Đại ngàn cuốn hút...

QUỐC TUẤN 22/05/2022 07:24

Những ngày đẹp trời, phía đại ngàn xứ Quảng mời gọi du khách với bao cuốn hút. Điểm đến mới có, cũ có, đều đang chuyển mình khởi động để hòa nhịp cùng sự chuyển dịch của xu hướng du lịch xanh.

Ngắm bình minh ở Đỉnh Quế (Tây Giang). Ảnh: Q.T
Ngắm bình minh ở Đỉnh Quế (Tây Giang). Ảnh: Q.T

Trải nghiệm đại ngàn

Cuối tháng 4, khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (huyện Đông Giang) đưa vào vận hành, thêm một lý do hấp dẫn để mời gọi du khách ngược nắng, gió đi về phía núi. Một hệ sinh thái vùng tây thu nhỏ tại đây với rừng lòn bon, bậc đá, hang động, thác nước… hùng vĩ đủ gợi cảm giác mê hoặc với nhiều du khách.

Nhưng đó chỉ là “trạm dừng chân” đầu tiên trên cung đường. Bao điều chứa đựng với lữ khách còn ở phía xa, chỉ có đến trải nghiệm mọi thứ cùng đất, người nơi đây mới cảm nhận hết được “kho báu” lặng thầm nơi đại ngàn.

Chuyến xe chầm chậm dừng lại ở làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang (xã Bha Lêê, huyện Tây Giang). Con thác R’cung gần đó nước chảy trắng xóa. Du khách hứng vốc nước rửa mặt xua đi mệt nhoài sau chuyến xe dài, tái tạo năng lượng khám phá giữa trưa hè oi bức.

Thả hồn vào các làn điệu dân ca da diết rồi sôi nổi trong điệu múa “tâng tung da dá”, mọi người như dần hòa nhịp cùng khúc tình ca của núi rừng. Khi mặt trời dần khuất bóng, những ly “rượu trời”, tiếng cồng chiêng, ánh lửa trại bập bùng hay những điệu nhảy truyền thống của đồng bào địa phương sẵn sàng chiêu đãi du khách đến lúc men say chếnh choáng và sương giăng, thấm đượm áo người.

Cảnh quan hùng vĩ phía đại ngàn Quảng Nam. Ảnh: Q.T
Cảnh quan hùng vĩ phía đại ngàn Quảng Nam. Ảnh: Q.T

Hành trình của du khách lại tiếp tục khi tiếng chim rừng vừa lảnh lót sau nhà sàn. Săn mây trên Đỉnh Quế trong màn sương mờ ảo, cảm nhận chút se lạnh ngay giữa mùa hè lúc bình minh chỉ mới vừa kịp hé là trải nghiệm khó quên, nhất là với những người trẻ yêu khám phá, xê dịch. Những ai từng có dịp rong ruổi mọi miền đất nước sẽ thấy ở Đỉnh Quế gợi lên một không gian Đà Lạt hay Sa Pa thu nhỏ trong lòng xứ Quảng.

Chinh phục thử thách lớn nhất trong hành trình là trekking ở rừng nguyên sinh pơ mu. Cung đường dài 7km với quần thể 725 cây pơ mu được công nhận Cây di sản chứa đựng nhiều điều bí ẩn thú vị xen lẫn cảm giác bỡ ngỡ, hồi hộp của những người lần đầu được tận mắt chứng kiến hệ sinh thái đặc sắc với hoa, lá, lan rừng, sinh vật hoang dã…

Cuộc đi dần khép lại khi du khách trở lại làng dệt thổ cẩm Đhrôồng, ghé thăm nhà Già làng Y Kông cùng đồi chè Đông Giang để có những giây phút suy ngẫm về các giá trị bản địa lặng lẽ lưu giữ hồn thiêng của đại ngàn, tranh thủ lưu lại kỷ niệm về một chuyến đi đáng nhớ mà có lẽ phải rất lâu họ mới có dịp quay lại…

Chuyển động cùng du lịch xanh

Hành trình 2 ngày - 1 đêm ngang qua Đông Giang - Tây Giang là một trong các nỗ lực phục hồi, làm mới điểm đến du lịch địa phương do Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) phối hợp với HoiAn Express, Paper bags tours cùng một số đơn vị khác tổ chức.

Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc điều hành HoiAn Express chia sẻ: “Với chủ đề “về miền đại ngàn” - back to nature trip, ngoài việc khai thác thiên nhiên chúng ta cần chung tay gìn giữ các giá trị vô giá này. Do đó, tiêu chí đặt ra cho chuyến đi không chỉ để khảo sát, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho điểm đến mới mà còn lan tỏa tinh thần du lịch xanh, giảm thiểu tối đa tác động từ du lịch đến tài nguyên bản địa”.

Trên đường khám phá rừng Pơ mu di sản.
Trên đường khám phá rừng Pơ mu di sản.

Từ chuyến đi thử nghiệm này, các bên liên quan đang tính toán việc phát triển sản phẩm du lịch xanh mà trong suốt chuyến du lịch về vùng tây Quảng Nam sẽ không dùng chai nước nhựa 1 lần hoặc dùng sẽ refill (đong đầy) và đem về lại. Bên cạnh đó, cũng nói không với bao nylon và không vứt rác tại các điểm dừng, trên đường đi. Đơn vị tổ chức sẽ đảm bảo bình nước lớn hoặc có vị trí refill nước trên suốt lộ trình.

Trong kế hoạch phát triển du lịch vùng tây của Quảng Nam, ngành du lịch cũng nhiều lần đề cập về việc cần khảo sát, tính toán kỹ lưỡng việc phát triển sản phẩm, lượng khách du lịch tại đây bởi đặc thù dễ tổn thương của các giá trị môi trường, văn hóa khu vực này.

Và những chuyến đi với tinh thần “không để lại gì ngoài dấu chân, đừng mang theo gì ngoài những bức ảnh” cũng phù hợp với xu hướng du lịch xanh mà Quảng Nam đang theo đuổi.

Ở phía đại ngàn, du lịch rất cần mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào địa phương, đồng thời đảm bảo không phá vỡ các giá trị bản địa đã trường tồn theo năm tháng. Đây là một trong những lối đi bền vững cho du lịch vùng cao hậu đại dịch.

QUỐC TUẤN