Để quê cho người già

SONG ANH 21/05/2022 07:45

(VHQN) - Tuổi trẻ ngóng ra phố. Còn tuổi già lụm cụm ở quê. Ở quê, là để giữ quê nhà còn đó chỗ cho người trẻ trở về...

Những người già... giữ quê hương luôn rộng mở đón người trở về, dù trong tâm tưởng. Ảnh: LÊ VẤN
Những người già... giữ quê hương luôn rộng mở đón người trở về, dù trong tâm tưởng. Ảnh: LÊ VẤN

Trong mạch chuyện về những ngôi làng Việt, không có chỗ để nói về người già ở làng, thì bức chân dung làng mạc xứ Quảng sẽ khuyết đi một phần rất lớn. Họ là chứng nhân của những dâu bể nông thôn, thậm chí là nguồn cơn để những ngôi làng - may thay, không bị cơn lốc xoáy của đô thị hóa, nông thôn mới làm mất đi những chỉ dấu của làng. 

Gần như một mặc định, muốn tìm hiểu về lai lịch một con đất, thì phải tìm gặp những người già.

Ngày rất cũ nào đó, không dưng tôi lại say mê như điếu đổ những chuyện kể của người già về ngôi làng của họ. Những người già, lạ lùng thay, như một kho chứa chuyện làng mà hễ nhắc tới là như khơi đúng mạch nguồn, cứ vậy tuôn ra, bất luận người nghe hẳn phải đôi ba lần ngái ngủ. Những chuyện xưa, xưa từ thuở cha ông lập làng, xưa từ ngày con cái còn đỏ hỏn, xưa từ cái cổng làng đường đất còn mê man.

Cụ ông Thái Văn Lịch - người làng Thu Bồn Đông (Duy Tân, Duy Xuyên) hẳn là một trong những ông lão mà những câu chuyện của cụ phần nào đó, được ví von như cái cách gián tiếp giữ lại một ngôi làng trong cơn bão xoáy. Ngày giữa tháng Hai âm lịch, cụ khăn áo chỉnh tề, làm lễ rước sắc, rước nước trong hội làng lớn nhất Quảng Nam, chỉn chu và nghiêm cẩn với từng công đoạn.

Từng chi tiết trong phần nghi thức lễ cụ nằm lòng, được viết lại để hợp thành bộ hồ sơ di sản - đưa Lễ hội Bà Thu Bồn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Tôi hình dung nếu không có những người già như cụ Lịch của xứ này, liệu lễ nghi của những phiên hội làng, có còn nguyên vẹn, có còn chứa đủ đầy phong vị của truyền thống trăm năm? 

Các cụ bà thường tâm sự với nhau khi nhà vắng con cháu.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các cụ bà thường tâm sự với nhau khi nhà vắng con cháu.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chưa có cuộc nghiên cứu nào về vị thế của người lớn tuổi trong hành trình giữ làng - giữ những nét cổ xưa của làng. Nhưng gần như một mặc định, muốn tìm hiểu về lai lịch một con đất, đầy sống động và mang hơi thở cuộc đời, thì phải tìm gặp những người già.

Trí nhớ họ có thể sai lệch đôi chỗ, nhưng chuyện của họ là dặm dài thời gian, tích lũy của vốn sống, những góc cạnh cuộc đời. Người già xứ Quảng, như ông già Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân - một người trọng tuổi hình như đủ đầy khí chất để đại diện cho những người già đất Quảng, “một người chuyên nghe “tiếng đồng”, chuyên nghe được những âm thanh có âm vực từ chói gắt tới âm trầm của giọng nói người xứ Quảng”.

Làng quê của cụ Nguyễn Văn Xuân là làng xứ Quảng với những con người kiên trung, là đất có cốt cách bởi giao thoa những nền văn minh khác nhau. Là làng quê với những loại hình nghệ thuật truyền thống có lai lịch căn nguyên từ những biến chuyển lịch sử... Và nó được tiếp nối ở cái không gian làng với nhiều thế hệ khác nhau. Những thế hệ mà bây giờ, họ đã thành ông, thành bà.

Trong mạch chuyện ở làng, giữ lấy một sinh hoạt truyền thống, cũng đồng thời là giữ lấy mảnh hồn của làng xuyên suốt nhiều thế hệ. Nhắc ý này, tôi lại nhớ tới cụ ông Nguyễn Quỳnh - một ông già bền bỉ với dấu ấn của nghệ thuật tuồng ở mảnh đất màu mỡ dọc sông Thu.

Từng ngày tháng không quản ngại xa xôi, tuổi tác, cụ Nguyễn Quỳnh đi tập hợp tụi trẻ để truyền vai tuồng cổ, để đưa tuồng vào học đường, để khơi mở Liên hoan nghệ thuật tuồng hằng năm ở các xã của Duy Xuyên. Miết mải bằng lòng thành, say mê và tự hào. 

Những người già ở quê thì kể mãi không hết chuyện. Một khu vườn xanh, một ngõ chè tàu được cắt tỉa hằng ngày cũng từ đôi tay người già. Họ làm để tạo “không gian xanh” cho người trẻ về quê mỗi cuối tuần. Cũng là để giữ cho làng mình đó, không tức mắt bởi bê tông, khói bụi.

Đôi khi ta ít để ý tới người già. Ta lướt qua họ, sống cuộc đời của ta. Để rồi có những lúc tưởng mình đã nắm cả thế giới này bằng những cú click chuột, lại ngẩn ngơ nhớ mùi gió trời khi mở toang cánh cửa đóng kín từ sáng tới tối mịt. Để rồi những bận thèm mùi cây cỏ, mùi đất bùn dậy lên sau mưa, lại quay quắt trở về. Nếu không có người già... giữ quê, liệu cuộc trở về có đủ vui thú của trẻ nít đi xa về nhà?

“Có một dòng sông một bờ là cha mẹ và quê hương, bờ kia là con cái và cuộc sống riêng tư. Có kẻ nào trưởng thành mà chẳng vậy, ngụp lặn, mải mốt bơi qua lại giữa hai bờ. Cho đến lúc cha mẹ mất, một bờ sụp đổ, quên lãng. Cho đến lúc con cái trưởng thành, một bờ đã dựng vách cao, không cần ta tới nữa...” - một ai đó cảm thán....

SONG ANH