ở Cù Lao Chàm do Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm thực hiện năm 2021. Theo đó, ban quản lý thu 3.300 trứng yến tại đảo và chọn 2.000 trứng vận chuyển về ấp ở đất liền, trong số này tiếp tục chọn 1.000 trứng chất lượng tốt nhất để ấp trong 2 máy ấp.

Sau 20 ngày ấp nhân tạo, số lượng trứng yến có phôi tốt ở 2 máy ấp là 922 trứng (chiếm 92,2%). Đồng thời xác định được tỷ lệ nở trung bình trong 2 máy ấp so với trứng có phôi là 96%; tỷ lệ nở trung bình trên tổng số trứng ấp là 85,5%.

Thống kê trên 100 chim yến non mới nở lần lượt ở 2 máy ấp (mỗi máy 50 con) cho thấy có sự sai khác về một số đặc điểm sinh học: tỷ lệ chim non loại I là 43%, khối lượng trung bình của chim non 1,45gr, tỷ lệ khối lượng trung bình chim non trên khối lượng trung bình của trứng là 64,4%. Chim non có lông màu hồng nhạt, chưa mở mắt, phản xạ đòi ăn rất mạnh...

Tại hội thảo, chuyên gia thảo luận về thực trạng quản lý và phát triển nuôi chim yến, bảo vệ và phát triển quần thể chim yến đảo, đánh giá sơ bộ một số nguyên nhân gây sụt giảm đàn và sản lượng khai thác yến đảo Cù Lao Chàm thời gian gần đây, một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nở nhân tạo chim yến đảo Cù Lao Chàm…

Các chuyên gia cũng đánh giá cao ý nghĩa của đề tài, góp phần trong việc bảo tồn yến Cù Lao Chàm.

NGUYỄN QUỲNH