Trồng rau thủy canh trên vùng đất cát

LÊ VĂN VINH 26/05/2022 09:52

Trở về từ Nhật Bản sau 4 năm xuất khẩu lao động, Triệu Quý Nam kết hợp cùng bạn là Lê Tấn Pháp lập trang trại sản xuất rau thủy canh tại quê nhà với những vụ mùa hứa hẹn.

Anh Lê Pháp bên các luống rau sạch. Ảnh: L.V.V
Anh Lê Pháp bên các luống rau sạch. Ảnh: L.V.V

Góp nhặt kinh nghiệm xứ người

Triệu Quý Nam lớn lên từ một miền quê cát trắng có truyền thống lâu đời về trồng trọt, nơi từng nức tiếng một thời về các loại rau củ như dưa hành, kiệu nén, bắp su.

Anh Nam tâm sự, màu xanh non của luống hành, rau đậu trên những nổng cát trắng trong những ngày theo cha lên thổ chăm sóc rau quả ở quê nhà vẫn đeo đuổi anh đến tận đất nước mặt trời mọc.

Nỗi trăn trở về kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và làng xóm cứ mãi thôi thúc trong anh. Có lẽ vậy mà trong những năm tháng xứ, Nam đã cố tìm tòi, học hỏi người Nhật về việc trồng rau với cách làm khoa học, hiện đại.

Anh cố gắng tích lũy kinh nghiệm để mai này trở về quê lập nghiệp. Năm 2021 sau khi về nước, Nam và người bạn cùng quê Lê Tấn Pháp bắt tay xây dựng một trang trại rau theo phương pháp thủy canh ngay tại chính quê hương mình ở làng Tất Viên, xã Bình Phục, Thăng Bình .

Bằng nguồn vốn khiêm tốn dành dụm mấy năm lao động ở Nhật Bản, được sự động viên, hỗ trợ của Hội Nông dân xã Bình Phục, vay thêm ngân hàng, người thân cho mượn đất, hai thanh niên quyết xây dựng trang trại trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh.

Cuối tháng 12.2021, sau 3 tháng thi công, hệ thống công nghệ thủy canh Nutrient Film Technique (công nghệ thủy canh dinh dưỡng màn mỏng - NFT) trồng rau đầu tiên ở xã Bình Phục đã hoàn thành với kinh phí hơn 350 triệu đồng. Trang trại có diện tích 620m2 gồm 9 giàn trồng rau, mỗi giàn có 10 ống và có 1.560 lỗ, mỗi lỗ trồng từ 2 đến 3 cây.

Trung bình mỗi lỗ sau khi thu hoạch được 1 lạng rưỡi rau, thường 7 lỗ thu được 1kg. Bên luống rau thủy canh sắp thu hoạch, anh Pháp chia sẻ: “Trang trại trước mắt chỉ có hai lao động, về kỹ thuật chủ yếu anh Nam phụ trách, còn tôi chăm sóc và lo những phần việc khác. Nếu thu hoạch hết một giàn sẽ được từ 130 - 150kg rau, giá hiện nay dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg”.

Ảnh: L.V.V
Ảnh: L.V.V

Hướng đi đúng

Sau 3 tháng gieo trồng, đầu tháng 3.2022 lứa rau đầu tiên đã được xuất xưởng. Niềm vui vỡ òa trên khuôn mặt hai chàng trai và người thân khi chứng kiến những bó rau sạch bằng kỹ thuật công nghệ đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm được làm ra từ chính bàn tay của những chàng trai quê nhà.

Bên cạnh niềm vui, Nam và Pháp vẫn lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Thông qua mạng xã hội, hai anh quảng bá hình ảnh rau thủy canh đến với tất cả bạn bè mà mình quen biết. Nhờ vậy rau của trang trại đã được các cá nhân, tổ chức ở địa phương đặt hàng.

Kế hoạch mỗi ngày xuất bán một luống rau (tương đương 130kg) đã bị phá vỡ vì hiện nay rau của cơ sở cung không đủ cầu. Ý định liên kết với các siêu thị đành gác lại, chỉ ưu tiên cho những khách hàng quen như Trường Mầm non xã Bình Phục và người dân trong xã.

Hai tháng thu hoạch, sau khi trừ chi phí hai anh thu về hơn 30 triệu đồng lãi ròng. Hiện nay, trang trại “Green farm” (tên thương hiệu quảng bá hiện nay) trồng khá nhiều loại rau từ xà lách đến cải ngồng, cải ngọt, cải thìa, bó xôi. Trước nhu cầu của thị trường, trang trại tiếp tục trồng thêm nhiều loại rau mới để người tiêu dùng dễ lựa chọn như cải đuôi phụng, su hào tím, cần tây.

Học sinh Trường Mần non xã Bình Phục tham quan vườn rau.
Học sinh Trường Mần non xã Bình Phục tham quan vườn rau.

Anh Pháp cho biết đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao, nhiều ưu điểm hơn cách trồng rau truyền thống như ít sâu bệnh, không bị thời tiết làm ảnh hưởng đến chất lượng của rau, sản xuất quanh năm đạt năng suất cao, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng.

Bà Trương Thị Quyết (ở làng Tất Viên, xã Bình Phục) cho biết: “Người dân nơi đây thường đến trang trại mua rau của hai cháu về ăn hàng ngày, ai nấy đều khen rau tươi, ngon, đậm vị. Rau sạch mà giá cả lại phù hợp”.

“Với mức tiêu thụ như hiện nay trang trại không thể đáp ứng kịp cho người tiêu dùng theo từng ngày, chưa nói đến việc liên kết với các đại lý hay siêu thị, bởi từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch mất khá nhiều thời gian (35 - 40 ngày), vì thế không có cách nào khác là mở rộng diện tích.

Chúng tôi trồng thêm nhiều loại rau chất lượng cao như cải bina, xà lách xoăn kale vừa hạn chế diện tích vừa nâng giá trị kinh tế lại vừa đáp ứng nhu cầu của khách” - anh Pháp bộc bạch.

“Chúng tôi muốn mở rộng quy mô trang trại và giới thiệu sản phẩm của mình vượt ra ngoài địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm cho bà con trong làng, song nguồn vốn còn hạn hẹp. Thời gian tới, rất cần sự hỗ trợ từ địa phương, các ban ngành liên quan về mặt pháp lý để có thể phát triển thành hợp tác xã, tạo thuận lợi trong sản xuất, ổn định đầu ra sản phẩm ” - anh Nam bày tỏ.

LÊ VĂN VINH