Thị trấn trong lòng bàn tay

THÀNH CÔNG 22/05/2022 07:42

Trăm bận tới lui Hà Lam, chúng tôi vẫn mặc định với nhau rằng, thị trấn ấy, dường như vừa trong lòng một bàn tay.

Hà Lam cần nhiều nỗ lực hơn để đạt được các tiêu chí về đô thị loại IV.
Hà Lam cần nhiều nỗ lực hơn để đạt được các tiêu chí về đô thị loại IV.

Thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) sau mấy mươi năm đi cùng những cuộc đổi dời về quy hoạch, chính sách và đời sống, chừng như vẫn tụt lại so với Nam Phước, Vĩnh Điện, Núi Thành, dù cùng điểm chung là thị trấn có quốc lộ 1 ngang qua.

Vẫn nhỏ bé, chức năng của một trung tâm hành chính nổi trội hơn so với sôi động thương mại dịch vụ, nên thiếu thứ năng lượng kích thích đáng kể cho tầm vóc và sự phát triển của đô thị…

Khó mở rộng

Rất khó để định dạng vị thế của Hà Lam trên trục phát triển liên huyện, bởi những trở lực mang tính lịch sử vẫn còn tồn tại. Không thể phủ nhận ít nhiều khởi sắc từ những quyết tâm quy hoạch, thay đổi diện mạo bằng việc thông tuyến nhiều đoạn đường, củng cố và nâng cấp hạ tầng giao thông, khớp nối liền mạch để tạo cảnh quan đô thị và tạo điều kiện đi lại, giao thương.

Song, đâu đó trong tâm thức cư dân, nhất là những người đã gắn bó với vùng đất này từ vài mươi năm trước, vẫn không có quá nhiều thay đổi. Thị trấn vẫn được nhận diện bằng ngã tư quốc lộ 1, con đường Tiểu La vốn đã quá chật chội. Những nỗ lực mở rộng hạ tầng giao thông gặp khó, bởi giải phóng mặt bằng là cả thử thách lớn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nói, Hà Lam vẫn chưa thể là một đô thị loại 4. “So với các huyện đồng bằng, chưa tính tới thị xã Điện Bàn hay các thành phố Tam Kỳ, Hội An, quy hoạch phát triển đô thị của Thăng Bình tương đối yếu.

Hiện nay, dân số Hà Lam mới chỉ khoảng 19.000 người, không đạt tới 15% quy mô dân số đô thị. Thị trấn chỉ có vùng lõi, nhiều khu vực vùng ngoại ô thị trấn không khác gì nông thôn. Đó là chưa nói đến phát triển hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan. Nhiều tuyến đường không có vệt cây xanh, mở rộng ra phía Bắc hay phía Nam cũng đều gặp khó.

Cái khó chung nhất, là quy hoạch. Quy hoạch chậm, đầu vào không theo kịp nhịp độ phát triển, đầu ra chắc chắn sẽ có bất cập, không phù hợp. Diện tích đô thị cũng nhỏ, chỉ xấp xỉ 1.300ha, trong khi xây dựng đô thị quy hoạch chi tiết hiện chỉ khoảng 183ha. Nhỏ, nhưng lại khó đầu tư, đụng vào đâu cũng khó giải phóng mặt bằng, nhất là việc mở rộng đường giao thông” - ông Vỹ đề cập.

Có quá nhiều tâm tư ở cấp độ quản lý Nhà nước, cho thấy những trở lực mà địa phương này gặp phải để hiện thực hóa một diện mạo tương xứng cho đô thị loại 4 - điều mà lẽ ra Hà Lam phải đạt được nếu đặt vào vị trí trung điểm khá thuận lợi và so sánh với sự sôi động cách đó không xa, về phía biển.

Năng lượng nào cho đô thị?

Vậy nên, mới có những ví von rằng Hà Lam vẫn chỉ là thị trấn trong lòng một bàn tay. Tạo động lực phát triển đô thị, đòi hỏi phải hình thành những dự án khớp nối hạ tầng, từng bước thay đổi hình hài có phần “khiêm tốn” đã tồn tại quá lâu ở thị trấn này.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói, cuối tháng 3 vừa qua, khu đô thị mới trung tâm Hà Lam chính thức được khởi công, củng cố quyết tâm xây dựng đô thị hiện đại, xanh, sạch, phù hợp với chương trình phát triển đô thị cho thị trấn tầm nhìn đến năm 2030.

Với nhiều hạng mục bao gồm san nền, xây dựng hạ tầng giao thông, thoát nước, hình thành vệt cây xanh, công viên, bãi đổ xe, hệ thống cấp điện, nước và thông tin liên lạc, khu đô thị này được kỳ vọng sẽ kết nối được các tuyến giao thông mới, mở rộng dần về hướng đông nam, mở đường cho đô thị thông minh, nâng chất lượng sống cho cư dân đô thị.

Một khu đô thị, hứa hẹn mở đầu cho những mới mẻ. Theo chương trình phát triển đô thị mà địa phương này vạch ra trong thời gian tới, Thăng Bình sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ.

Nhiều công trình được kiến nghị đầu tư, nâng cấp để tạo không gian cảnh quan, đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng dân cư đô thị như sân vận động huyện, trung tâm văn hóa thị trấn, quảng trường trung tâm đô thị, chợ Hà Lam…

Thoát khỏi “tư duy nhiệm kỳ”, thế hệ lãnh đạo đương nhiệm cũng khẳng định đã và đang tìm kiếm, kêu gọi những dự án xứng tầm, quy mô, xóa bỏ những dự án nhỏ lẻ để tạo năng lượng mới cho đô thị, như một “di sản” để lại cho hành trình phát triển của Hà Lam.

Đó chắc chắn không phải là chiếc áo sặc sỡ phồn hoa, mà là sự sôi động từ bên trong, nơi cư dân đô thị hài lòng với những nhu cầu của chính mình về làm ăn, sinh sống, nơi những nền tảng cho phát triển được hiện thực hóa, từ tiềm năng và cơ hội…

THÀNH CÔNG