Áp lực của doanh nghiệp du lịch

QUỐC TUẤN - TRỊNH DŨNG 26/05/2022 22:17

Ngày 26.5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động. Đại diện doanh nghiệp kiến nghị nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng không ít vấn đề nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Đại diện khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: TUẤN DŨNG
Đại diện khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: TUẤN DŨNG

Ngoài thẩm quyền địa phương

Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách tham quan, lưu trú Quảng Nam ước đạt hơn 1,55 triệu lượt (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2021). Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 1.110 tỷ đồng. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 2.609 tỷ đồng.

Rất nhiều ý kiến của đại diện doanh nghiệp (DN) đều có chung “địa chỉ” của cơ quan thẩm quyền giải quyết là Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Cụ thể, DN kiến nghị cần tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN đến hết năm 2023. Đề nghị nâng tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các DN dịch vụ du lịch từ 30% lên 70% so với năm 2021, tiếp tục kéo dài thời gian giảm tiền thuê đất đến hết năm 2023

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các DN du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tháng 6.2023.

Xem xét tiếp tục hỗ trợ giảm giá bán điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán điện kinh doanh sang giá bán lẻ cho các ngành đầu tư sản xuất; đồng thời có chính sách miễn giảm thuế, giảm phí giao thông đường bộ đối với các DN lữ hành du lịch trong năm 2022…

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ - du lịch Hội An, từ khi bùng phát dịch Covid-19 thì càng về sau, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ càng sát sườn, dễ tiếp cận cho mọi đối tượng. Dù vậy, vẫn có những chính sách mà DN du lịch khó lòng hưởng lợi bởi đã cắt giảm hết nhân sự, không đáp ứng tiêu chí để tiếp cận.

“DN kiến nghị cần xem xét kéo dài thời gian ổn định tiền thuê đất, chứ năm 2023 tiếp tục tăng tiền thuê đất lên gấp khoảng 10 lần so với mức hiện nay là quá khó khăn cho DN du lịch” - bà Lan nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch tại Hội An nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TUẤN DŨNG
Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch tại Hội An nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TUẤN DŨNG

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam cho biết, có ý kiến về việc giảm lãi suất còn thấp, chưa đáp ứng mong đợi của DN du lịch; tuy nhiên với những khoản vay rất lớn thì việc giảm 0,5 - 1% lãi suất cũng đã chia sẻ một khoản kinh phí khá lớn cho DN.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, trong suốt thời gian bùng phát dịch Covid-19, Quảng Nam đã tích cực đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ DN du lịch.

“Về các kiến nghị, đề xuất ngoài thẩm quyền của địa phương, tỉnh sẽ tổng hợp và có văn bản kiến nghị đến Quốc hội để xem xét giải quyết, hỗ trợ. DN du lịch cũng cần phải chia sẻ về việc điều chỉnh giá đất bởi cơ quan chức năng phải thực hiện đúng quy định bám sát mức giá thị trường để tránh thất thoát ngân sách” - ông Trần Văn Tân nói.

Nhiều tồn tại dai dẳng

Du lịch từ đầu năm 2022 phần nào phục hồi giúp DN gượng dậy nhưng nhiều vấn đề tồn tại lâu nay của ngành du lịch đã tác động đến hoạt động của DN du lịch nói riêng và định hướng phát triển du lịch xanh của Quảng Nam nói chung.

Đại diện nhiều DN tại Hội An phản ánh tình trạng kẹt xe tại phố cổ Hội An, thiếu không gian giải trí cho du khách; tình trạng chèo kéo, cò mồi xuất hiện trở lại; hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới…

Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội An đối mặt với áp lực rất lớn từ việc điều chỉnh giá tiền thuê đất. Ảnh: Q.T
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội An đối mặt với áp lực rất lớn từ việc điều chỉnh giá tiền thuê đất. Ảnh: Q.T

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Giám đốc khách sạn Tam Thanh Beach Resort & Spa (TP.Tam Kỳ) cho hay, Quảng Nam đang hướng đến phát triển du lịch xanh nhưng rác thải, vỏ hải sản vẫn xuất hiện nhan nhản ở bãi biển Tam Thanh. Nhiều khách du lịch tại đây cũng không cảm thấy thoải mái bởi tình trạng hàng rong chèo kéo, giá cả ở quán xá chưa minh bạch…

Trong khi đó, đại diện Khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An (huyện Núi Thành) cho rằng, “chúng ta đang nhận thấy áp lực của cơ sở hạ tầng du lịch ngay cả khi du lịch chưa phục hồi hoàn toàn thì tình hình sẽ ra sao một khi du lịch sôi động trở lại.

Lấy ví dụ với TUI Blue Nam Hội An, ở một số thời điểm việc cung ứng điện, nước sạch và đường giao thông đến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu của đơn vị. Ngoài ra, chúng ta cần xem Quảng Nam đã thực sự thực hành du lịch xanh và thực hiện ưu đãi trong đầu tư du lịch như đã phát động hay chưa?”.

Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, nhiều vấn đề DN nêu ra không mới và chính quyền thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát nhưng chỉ cần lơi ra một thời gian là lại tái diễn.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch địa phương sẽ còn gặp khó trong ngắn hạn bởi một số thị trường khách chủ lực của Quảng Nam lâu nay vẫn đang thực hiện kiểm soát chặt với dịch Covid-19. Bên cạnh đó, vấn đề ưu đãi thị thực cũng chưa đáp ứng được bối cảnh mới hậu đại dịch.

QUỐC TUẤN - TRỊNH DŨNG