Ngân hàng đặc biệt
Có một ngân hàng đặc biệt, mà những người giữ nguồn luôn rạng ngời mỗi lần được “chi”. Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh - đúng như tên gọi, là “nguồn sống” nuôi những em bé vừa chào đời đã phải tách mẹ...
Dù người mẹ có mắc bệnh hiểm nghèo, hay những người rủi ro gặp các biến cố trong cuộc sinh nở... thì đứa con bé bỏng của họ vẫn được nuôi bằng sữa mẹ từ giây phút đầu tiên chào đời.
Nỗ lực này, phần lớn từ những người phụ nữ đã không ngần ngại khó khăn để đi khắp nơi làm cho bằng được một “Ngân hàng sữa mẹ (NHSM) vệ tinh”, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.
1. Nhẹ nhàng, thuần thục với từng muỗng sữa bón cho bé trai vừa sinh vào 6 giờ sáng 25.5.2022, điều dưỡng Trần Thị Thanh nói, ở bệnh viện, hầu như ngày nào cũng có những bé nhỏ được bón sữa như vậy. Có em thì nhẹ cân, sinh non, có em vì mẹ mắc bệnh lý, còn cậu bé mà điều dưỡng Thanh đang “cho ăn” này thì cân nặng quá lớn.
“Để tránh bé bị hạ đường huyết đột ngột, ngoài phương pháp kanguru, bé phải được bú mẹ liên tục. Ngày đầu sau sinh, mẹ chưa về sữa, chúng tôi phải nuôi em bằng sữa mẹ thanh trùng từ NHSM vệ tinh” - điều dưỡng Trần Thị Thanh nói.
Ở khu vực đơn nguyên sơ sinh của Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, hầu hết là những em bé cần chăm sóc đặc biệt. Có trẻ sinh non, trẻ vàng da phải chiếu đèn và những trẻ phải được ấp bằng phương pháp kanguru liên tục. Những em bé này, theo nghiên cứu y khoa, được xếp vào nhóm trẻ dễ bị tổn thương, cần được dưỡng nuôi bằng nguồn sữa mẹ để tạo kháng thể cần thiết.
Và trong điều kiện phải tách mẹ sau sinh, sữa mẹ thanh trùng được lựa chọn, thay vì nguồn sữa công thức từng gây xôn xao vì những quảng bá đặc biệt.
“Theo nghiên cứu, sữa mẹ thanh trùng dùng thay thế tạm thời sữa mẹ đẻ, giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong vòng 28 ngày đầu đời, giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch tới 10 ngày so với sử dụng sữa công thức” - chuyên gia của Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho biết.
Chính những giá trị đặc biệt này thôi thúc họ phải làm điều gì đó. “Điều gì đó”, như người đầu tàu của Chương trình nuôi con bằng sữa mẹ tại Quảng Nam - bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh nói, là trẻ em phải được hưởng đặc quyền của mình. Được nuôi nấng ngay lúc rời khỏi bụng mẹ bằng chính dòng sữa từ người mẹ.
Có thể không phải là sữa của mẹ ruột, nhưng chính những kỳ diệu từ kháng thể được hình thành trong dòng sữa của một người làm mẹ, đã tạo nên vòng bảo vệ đặc biệt cho trẻ thơ ngay lúc chào đời. Và chính vì thế, bác sĩ Kiều Trinh cho biết mình luôn trăn trở phải làm sao để thay đổi nhận thức của những bà mẹ ở Quảng Nam, từ chính câu chuyện nuôi con bằng sữa mẹ này.
2. Tháng 10.2019, y bác sĩ Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam mừng vui với danh hiệu “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” do Bộ Y tế và tổ chức Alive & Thrive trao tặng.
Vui mừng bởi chính những nỗ lực của họ trong suốt quãng thời gian liên tục thay đổi, học tập và vận động các sản phụ thay đổi ý thức về việc nuôi con của mình. Những lớp học tiền sản liên tục được mở ra, từ người vận hành không mỏi mệt - lúc bấy giờ là Trưởng khoa Phụ sản của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh.
Thời điểm này, với những thai phụ tại Quảng Nam, gần như các kiến thức chăm sóc trước và sau sinh nở đều phải tự mình kiếm tìm. Do đó những chuyên đề gắn với từng giai đoạn của sản phụ được chuẩn bị chu đáo, ngõ hầu giúp sản phụ tiếp cận được với các kiến thức chăm sóc thiết yếu nhất.
