Một dòng sông, mấy đời cầu…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 26/05/2022 07:57

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từ sau năm 1950 đã có các ca khúc hay như “Nắng lên xóm nghèo”, “Tình thắm duyên quê”, “Lúa về đêm trăng”… được công chúng yêu mến. Từ 1959 đến 1970 ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công… ở Đà Nẵng.

Cầu Hạt qua các thời kỳ.
Cầu Hạt qua các thời kỳ.

Ngoài yêu mến một người thầy, chúng tôi còn yêu và nghêu ngao hát các ca khúc đầy tình cảm quê hương của ông từ khi bắt đầu bậc trung học cho đến mãi bây giờ, trong đó có bài “Tình thắm duyên quê”: “… Đường về thôn em duyên dáng bên sông con thuyền xuôi mái. Nhịp cầu băng qua men lối đi quanh co, cỏ hoa nối dài… Đường về thôn anh con sáo ru êm êm trên đồng xanh lúa. Nhịp cầu băng qua đưa lối sân rêu xưa thắm hoa bốn mùa…”. Bài hát này gắn liền với lịch sử một chiếc cầu ở làng tôi: cầu Hạt…

Chuyện một chiếc cầu

Đây là chiếc cầu bê tông vĩnh cữu nối giữa hai làng Ngũ Giáp và An Tự của xã Điện Thắng Nam (Điện Bàn), nhưng thực ra là nối cả 4 làng, thêm Phong Lục Đông và Thanh Quýt nữa. Cầu Hạt hiện nằm trên trục đường ĐH6 chạy từ xã Điện Thắng Trung đến xã Điện Phước ở phía tây bắc thị xã Điện Bàn, vừa hoàn thành vào cuối năm 2021.

Theo ông Hà Sáu - nguyên Chủ tịch xã Điện Thắng, do con sông Thanh Quýt phân chia, việc đi lại của hai làng An Tự, Thanh Quýt phía tả ngạn và vùng Phong Lục Đông, Ngũ Giáp ở hữu ngạn toàn bằng ghe đò nên rất hạn chế, nhất là vào mùa mưa lũ.

Trong chiến tranh, địa phương đã huy động nhân dân hai làng làm cây cầu tạm bằng tre vào khoảng cuối năm 1965, “trụ cầu bằng tre đóng chéo, phía trên chỉ có hai thanh tre song song để đi qua, vào mùa mưa lụt thì tháo dỡ…”.

Đến gần Tết Mậu Thân 1968, ngay từ đầu năm, chính quyền cách mạng xã Điện Thắng đã huy động nhân dân thôn An Tự và vùng Phong Lục Đông đốn tre làm cầu có quy mô và chắc chắn hơn, chiếc cầu tre mới có thể cho bộ đội đi qua, cho việc tải đạn, tải thương phục vụ chiến tranh. Cây cầu tre này tồn tại cho đến năm 1975.

Đến năm 1979, Hợp tác xã Nông nghiệp I Điện Thắng gồm các thôn Phong Lục, Phong Ngũ, An Thanh có dân cư và đất đai nằm cả hai phía tả ngạn và hữu ngạn nên việc đi lại làm mùa, vận chuyển hàng hóa vật tư giữa hai vùng rất bức thiết, vào mùa mưa lụt cầu tre phải tháo dỡ, phải dùng chiếc phà nhôm có dây neo từ gốc cây của hai bên bờ sông để kéo.

Năm 1981, hợp tác xã với sự hỗ trợ của Phòng Giao thông vận tải Điện Bàn đã làm trụ cầu bằng sắt đường rây xe lửa, đóng sâu xuống lòng sông, bên trên mặt cầu dùng gốc tre già cột dây thép dày, rộng chừng 2m, có thể kéo lúa, vật tư, cả đám cưới và đám ma cũng qua lại dễ dàng. Đến năm 1990 thì thay tre bằng gỗ ván kiên cố hơn.

Năm 2003, UBND huyện Điện Bàn đầu tư 600 triệu đồng xây dựng cầu mới bằng bê tông có thể cho xe ô tô con và xe tải nhỏ dưới 8 tấn đi qua. Cầu này tồn tại gần 20 năm cho đến năm 2021 khi con đường mới mang tên ĐH6 mở ra, kết nối cả vùng tây bắc Điện Bàn đến quốc lộ 1 và Đà Nẵng…

Sao gọi là cầu Hạt?

Cầu nằm sát vườn nhà ông Phan Hạt ở phía hữu ngạn sông Thanh Quýt, nên từ sau 1975, người dân tự gọi “cầu Hạt” thành quen, mang tính dân gian vẫn thường thấy ở nông thôn.

Theo ông Hà Sáu, ông Phan Hạt sinh năm 1929 tại làng Phong Lục Nam xã Điện Thắng. Cha mất sớm, ông sống với mẹ, dân làng thường gọi mẹ ông theo tên con đầu là bà Hạt.

“Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, bị bắt đày ra Côn Đảo từ năm 1955 đến 1963. Ra tù ông được cấp trên giao nhiệm vụ giao liên nội thành Đà Nẵng. Đến năm 1975 ông về quê sinh sống, tham các phong trào ở địa phương và được bầu vào Ban Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp I Điện Thắng phụ trách vật tư và chăn nuôi.

Ông vốn là người rất mẫu mực, tâm huyết nhưng cuộc sống luôn gặp những điều bất trắc. Năm 1980, khi cả nhà ông đi vắng, ngôi nhà bỗng nhiên bốc cháy, thiêu rụi hết tài sản, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, phải xin khu đất khác để làm nhà mới. Ngày 11.7.1981, trên đường từ Đắk Lắk mua thức ăn chăn nuôi cho hợp tác xã trở về bằng xe tải, ông bị rơi từ xe xuống đường ở đèo Cù Mông và tử vong…”.

Ông Phan Hạt đã mất đi trong thương tiếc của dân làng, nhưng cái tên cầu Hạt vẫn được giữ lại, như một ghi dấu giai đoạn lịch sử của một vùng quê! Từ tên gọi dân gian, chiếc cầu mới vĩnh cữu trên đường ĐH6 vẫn được giữ lại về sau…

Dù chiếc cầu có quy mô khác nhau do điều kiện kinh tế xã hội mỗi thời kỳ, nhưng theo đứa cháu họ của tôi, tấm ảnh đám rước dâu trong đám cưới của cháu chụp trên chiếc cầu này thời bao cấp, vẫn được giữ mãi như một kỷ vật khó quên. Nhìn tấm ảnh, tôi liên tưởng tới nhiều mối quan hệ sui gia giữa hai làng Thanh Quýt và Ngũ Giáp trong quá khứ nghèo khó.

Trong những mối quan hệ đó, có bà Tằng tổ của chúng tôi là con gái họ Hà làng Ngũ Giáp sang Thanh Quýt làm dâu và người cô ruột của chúng tôi sau này lại là dâu họ Hà bên ấy! Vì vậy mà đứng trên cầu Hạt hôm nay, tôi lại nhớ đến bài hát “Tình thắm duyên quê” của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ - thầy tôi: “…Đường về hai thôn mai mốt đôi uyên ương qua cầu soi bóng. Nhủ thầm sông ơi gương nước chưa phôi pha ta còn vui hoài…”.

 Dòng sông quê, những đời cầu và đời người như hòa quyện vào nhau!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG