Tên làng...
(VHQN) - Những tên làng mang nhiều hơn tầng nghĩa định danh. Đó là dấu ấn, hành trình của con đất qua bao dâu bể và cả di sản ký ức không dễ phai nhạt.
Chuyện giữ nếp nhà không chỉ ở vấn đề quy hoạch kiến trúc của làng, giữ nét sinh hoạt truyền thống mà còn cả tên gọi đã đi cùng năm tháng. Người thôn Trung An (Quế Trung, Nông Sơn) gặp người nơi khác, vẫn cứ xưng mình ở Phường Rạnh.
Bởi gọi cái tên Phường Rạnh hàm chứa trong ấy cả xứ sở cheo leo có từ hàng trăm năm, xứ khó nghèo gắn chặt với đèo dốc đá sỏi dọc theo dòng sông Thu. Phường Rạnh là tên đèo, cũng là tên làng người ở đây gọi quê xứ của mình.
"Trong cuộc sáp nhập đầy tính chất rập khuôn và hành chính, có những tên làng chỉ còn lại trong ký ức cư dân bản địa".
Nguồn cơn tên làng, theo lý giải của nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt, rằng: “Danh xưng Trung An gần như chỉ tồn tại trên mặt giấy tờ, khế ước. Còn tên bình dân là Phường Rạnh.
Chữ “Rạnh” xuất phát từ con trạnh, một loại động vật có hình dáng như con rùa nhưng rất to, có con to bằng cái nong, sống dưới nước. Người ta gọi làng ven sông này là Phường Trạnh, lâu ngày đọc chệch thành Phường Rạnh.
Phường, trong chữ Hán, còn có nghĩa là “làng”. Cho nên, Phường Rạnh còn có thể gọi nôm na là làng Trạnh”. Và cái tên làng Phường Rạnh cứ mặc nhiên như vậy trong dòng ký ức của người già xứ sở đầu nguồn này.
Nhiều nghiên cứu về làng xã Quảng Nam và trong mạch chuyện của cư dân ở các chuyến điền dã, tên làng xã cũ - vốn dĩ không phải là những tên hành chính được đặt sau này, được gọi lên đầy trân quý, tự hào.
Tôi nhớ giọng sang sảng của cụ ông làng Phong Hồ (Điện Nam Bắc, Điện Bàn), rồi đến khối phố Phong Hồ khi Điện Bàn lên thị xã, và bây giờ là khối phố 2A, còn Phong Hồ trở thành tên của một tổ dân phố thuộc khối này.
Những dòng tộc làng Phong Hồ, ông già nói, con cháu đi xa trở về là về Phong Hồ, về nhà thờ tộc ở Phong Hồ. Nên cái tên của đất vẫn còn đó, trong những dòng hồi ức của người sống lâu năm ở nơi chùng chình quê - phố.
Và lúc này, cái tinh thần trong “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mới thật sự thấm: “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”.
Nhưng không phải dân cư xứ nào cũng may mắn giữ lại được tên làng mình vẹn nguyên đi theo con đất trong từng cuộc đổi dời. Năm 2018, một cuộc sáp nhập thôn, khối phố diễn ra toàn tỉnh.
Từ 1.719 thôn, tổ dân phố, đến ngày 18.1.2019, toàn tỉnh còn lại 1.240 thôn, tổ dân phố, giảm 479 thôn, tổ dân phố. Trong số này, có những tên làng chỉ còn lại trong ký ức cư dân bản địa.
Xuân Đài - Điện Quang là một trong những tên làng gắn với rất nhiều chỉ dấu lịch sử của Quảng Nam. Từ nơi là cội nguồn của Tổng đốc Hoàng Diệu, nơi khởi nguyên của rất nhiều huyền tích, thì nay, sáp nhập cùng thôn Kỳ Lam và trở thành tên gọi thôn Xuân Kỳ cho cả 2 địa danh đều từng rất nổi tiếng của vùng Gò Nổi.
Trong cuộc gặp gỡ hồi tháng 10.2021 với lãnh đạo tỉnh, ông Trịnh Xuân Hải - Trưởng thôn Xuân Kỳ cho biết, khi mới sáp nhập thôn có 458 hộ với 1.864 khẩu, nay có 501 hộ với gần 2.000 khẩu.
Địa bàn thôn rộng hơn nhưng bị đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường sắt đi ngang chia cắt thành các khu dân cư, rất khó khăn cho việc đi lại sinh hoạt, hội họp của người dân.
“Thôn vẫn duy trì hai tổ trưởng đoàn kết, nhân dân hai địa bàn không thể sinh hoạt chung với nhau. Các chi hội, đoàn thể cũng được tổ chức thành hai phân hội ở khu vực Xuân Đài và Kỳ Lam. Các chi ủy, ban nhân dân thôn phải sinh hoạt hai lần tại hai địa bàn.
Từ thực tiễn hoạt động sau thời gian sắp xếp vừa qua, chúng tôi kiến nghị tỉnh xem xét cho tách thôn Xuân Kỳ ra lại làm hai thôn như trước đây” - ông Hải nói. Và bây giờ thì chuyện tách - nhập lúc này xem ra không chỉ riêng câu chuyện giữ những tên làng.
Lẽ dĩ nhiên, nguồn cội xứ sở có đầu tiên từ những cái tên. Tên là định danh. Và tên làng, giữ để còn nói chuyện bản sắc với mai sau...