Mô hình “Phòng sinh thân thiện” cũng xuất phát đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Hàng loạt hoạt động đều hướng tới việc để sản phụ và em bé chào đời được thụ hưởng những điều kiện chăm sóc tốt nhất.
Làm thế nào để đảm bảo việc chăm sóc thiết yếu sau sinh cho mẹ và bé, đảm bảo bé được da kề da với mẹ ngay sau sinh liên tục 90 phút và bú cữ đầu tiên trên ngực mẹ. Kể cả sau khi xuất viện, mẹ phải để bé tiếp tục được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến khi trẻ đủ 24 tháng tuổi.
Liên tục những nhiệm vụ mà bác sĩ Kiều Trinh nói, bà luôn tự đặt ra cho mình phải hoàn thành để mục đích đầu tiên là những đứa trẻ phải được nuôi lớn bằng sữa mẹ, ít nhất là trong những ngày mẹ còn ở viện.
Đây cũng là những thôi thúc để từ người đầu tàu này, tháng 7.2020, một năm sau ngày danh hiệu “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ” được trao, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, một ngân hàng đặc biệt ra đời mang tên NHSM vệ tinh.
3. “NHSM vệ tinh là sáng kiến cho việc nối dài các hoạt động từ NHSM chính, đặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Trong ngày khai trương ngân hàng vệ tinh này, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh nói, bà tràn đầy hy vọng vì sự ra đời của ngân hàng ở Quảng Nam sẽ giúp cải thiện chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, giúp các bà mẹ hiểu thêm về tầm quan trọng của sữa mẹ.
“NHSM vệ tinh Quảng Nam sẽ là cầu nối giữa những bà mẹ thiện nguyện muốn hiến tặng sữa của mình và mang những dòng sữa đảm bảo an toàn đến những đối tượng đang cần sữa mẹ: những em bé sinh non, những em bé sinh ra không có điều kiện được nhận sữa mẹ do người mẹ bị bệnh nặng hoặc đang dùng những loại thuốc ảnh hưởng đến sữa mẹ” - bác sĩ Kiều Trinh nói.
Một góc độ khác, từ phía NHSM chính đặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, bà Lê Thị Thanh Hương - điều phối NHSM cho biết, NHSM hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế do Quỹ Margaret A. Cargill và Bill & Melinda Gates tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của PATH và Alive & Thrive.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh vận hành dây chuyền lạnh khép kín, đảm bảo sữa 100% đông đá trong quá trình vận chuyển và liên thông hệ thống theo dõi, đảm bảo truy xuất sữa từ bà mẹ hiến tặng tới trẻ sử dụng ở NHSM và ngược lại.
Lần giở lại những thông tin của các em bé đặc biệt từng được nuôi dưỡng bằng NHSM vệ tinh của bệnh viện, có rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Đó là con cái của những bà mẹ người dân tộc thiểu số, khi cuộc sinh của họ phải gian nan và thậm chí nguy hiểm đến cả mạng sống người mẹ.
Thậm chí có những trẻ em đã mắc bệnh nguy hiểm ngay khi chào đời, phải được chăm sóc đặc biệt... Từng hoàn cảnh một, như những thước phim chầm chậm tua lại, trong từng câu chuyện của những người chứng kiến quá trình xây dựng và vận hành ngân hàng đặc biệt này.
Không kể lể dài dòng về quá trình hình thành, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh nói, thật may mắn khi trong suốt 2 năm qua, chưa một trẻ nhỏ nào gặp tình trạng dị ứng hay nhiễm khuẩn vì dòng sữa mẹ thanh trùng này.
Từ NHSM vệ tinh, hơn 1.500 em bé chào đời từ những cuộc sinh an toàn tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, trong 2 năm qua, được dưỡng nuôi bằng những giọt sữa mẹ đầy ấm áp, yêu thương này. Độ cuối năm 2021, vào những ngày dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, có những người mẹ mắc Covid-19 nhưng con họ vẫn được dùng sữa mẹ trong suốt những ngày ở bệnh viện.
Tôi vẫn cứ giữ mãi trong mình niềm xúc động đặc biệt, khi nhìn thấy ngay tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng do Bệnh viện Đa khoa tỉnh vận hành, các nữ hộ sinh và bác sĩ của Khoa Phụ sản vẫn dành một góc để đặt tủ sữa mẹ với nguồn sữa được vận chuyển từ kho của NHSM vệ tinh, để dành cho những em bé chào đời từ những người mẹ F0. Trong bộn bề gian nan, họ vẫn cố để duy trì được điều tốt nhất dành cho trẻ thơ...