Kết hợp công nghiệp giải trí với quảng bá du lịch

NGUYỄN TUẤN ANH 21/05/2022 07:17

(VHQN) - Quảng Nam có đầy đủ yếu tố để phát triển công nghiệp văn hóa dựa vào lịch sử sinh động, sự đa dạng giá trị văn hóa. Chẳng hạn có thể phát huy thế mạnh của lịch sử và văn hóa để phát triển du lịch, dựa vào những sự kiện, nhân vật lịch sử từ thời Trần, Lê, chúa Nguyễn đến vương triều Nguyễn, các di sản văn hóa thế giới, các danh lam thắng cảnh Quảng Nam đang sở hữu.

Một cảnh quay tại Hội An trong video ca nhạc đình đám “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu. Ảnh: Internet
Một cảnh quay tại Hội An trong video ca nhạc đình đám “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu. Ảnh: Internet

Xin đưa gợi ý có tính chất tham khảo, như cần chính sách, hành động để kết hợp giữa việc phát triển công nghiệp văn hóa với quảng bá du lịch địa phương thông qua nền công nghiệp giải trí như điện ảnh, âm nhạc.

Lấy ví dụ, những năm gần đây, du lịch Huế được du khách trong nước biết đến nhiều nhờ việc Huế trở thành phim trường cho các bộ phim điện ảnh và phim truyền hình ăn khách ở Việt Nam như: Mắt biếc (2019), Gái già lắm chiêu 2 (2018), Gái già lắm chiêu 3 (2020), Gái già lắm chiêu 5 (2021), Trạng Quỳnh (2019), Kiều (2021), Em và Trịnh (2022). Hàng loạt địa điểm nổi tiếng của Huế đã xuất hiện trong các phim thu hút hàng triệu lượt xem này sau đó đã thu hút rất nhiều khách du lịch đặc biệt là giới trẻ đến “check-in”. 

Trong khi đó, hình ảnh của quê hương Quảng Nam cũng xuất hiện trong một số sản phẩm giải trí. Đáng chú ý là video clip “Mang tiền về cho mẹ” (ca sĩ Đen Vâu), có nhiều cảnh quay tại cảng cá Cửa Đại, xưởng đóng tàu Trường Đà, làng bích họa Tam Thanh, di tích Chùa Bà...

Video ca nhạc này thu hút hàng triệu lượt xem trên Youtube, đã tạo hiệu ứng quảng bá cho những địa danh của xứ Quảng. Nhưng nếu so sánh với những địa danh khác ở trên cả nước, từng xuất hiện dày đặc trong các sản phẩm giải trí, thì sự xuất hiện của Quảng Nam vẫn còn khiêm tốn.

Từ việc quan sát và so sánh thực tế phát triển công nghiệp văn hóa ở một số quốc gia thông qua các sản phẩm giải trí, tôi cho rằng Quảng Nam hoàn toàn có thể trở thành phim trường hay bối cảnh cho các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, truyền thông đa phương tiện… vì đáp ứng đủ các yếu tố về con người, thiên nhiên và các di sản đặc sắc.

Các ban ngành chức năng ở Quảng Nam nên mời gọi, tạo điều kiện để là các nhà sản xuất, đạo diễn phim ảnh, âm nhạc, các ca sĩ… tiếng tăm tìm đến xứ Quảng để thực hiện các sản phẩm văn hóa, giải trí đặc sắc, chất lượng và phát hành, truyền dẫn, quảng bá rộng rãi ở trong và ngoài nước, coi đó là một trong những kênh quảng bá và xúc tiến du lịch hiệu quả đối với Quảng Nam.

Điện ảnh và âm nhạc Việt Nam ngày nay xuất hiện phổ biến trên thị trường âm nhạc trong nước và quốc tế với nhiều tên tuổi nổi trội cùng hàng loạt travel blogger, các hiện tượng mạng xã hội với hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Nếu có chiến lược kết hợp và khai thác hiệu quả, chắc chắn công nghiệp văn hóa của Quảng Nam sẽ phát triển và trở thành ngành mang lại lợi ích kinh tế to lớn.

NGUYỄN TUẤN ANH