Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Phát huy vai trò kết nối trong bối cảnh mới

ALĂNG NGƯỚC 25/05/2022 06:36

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế vùng, vai trò kết nối cũng như quá trình thực thi chính sách liên kết… là những vấn đề sẽ được thảo luận tại “Tọa đàm liên kết phát triển tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới đây. Thông qua buổi tọa đàm này, Quảng Nam kỳ vọng sẽ thúc đẩy vai trò cầu nối, phát huy hiệu quả phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh bàn góp ý về tổ chức tọa đàm liên kết phát triển tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sắp tới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh bàn góp ý về tổ chức tọa đàm liên kết phát triển tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sắp tới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Phát huy vai trò động lực

Được thành lập vào năm 2008 theo Quyết định 1085 của Thủ tướng Chính phủ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm 5 đơn vị hành chính Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Khu vực này được xem có vị trí chiến lược, kết nối liên vùng dọc theo tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây và tiểu vùng sông Mê Kông; đồng thời đóng vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên…

Với vai trò là đơn vị đăng cai sự kiện, Quảng Nam đề xuất một số nội dung liên quan đến phát triển tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới.

Cụ thể, bên cạnh đẩy mạnh cơ chế chính sách phát triển các khu kinh tế, cần xây dựng mô hình liên kết gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời tăng cường liên kết phát triển nguồn nhân lực số theo xu hướng chuyển đổi số; xây dựng hệ thống quản lý, hỗ trợ thông tin và giám sát tàu cá trên biển...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, với diện tích tự nhiên khá lớn (khoảng 28.114km2), Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế về biển đảo và danh lam thắng cảnh, rất thuận lợi để phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế khác gắn liền với biển.

Từ những lợi thế này, những năm qua, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã phát huy vai trò động lực, kết nối và thúc đẩy sự phát triển chung cho toàn miền Trung, nhất là hình thành các khu kinh tế ven biển mang tính đột phá, đóng góp vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Ngoài ra, vai trò chuỗi đô thị động lực ven biển từ Huế đến Quy Nhơn cũng tạo nên một diện mạo mới, một không gian kinh tế ven biển đầy năng động của khu vực miền Trung.

Trên cơ sở phát huy tiềm lực phát triển du lịch từ lợi thế thiên nhiên ban tặng, nhiều không gian đặc trưng với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú đã để lại ấn tượng cho du khách, tạo động lực phát triển mạnh về du lịch liên kết vùng.

Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, Vùng kinh tế trọng miền Trung vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục khắc phục một cách có chiều sâu, chiến lược.

“Với đặc thù của khu vực miền Trung, ngoài việc đẩy mạnh liên kết dọc theo trục ven biển, thời gian tới cần quan tâm nghiên cứu chủ trương liên kết ngang theo hướng kết nối từ Tây Nguyên xuống khu vực ven biển Nam Trung Bộ, nhằm mở rộng thị trường phía tây, sang Lào và Campuchia” - ông Lê Trí Thanh nói.

Nâng chuỗi giá trị liên kết

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, thông qua tọa đàm được tổ chức tới đây, cần liệt kê cụ thể các vấn đề quan tâm, trên cơ sở định hướng quy mô phát triển chung của khu vực. Đây được xem là nội dung dẫn dắt để nghiên cứu sâu hơn về chuỗi giá trị liên kết vùng trong tương lai.

Với lợi thế chung về biển, miền Trung trong định hướng sẽ kết nối phát triển mạnh về du lịch biển, đô thị ven biển. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Với lợi thế chung về biển, miền Trung trong định hướng sẽ kết nối phát triển mạnh về du lịch biển, đô thị ven biển. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Liên quan đến thể chế chính sách liên kết vùng, Chủ tịch UBND tỉnh  đề nghị cần có thêm sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương nhằm xây dựng nhiều hơn các mô hình tăng trưởng phù hợp, hướng đến cụ thể hóa quy hoạch phát triển vùng hiệu quả.

Ngoài ra, trong chiến lược phát triển cần quan tâm đến quy hoạch tiểu vùng và vùng miền Trung, xem đó là khung định hướng để các địa phương xây dựng quy hoạch phù hợp cho từng địa phương mình.

Các ý kiến thảo luận của chuyên gia cũng cần xoáy sâu vào các vấn đề cụ thể, nhằm tìm hướng chung nhất, phù hợp nhất cho quá trình phát triển, góp phần nâng cao chuỗi giá trị liên kết vùng miền Trung.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, trong chiến lược phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các địa phương xác định vai trò liên kết như một mắc xích không thể tách rời.

Do vậy, cùng với tăng cường hiệu quả công tác kết nối, xây dựng các mô hình phát triển phù hợp, cần nghiên cứu sâu đến vấn đề kinh tế biển nhằm kích cầu tăng trưởng, giúp xoay chuyển vùng một cách rõ nét.

Với lợi thế chung về tiềm năng kinh tế biển và hạ tầng sân bay, bến cảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kỳ vọng trong tương lai, miền Trung sẽ tập hợp được sức mạnh, mở rộng đầu tư đô thị ven biển, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế của cả khu vực.

ALĂNG NGƯỚC